Ông lang có biệt tài chữa bệnh tim, gan, ung thư từ 36 cây thuốc

Nhiều năm bốc thuốc chữa khỏi nhiều bệnh nan y như bệnh tim, gan, ung thư cho hàng trăm người bệnh nhưng ông chỉ nhận mình chữa bệnh vì chữ tâm.

Ông là Phùng Văn Khang (SN 1937, trú xóm Bản Kính, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) là lương y có thâm niên 32 năm bốc thuốc chữa bệnh, cứu người. Nhờ vào các bài thuốc học được trong thời chiến tranh loạn lạc, ông đã cứu giúp cho hàng trăm người thoát khỏi “tử thần”.

Người lính cụ Hồ và cơ duyên với nghề thuốc

Căn nhà cấp bốn được xây bằng đá và đất đỏ gắn kết của lương y Phùng Văn Khang tọa lạc dưới chân núi Phja Rác cao vút, nằm ngay ven đường Quốc lộ 3, cách thành phố Cao Bằng 35km. Đến trước cửa nhà ông Khang, chúng tôi được “mục sở thị” kho nguyên liệu dùng làm thuốc chữa bệnh xếp ngay ngắn bên hiên nhà.

Bên trong ngôi nhà đã nhuốm màu thời gian, chủ nhân - lương y Khang giản dị trong bộ quần áo Nùng bạc màu đang cẩn thận chế thuốc. Năm nay đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”, mái tóc cũng đã ngả màu bạc nhưng đôi mắt ông vẫn còn tinh anh lắm. Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân, bố mẹ đều biết ít nhiều về y học nhưng do chiến tranh loạn lạc nên ông Khang không thể nối tiếp nghề.

Lấy vợ năm lên 19 tuổi, sau khi sinh được đứa con đầu lòng, tháng 2.1966 chàng thanh niên Khang lên đường nhập ngũ vào miền Đông Nam Bộ. Năm 1968, ông xuống tham gia công tác, chiến đấu tại Phòng Hậu cần B3, Lữ đoàn 11, thuộc lính Bộ binh ở Lục Ninh, Bình Phước. Tuy nhiên, một năm sau ông theo lữ đoàn lên Gia Lai chiến đấu. Trong những tháng ngày chiến đấu ác liệt ấy, không may ông trúng đạn của giặc Mỹ, bị thương nặng ở đầu và bụng.

Năm 1971, ông Khang lại cùng lữ đoàn sang các tỉnh miền đông Campuchia như Stoeng Trêng, Krâcchéh, Kâmpóng Cham… làm công tác tuyên truyền chống lại quân (Xiêm) Khơme đỏ. Khi đó, trong lữ đoàn có rất nhiều bộ đội bị bệnh và bị thương, ở trong rừng lại không có bác sỹ, không thuốc để chữa trị, cả đơn vị lo lắng.

Lúc đó, có một ông lương y ở tỉnh Stoeng Trêng, tên là Hoàng Tiến Sình, người gốc Hoa tình nguyện lên đơn vị chữa bệnh cho anh em đơn vị. Do làm Lữ trưởng Lữ đoàn 11, phòng hậu cần, ông Khang được tiếp xúc thường xuyên với lương y Sình. Ông vô cùng kinh ngạc về tài y thuật của vị lương y này.

Chỉ bằng những lá, rễ, thân cây hái trên rừng đem về sao lên, đắp bôi, sắc uống mà ông Sình đã chữa cho bộ đội trong các trường hợp cầm máu, liền viết vết thương, gẫy chân, tay và bệnh sốt rét ác tính, ho, thương hàn…

Tuy làm Lữ trưởng, nhưng hàng ngày ông Khang vẫn cùng ông Sình lên núi tìm cây thuốc, chiều tối về nhặt thuốc, sao thuốc và chữa cho anh em bị thương. Mấy lần đi rừng tìm cây thuốc, do sơ ý bị quân Xiêm truy kích ông và lương y Sình phải trốn trong rừng mấy ngày mới tìm được đường về.

Vì trọng tài y thuật của lương y Sình và nhờ ham học hỏi mà ông Khang được chọn làm truyền nhân. Mỗi lần lên rừng theo thầy hái lá thuốc, ông đều ghi chép tỉ mỉ, cách làm, cách dùng đối với từng loại bệnh.

Thầy Sình nhiệt tình chỉ bảo ông rất cẩn thận và dặn rằng: “Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam sang đây cứu nhân dân Campuchia, tôi có ít bài thuốc sẽ cố gắng chữa trị cho bộ đội. Anh cũng nên học để biết chữa bệnh cho anh em đơn vị còn tiếp tục hành quân làm nhiệm vụ. Sau này, tôi không thể đi theo đơn vị mãi để chữa bệnh. Biết bốc thuốc chữa bệnh phải làm y đức, hết lòng cứu người”.

Mỗi ngày ở bên thầy Sình đi hái cây thuốc chữa bệnh cho anh em đơn vị là một ngày vàng để ông Khang học nghề. Bệnh nhân bị thương bộ phận nào, mắc bệnh gì, bắt mạch đoán bệnh, dùng lá thuốc và cách chữa với từng loại bệnh, thầy Sình đều dắt tay chỉ việc tận tình và truyền cho ông Khang bí kíp dùng 36 cây thuốc chữa được nhiều bệnh khác nhau. Sau gần 1 năm, ông đã chữa được bệnh cho anh em đơn vị theo hướng dẫn của thầy Sình.

Ông tâm sự: “Quãng thời gian ở Campuchia 3 năm, tôi hầu như đã học thuộc hết các bài thuốc chữa bệnh bằng phương pháp đông y do thầy Sình truyền dạy. Tôi thực sự cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi được thầy chọn làm truyền nhân”.

Ông lang có biệt tài chữa bệnh tim gan, ung thư bằng 36 cây thuốc

Bệnh nhân Vương Thị Sơn đang trong thời gian theo dõi, điều trị bệnh ung thư vòm cổ.

Biệt tài chữa bệnh từ 36 cây thuốc

Tháng 10.1974, ông Khang xuất ngũ trở về quê hương. Năm 1980, ông Khang làm Bí thư Đảng ủy xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh). Về quê, làm cán bộ xã, đi và gặp nhiều người bị bệnh, hoàn cảnh khó khăn, ông không cam lòng và bắt đầu công việc bốc thuốc chữa bệnh, cứu người.

Ông bỏ nhiều công sức tìm hiểu cây thuốc địa phương, gặp lương y cao niên học, nghiên cứu thêm bài thuốc rồi so sánh với cây thuốc, bài thuốc được học từ thầy Sình ở Campuchia. Kết hợp từ các cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh, ông tìm ra một công thức chữa bệnh hiệu quả.

Từ 36 cây thuốc, căn cứ vào tiền sử, bệnh án xét nghiệm của bệnh nhân, ông có một bài thuốc riêng. Bệnh nhân được ông chia làm 4 nhóm bệnh: Nhóm mắc các bệnh về nội tạng, bệnh thần kinh, bệnh về ung thư và bệnh ngoài da. Phương thức chữa bệnh của ông đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân.

Năm 1994, ông được kết nạp vào Hội Đông y Việt Nam. Nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian, tâm sức, chuyên tâm vào nghiên cứu bốc thuốc chữa bệnh, cứu người. Biệt tài của ông là chữa bệnh tim và gan, dựa vào kết quả bệnh án của bệnh viện. Nhiều người mắc trọng bệnh, chạy đôn đáo khắp nơi chữa trị mà không chuyển biến nhưng khi tìm đến ông chữa trị lại khỏi.

Ông Hứa Huýnh Hoàng - người ở xã Phi Hải (huyện Quảng Uyên) bị suy tim độ 4, đi nhiều bệnh viện không khỏi, đi tìm ông chữa trị đến bây giờ vẫn sống khỏe mạnh. Anh Huỳnh - Chi cục Hải quan tỉnh Cà Mau có vợ bị bệnh tim sang Nhật Bản điều trị không khỏi. Biết tin ông, lặn lội lên Cao Bằng gặp ông bốc 8 thang thuốc về uống đã khỏi hẳn.

Ông còn chữa được các bệnh xơ gan cổ chướng, viêm gan B, gan nhiễm mỡ… Đối với các bệnh nan y như ung thư vòm cổ, cổ tử cung ở giai đoạn đầu phát hiện, ông cũng có bài thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Cô Vương Thị Sơn (50 tuổi, huyện Hòa An) bị ung thư vòm cổ, trước đây đã vào Bệnh viện u bướu Đà Nẵng và Hà Nội chữa trị một thời gian nhưng không thuyên giảm. Sau đó, kinh tế gia đình kiệt quệ, năm 2011, cô tìm đến ông Khang chữa trị, đến nay đã thấy đỡ, ít bị ù tai và ho khạc ra máu. Ngoài ra, ông còn chữa khỏi được bệnh phổi, đại tràng, trĩ, dạ dày, thần kinh…

Chữa bệnh vì chữ tâm

Xem qua sổ sách ghi chép chữa bệnh của ông chỉ trong hai năm nay đã có đến gần nghìn lượt người tìm tới nhờ giúp đỡ. Trong đó, không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, xơ gan cổ chướng, suy tim nặng…

Ông Khang cho biết: “Nếu lấy tiền thuốc từ tiền trăm, tiền triệu/người bệnh thì tôi đã có số tiền kha khá. Nhưng làm nghề bốc thuốc tôi không được phép đoán bệnh ra giá tiền. Người có bệnh tìm đến mình là vinh dự và trách nhiệm. Bệnh nhân trọng bệnh, nhà nghèo tôi chỉ chữa bệnh làm phúc. Tôi luôn giữ lời hứa với thầy Sình – người truyền nghề cho tôi”.

Vợ chồng ông Khang có hai con và bốn cháu. Cuộc sống gia đình trông vào mấy trăm mét đất trồng lúa, khoai, rau. Hiện nay, ông không còn đủ sức sức leo núi tìm cây thuốc nên dành dụm từng đồng lương hưu mua cây thuốc hoặc nhờ con cháu, lương y thân quen tìm cây thuốc.

Vì vậy, vào mỗi dịp lễ, tết, nhà ông đông vui như trẩy hội, những người từng được ông chữa khỏi đến thăm nhiều đến nỗi căn nhà nhỏ hẹp của ông không có đủ chỗ ngồi. Căn nhà tuy nhỏ bé nhưng ấm áp tình người, lúc nào cũng rôm rả tiếng cười đùa. Ông bảo, mỗi dịp như vậy ông cảm thấy vui lắm. Ông không mong gì hơn ở họ ngoài tình cảm quý mến.

Anh Lưu Văn Tung - Bí thư Chi bộ xóm Bản Kính tâm sự: “Ông Khang là lương y có tâm, sống chan hòa với mọi người. Bà con trong xóm có bệnh gì ông đều chữa trị tận tình nên ai cũng yêu quý”. Chị Sơn - bệnh nhân bị ung thư cổ vòm họng ở huyện Hòa An chia sẻ: “Tôi may mắn gặp được thầy Khang, khi điều trị thấy đỡ hẳn, không phải đau đớn, mất sức như đi trị xạ. Tôi sống thêm ngày nào là nhờ ơn của thầy Khang”. Còn ông Khang lại nói: “Làm phúc đức cho người thì tôi và gia đình, con cháu mới khỏe mạnh, yên ấm thế này” .

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại