Hai nhà nghiên cứu người Canada, đồng tác giả kênh Asap Science trên trang Youtube, đã lí giải việc bộ ngực phụ nữ phát triển ra sao và hoạt động để tạo nên sữa nuôi lớn trẻ sơ sinh như thế nào.
Trong một đoạn video ngắn dài 4 phút, họ cũng mô tả cách "núi đôi" đã khiến các động vật có vú thành công đến như vậy trong quá trình tiến hóa.
Không giống chim hoặc bò sát, những đối tượng phải đi săn hoặc thu lượm thức ăn cho những đứa con còn nhỏ của chúng, các động vật có vú có thể dùng sữa tiết ra từ chính cơ thể chúng để nuôi con.
Chuyên gia Rachel Salt giải thích: "Các protein, đường và chất béo được rút lấy từ nguồn cung cấp của mẹ để tạo thành sữa và đây là hành động khiến các động vật có vú thành công đến như vậy".
Các gen cũng đóng một vai trò quyết định kích cỡ cặp "tuyết lê" của một phụ nữ, mặc dù các nghiên cứu cũng ghi nhận sự tương quan tích cực giữa kích cỡ vòng 1 và cân nặng.
Và ở người, một bên bầu ngực, thường là bên trái, luôn lớn hơn bên còn lại tới 50% thời gian.
Hiện tượng này được gọi là "sự bất đối xứng núi đôi" và được cho là bắt nguồn từ các thay đổi hoóc môn xảy ra trong quá trình dậy thì.
Hơn thế nữa, kích cỡ của bộ ngực cũng thay đổi theo tuần, do sự dao động nồng độ các hoóc môn trong cơ thể người phụ nữ suốt chu kỳ kinh nguyệt.
Các phụ nữ của chúng ta là những động vật có vú duy nhất sở hữu "núi đôi" phát triển núm vú và các tuyến vú trong giai đoạn dậy thì, trong khi bầu ngực của các động vật có vú khác chỉ to lên trong quá trình nuôi con.
Theo chuyên gia Salt, vòng da sậm màu quanh núm vú gọi là areola với vô số các u nhú tí hon gọi là tuyến Montgomery.
Khi người mẹ bắt đầu tiết sữa, các tuyến này sản sinh ra các chất nhờn để bôi trơn núm vú. Chúng cũng giải phóng các hóa chất khiến cho núm vú dường như thơm ngon đối với đứa trẻ.
Khi người mẹ nghe tiếng một đứa trẻ con khóc, ngay cả khi nó không phải là con ruột của mình, điều này cũng có thể kích hoạt cả một quá trình hoóc môn thúc đẩy sự tiết sữa.
Các cảm thụ quan trong núm vú có khả năng phát hiện khi đứa trẻ bắt đầu bú mút và gửi các thông điệp tới bộ não của người mẹ, dẫn đến sự giải phóng "hoóc môn âu yếm" oxytocin.
Oxytocin tăng cường trải nghiệm gắn bó giữa người mẹ và đứa con. Đứa trẻ bú mút cũng khuyến khích việc tiếp tục sản sinh prolactin, chất thiết yếu cho việc tạo sữa ở người mẹ.
Các chuyên gia cũng cho biết, không chỉ trẻ em yêu cặp tuyết lê của người phụ nữ, mà cả những người lớn cũng mê mẩn chúng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mọi người dành nhiều thời gian hơn để ngắm nhìn các bộ ngực "khủng" của phụ nữ với một tỉ lệ chiều rộng hông/eo nhất định.
Tuy nhiên, các phụ nữ sở hữu "núi đôi" khiêm tốn cũng không nên lo lắng, vì nghiên cứu nói trên cũng phát hiện, mọi người thích các cặp tuyết lê với đủ hình dáng và kích cỡ khác nhau.
Trong thực tế, các cặp tuyết lê có kích cỡ trung bình nhìn chung được đánh giá là hấp dẫn nhất.
Ở người, bộ ngực còn là nguồn khoái cảm tình dục lớn. Kích thích ở núm vú đã khơi dậy ham muốn tình dục ở 52% cánh mày râu và tới 82% chị em phụ nữ.
Các kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) phản ứng của phụ nữ hé lộ, cùng một vùng não sáng lên khi người phụ nữ nhận kích thích ở núm vú hay ở âm vật hoặc âm đạo.
Mặc dù là một nguồn cung cấp dinh dưỡng và khoái cảm, nhưng bầu ngực cũng rất dễ bị tổn thương.
Ung thư vú hiện là một trong các loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới, do các tế bào thường phân chia khi bộ ngực lớn lên và thay đổi trong tiến trình cuộc sống của chúng ta.
Các tế bào phân chia thường xuyên hơn cũng có nguy cơ bị đột biến dẫn đến ung thư cao hơn so với những tế bào không phân chia.
Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vú, bao gồm cả độ đặc của cặp tuyết lê (bầu ngực "đặc hơn" có nhiều mô phi mỡ hơn mô mỡ), độ tuổi của người phụ nữ lần đầu tiên mang thai và việc sở hữu các gen như BRCA1 và BRCA2 (tăng nguy cơ mắc bệnh).
Hoóc môn sinh dục nữ oestrogen cũng kích thích các tế bào vú phân chia, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Trong khi đó, các hóa chất tồn tại trong thuốc trừ sâu, các sản phẩm công nghiệp và thậm chí cả thức ăn của chúng ta cũng có tác động giống oestrogen.
Song, dù "núi đôi" rất dễ tổn thương, chuyên gia Salt vẫn khẳng định nó là bộ phận kỳ diệu của cơ thể.
"Bất kể hình dạng hay kích cỡ, chúng là một phần thiết yếu giúp duy trì sự sống của con người và định hình chúng ta như một loài. Cảm ơn cặp tuyết lê", bà Salt nhấn mạnh.