Rượu bia là một nguyên nhân trực tiếp của 7 loại ung thư

Ngọc Mai - Đức Thắng |

Theo WHO, 4.2% số người chết vì ung thư có liên quan tới việc sử dụng rượu bia. Ở Việt Nam, một trong số các nước “nhậu nhiều nhất thế giới” thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.

Đã có rất nhiều tranh luận của các chuyên gia về chủ đề này. Riêng đối với các đấng mày râu ưa thích bia rượu, thì có lẽ thích nghĩ rằng rượu bia có nhiều tác hại cho sức khoẻ, nhưng không phải là ngọn nguồn của ung thư - kẻ giết người khủng khiếp nhất hiện nay.

Nhưng báo cáo mới của WHO cho thấy 4,2% số người chết vì ung thư có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng rượu bia. Riêng ở Việt Nam, một trong các quốc gia “nhậu nhiều nhất thế giới” thì tỷ lệ này chắc hẳn còn cao hơn nhiều.

Giáo sư Ian Olver - nguyên Tổng giám đốc điều hành Hội đồng Ung thư Úc - đã có bài phân tích về mối liên quan giữa chất có cồn và bệnh ung thư. Dưới đây là nội dung chính bài viết của ông.

Rượu bia chính là một nguyên nhân trực tiếp của nhiều bệnh ung thư!

Theo Báo cáo về tình hình ung thư thế giới năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới, riêng năm 2012 đã có tới 8,2 triệu cái chết do ung thư. Trong số đó, có 340.000 trường hợp là do sử dụng các chất có cồn.

Bản thân mối liên hệ giữa rượu bia và ung thư cũng không phải là tin mới. Từ năm 1988, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO (IARC) đã kết luận rằng các chất có cồn chính là tác nhân trực tiếp gây ung thư ở người.

Nói về lĩnh vực ung thư, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO (IARC) được ví là “tốt nhất của tốt nhất”.

Đó là vì nơi này tập trung các chuyên gia hàng đầu thế giới về ung thư, với các phân tích dựa trên những nghiên cứu trên phạm vi cực lớn, tuân thủ những quy tắc đánh giá toàn diện và thuyết phục.

Tất cả những điều này nhằm xác định một cách chắc chắn nguyên nhân gây ra ung thư - kẻ giết người số một thế giới hiện nay.

Hơn 26 năm qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rượu bia gây ra nhiều loại ung thư hơn nhiều so với phát hiện ban đầu của IARC.

Các bằng chứng thuyết phục cho thấy, chất có cồn gây ra bệnh ung thư vú ở nữ giới, ung thư ruột ở nam giới, ung thư miệng, ung thư thanh quản và ung thư thực quản ở cả hai giới.

Ngoài ra, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy chất có cồn gây ra ung thư gan (cũng ở cả 2 giới).

Một trong những điểm thú vị nhất trong nghiên cứu của IARC đó là, mặc dù mọi người thường cho rằng “mọi thứ đều có thể dẫn tới ung thư” nhưng thực tế chỉ có những nguyên nhân sau mới được xác định dựa trên cơ sở khoa học:

- Thuốc lá

- Kết hợp béo phì, chế độ ăn không tốt và lười vận động

- Nhiễm xạ UV

- Sử dụng chất có cồn

- Các bệnh lây nhiễm do virus như viêm gan, HPV (sùi mào gà)

- Amiăng

- Muối

- Hoá chất công nghiệp (nhiều loại đã bị cấm ở nhiều quốc gia)

Hậu quả ung thư do rượu gây ra còn trầm trọng hơn hậu quả của thuốc lá, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Anh.
Hậu quả ung thư do rượu gây ra còn trầm trọng hơn hậu quả của thuốc lá, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Anh.

Báo cáo mới của WHO cho thấy 4.2% số người chết vì ung thư có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng rượu bia.

Tương quan giữa lượng chất cồn tiêu thụ và nguy cơ ung thư rất rõ ràng: Càng uống nhiều rượu bia, nguy cơ càng cao. Cũng như nhiều nguyên nhân sinh ung thư khác, điểm nguy hiểm chính là việc dung nạp, tích tụ chất cồn trong một thời gian dài.

Lấy một ví dụ để dễ hình dung, ở Úc, số người chết mỗi năm vì mắc ung thư liên quan tới rượu bia còn lớn hơn số người chết do các khối u ác tính.

Tin tốt đó là, bạn có thể giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm uống bia rượu. Đó chính là một lựa chọn khôn ngoan.

Tuân thủ ngưỡng rượu bia được khuyến cáo, bạn sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư đã nêu trên.

Tuy nhiên, dù chỉ uống 1-2 cốc rượu bia mỗi ngày, nhưng nếu ngày nào cũng uống và uống trong một thời gian dài, bạn vẫn có nguy cơ cao mắc ung thư, đặc biệt là nữ giới.

Cơ thể tổn hại như thế nào vì uống rượu nhiều?

Lối sống khoẻ để phòng ngừa ung thư

Theo giáo sư Ian Olver thì tuân thủ lối sống khoẻ chính là chìa khoá giúp phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là ung thư.

Liệu tuân thủ lối sống khoẻ có khó không? Câu trả lời là bạn hoàn toàn có thể, hãy thực hiện theo lời khuyên dưới đây của các chuyên gia từ kênh thông tin sức khoẻ WebMD:

- Gầy tốt hơn béo, nhưng đừng để bị thiếu cân: Lưu ý không chỉ quan tâm tới cân nặng mà quan trọng là kiểm tra vòng bụng của bạn. Vòng bụng quá lớn là dấu hiệu của rất nhiều bệnh tật.

- Vận động, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày: Bạn có thể chia ra thành các buổi tập 10-15 phút.

- Tránh các đồ uống có đường và giảm dung nạp các thực phẩm tập trung năng lượng: Thay vào đó hãy ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt.

- Ăn nhiều loại rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu: Và nên nhớ hãy đa dạng bằng cách đa dạng màu sắc bữa ăn của bạn.

- Nếu uống rượu bia, hãy dừng lại ở ngưỡng được khuyến cáo: Bạn có thể xem ngưỡng rượu bia được các chuyên gia khuyến cáo tại đây.

- Ăn ít các loại thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu) và tránh các loại thịt đã qua chế biến: Thay vào đó, bạn nên sử dụng thịt gà, hải sản, các loại đậu.

- Giảm ăn đồ mặn và thực phẩm chế biến có muối natri: Tối đa 2400mg mỗi ngày. Thay vào đó hãy sử dụng thảo dược, gia vị.

Theo các nghiên cứu, thực phẩm chế biến chính là nguồn muối lớn nhất dung nạp vào cơ thể, hơn nhiều so với lượng muối bạn sử dụng làm gia vị nấu ăn.

- Không sử dụng các chất dinh dưỡng bổ sung nhằm phòng chống ung thư: Không phải vì các chất bổ sung không tốt mà vì chưa có bằng chứng khoa học nào về tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư – ngoại trừ vitamin D.

- Các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu: Sau đó mới bổ sung các loại đồ ăn thức uống.

Đối với những người mắc ung thư, sau giai đoạn điều trị nên tuân thủ các lời khuyên để phòng ngừa ung thư trên đây: Áp dụng đối với những người đã hoàn thành hoặc vẫn đang duy trì liệu trình điều trị.

Đồ họa: Đức Thắng.
Đồ họa: Đức Thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại