Tại trụ sở của Viện Dưỡng sinh tâm thể ở Hà Nội (số 48, ngõ 1, phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên có khoảng trên 30 bệnh nhân đến để tập luyện mỗi ngày.
Mỗi buổi tập kéo dài từ 30 phút đến hai tiếng đồng hồ, tùy điều kiện của người tham gia. Có hai huấn luyện viên, thường là những người đã khỏi bệnh sau khi tập luyện, phân công nhau thay phiên hướng dẫn các học viên mới. Nếu chỉ một lần chứng kiến cách tập luyện của những học viên nơi đây thì khó ai có thể tin rằng, Dưỡng sinh tâm thể có thể “đẩy lùi” các nhóm bệnh khó trị như xương khớp, thoát vị đĩa đệm, tim mạch, tai biến, tiểu đường, trầm cảm…
Dưỡng sinh Tâm thể là một trong những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc nhận được nhiều sự tin tưởng trong khoảng 20 năm trở lại đây. Những người theo đuổi cách chữa bệnh này chỉ cần bỏ ra ít nhất 20 phút mỗi ngày để tập luyện các động tác dưỡng sinh, tự mình hoặc dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Dựa trên nguyên lý giữ sự trong sáng, bình yên bên trong tâm hồn để nhận được trường năng lượng tốt từ bên ngoài, những năm qua, Dưỡng sinh tâm thể đã giúp hàng chục ngàn trường hợp lành bệnh mà hiệu quả của nó đến nay vẫn khiến nhiều người… không thể tin nổi.
Bà Hai Hương (người cầm bằng khen) – người “khai sinh” ra bộ môn DSTT với huyền thoại về “đôi bàn tay kỳ diệu”. Ảnh TG
Những ca lành bệnh thần kỳ
Lần đầu tôi tìm tới trụ sở Viện dưỡng sinh tâm thể tại Hà Nội là vào 10h sáng một ngày đầu tháng 6, nắng gắt và oi bức. Tuy nhiên, tiết trời khắc nghiệt dường như không làm “nguội” đi động lực tập luyện của những học viên Dưỡng sinh tâm thể. Mặc dù mặt trời đã lên tới gần đỉnh đầu nhưng những người lỡ vướng mắc công việc không thể đến tập vào buổi sáng sớm vẫn có mặt ở đây tầm 20 phút để tập luyện và nhờ sự tác động của huấn luyện viên.
Trong số những học viên Dưỡng sinh tâm thể tôi gặp ngày hôm đó là chị Triệu Thị Thảo (SN 1970) đang sống tại Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội). Chị Thảo làm nghề buôn bán sắt vụn đã nhiều năm nay. Cách đây khoảng 5 năm, chị bị chứng viêm khớp nặng, các đầu ngón tay bỗng nhiên đau nhức, không cầm nổi thứ gì vào buổi sáng sớm nếu không ngâm qua nước muối ấm. Chứng đau khớp này còn khiến chị Thảo phải sống vô cùng mệt mỏi trong những đêm hai chân lạnh toát, mất ngủ triền miên. Thời điểm bệnh nặng, chị Thảo bị cứng đờ hai tay, không làm được gì và phải đi bệnh viện điều trị một thời gian. Tuy nhiên, viêm khớp từ lâu đã nổi tiếng là một căn bệnh khá “cứng đầu”, nếu không điều trị tận gốc sẽ tái đi tái lại khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống. Sau khi trở về từ bệnh viện một thời gian, chị Thảo lại bị tái lại các triệu chứng cũ.
Qua công việc thu mua sắt vụn, chị Thảo có quen một “khách hàng thân thiết” đã từng bị thoát vị đĩa đệm và chữa khỏi nhờ tập luyện Dưỡng sinh tâm thể. Được giới thiệu, chị “bán tín, bán nghi” tìm tới trung tâm mong cải thiện bệnh tình của mình mà không phải mất nhiều thời gian và tiền bạc.
“Người giới thiệu tôi đến với Dưỡng sinh tâm thể là anh Huy, một người tôi quen khi hay lui tới nhà anh mua hàng. Anh Huy bị thoát vị đĩa đệm nặng lắm, cả ngày chỉ nằm dài trên giường mà không làm được gì. Ngày đi chữa ở Viện Dưỡng sinh tâm thể, người nhà còn phải mang cáng để chở anh ấy đi. Vậy mà sau một thời gian tập luyện tại đây, sức khỏe của anh ấy đã bình phục. Mấy năm nay, anh ấy đi lại, làm việc bình thường trở lại rồi. Quả là một điều kỳ diệu. Lần đầu tiên đến Viện, huấn luyện viên hướng dẫn tôi cách điều chỉnh lối sống, cách thở, các động tác tập luyện cơ bản và truyền năng lượng cho tôi thông qua tác động bên ngoài cơ thể hoặc nước uống. Lúc đầu, tôi cũng không tin lắm vì không có thuốc, lại không có phương pháp điều trị đặc biệt gì mà khỏi được bệnh thì quả là khó tin. Vậy nhưng, kết quả đã chứng minh tất cả. Tôi không còn uống thuốc gì nhưng từ sau khi tập luyện Dưỡng sinh tâm thể đã không còn bị các triệu chứng viêm khớp hành hạ nữa. Mỗi ngày, dù bận rộn thế nào tôi cũng dành ít nhất 20 phút tới đây để tập luyện”, chị Thảo chia sẻ. Chị cho rằng: “Đây là phương pháp chữa bệnh nhẹ nhõm hơn các phương pháp khác, vừa cải thiện bệnh tình vừa giúp cho tinh thần thoải mái, an lành”.
Ngày thứ hai tôi đến Viện Dưỡng sinh tâm thể là vào 8h sáng. Vào thời gian này, các học viên tại Viện đông đúc hơn. Tuy nhiên, dù có cả chục người trong căn phòng tập luyện chỉ rộng khoảng 20m2 thì không khí ở đây vẫn cho thấy cái cảm giác yên bình và trong lành đến lạ. Anh Phan Văn Hùng, hướng dẫn viên chính của Viện cho biết, các học viên thường đến đây tập vào buổi sáng sớm để chuẩn bị cho một ngày lao động dài; tuy nhiên, rải rác trong ngày cũng có nhiều người đến tập bởi Dưỡng sinh tâm thể không hề bó buộc thời gian, địa điểm hay số lượng người tập. Lần này, tôi có dịp tiếp xúc với cô Nguyễn Thị Ái (SN 25B, ngách 42, ngõ 86, phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội). Nhìn bề ngoài, cô Ái trẻ hơn cái tuổi 55 của mình rất nhiều; làn da cô căng tràn nhựa sống và đặc biệt là cho người đối diện cảm giác cô rất an vui. Cô Ái cho biết, để giữ gìn được sự tươi trẻ ấy, cô đã nhờ vào Dưỡng sinh tâm thể rất nhiều. Cô Ái đến với Dưỡng sinh tâm thể cách đây 4 năm, khi mang trong người rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm.
Cô kể lại: “Lúc đó, tôi bị cao huyết áp, cao nhất là 200/120 và đã hai lần suýt tai biến. Kèm theo đó là đau dạ dày đã xuất huyết một lần và viêm hang vị xung huyết phải điều trị 4 tháng mà những cơn đau vẫn trở đi trở lại. Tôi còn bị viêm bàng quang mãn tính mỗi tháng đi tiểu ra máu một lần, thoái hóa 4 đốt sống cổ, đau đầu và mất ngủ quanh năm. Các căn bệnh mãn tính trên đã làm sức khỏe của tôi thực sự suy kiệt, tinh thần mệt mỏi, bi quan và không ít lần chán nản về sự sống. Đúng lúc đó, tôi được một người bà con cũng đang là học viên của Viện Dưỡng sinh tâm thể giới thiệu tới Viện. Thật là một cơ duyên may mắn. Đến với Viện Dưỡng sinh tâm thể tôi được hướng dẫn viên dạy các phương pháp luyện tập như hít thở đúng cách kết hợp với các động tác nhằm đánh thức hoạt động của các bộ phận trong cơ thể. Cuối mỗi buổi tập, hướng dẫn viên lại tác động năng lượng khiến bệnh tình của tôi thuyên giảm nhanh chóng. Buổi tập đầu tiên của tôi trong tình trạng phù mặt và phù toàn thân; tập được một tuần, tôi thấy người nhẹ nhõm, một tháng sau thì thấy khỏe hơn rất nhiều, ra đường gặp gió to không còn xây xẩm mặt mày như trước nữa. Bệnh tình lui dần khiến tôi rất phấn khởi, gia đình cũng động viên thường xuyên đi tập nên từ đó tới nay hầu như ngày nào tôi cũng tới Viện”.
Ngoài các ca lành bệnh thần kỳ như chị Thảo, cô Ái thì còn rất nhiều “huyền thoại” khác về chữa bệnh bằng Dưỡng sinh tâm thể đã được ghi nhận trong những năm qua. Một trường hợp tiêu biểu phải kể đến là bà Nguyễn Nguyệt Ánh (SN 1939) – vợ của nhạc sĩ Doãn Nho. Năm 1966, bà tham gia đội xung kích đoàn Ca múa Quân đội vào chiến trường Tây Nguyên biểu diễn. Đây là vùng có chất độc màu da cam của Mỹ rải, sau này, các bác sĩ nghi đây chính là nguyên nhân cho căn bệnh ung thư của bà. Nghi ngờ này lại càng được củng cố khi vào năm 1968 tại Hà Nội, một nữ diễn viên trong đoàn của bà Ánh sinh con dị dạng (trong khi đó cả đoàn xung kích của bà chỉ có 3 người là nữ). Năm 1969, bà Ánh may mắn sinh được một người con trai khỏe mạnh, nhưng ngay sau đó bà được chẩn đoán bị u xơ cổ tử cung với biểu hiện từ năm 1980 là kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 20 ngày mỗi tháng. Năm 1989, bà mổ cắt u xơ tử cung nhưng lại phát hiện đây là khối u ác tính và đã phát triển thành ung thư, khả năng chỉ kéo dài được cuộc sống khoảng 6-7 năm nữa. Mặc dù khi phẫu thuật đã truyền tới mấy lít máu nhưng sau phẫu thuật bà Ánh vẫn rất yếu; cân nặng 45kg và không thể tự mình leo gác được, kể cả lên tầng hai; tay không nhấc nổi dù chỉ là chiếc nồi cơm điện…
Hàng ngày, bà vẫn bị đau dữ dội ở vùng thượng vị, ăn ngủ đều kém. Biết Tây y đã bó tay, bà Ánh và chồng chuyển sang các phương pháp trị liệu khác nhưng cũng không mấy tác dụng. Năm 1996, biết về phương pháp Dưỡng sinh tâm thể, tập với liệu trình 9 ngày, bà cũng thử tham gia. Kết quả thật bất ngờ. Chỉ sau 3 ngày tập luyện và được huấn luyện viên tác động, bà hoàn toàn hết đau; khoảng một tuần thì khỏi đau hẳn, ăn ngủ ngon, tăng cân. Năm nay, mặc dù đã ở tuổi hơn 70 nhưng bà vẫn khỏe mạnh, tươi tắn và nhanh nhẹn. Tâm huyết với bộ môn này, nhạc sĩ Doãn Nho – chồng bà, sau khi vợ khỏi bệnh đã đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Dưỡng sinh tâm thể suốt từ ngày ấy đến bây giờ như một tinh thần trả nợ ân nghĩa.
Xuất phát từ “đôi bàn tay huyền diệu” của cố Trưởng môn
Giống như một số phương pháp chữa bệnh bằng phương pháp tự nhiên khác như “Tâm năng Dưỡng sinh” của cố Trưởng môn Nguyễn Văn Chiều, “Ứng dụng năng lượng sinh học” của Tiến sĩ Nguyễn Đình Phư, “Cảm xạ học” của Nhà cảm xạ, bác sỹ Dư Quang Châu… Dưỡng sinh Tâm thể cũng được khởi xướng và dìu dắt từ một Trưởng môn. Đó là bà Tôn Nữ Hoàng Hương (1934 – 2005), thường được các học viên Dưỡng sinh tâm thể gọi thân mật là Má Hai Hương.
Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương sinh năm Giáp Tuất 1934, có bố là người gốc Huế; mẹ là người Bình Định. Bố mẹ bà hiếm hoi, sau khi thành gia thất 7 năm vẫn chưa sinh nở, nhờ đi cầu tự mới mang thai sinh bà tại quê ngoại (Phù Mỹ - Bình Định). Sau khi xây dựng gia đình, bà sống tại Ninh Sơn (Hoà Thành, Tây Ninh). Năm 1963, khi đang mang thai người con út, bà bị một tai nạn bất ngờ và ngất đi. Tuy nhiên, như một kỳ tích, bà sống lại sau 3 ngày chết lâm sàng. Sau khi tỉnh lại, việc làm đầu tiên của bà là dùng tay xoa để chữa cho thai nhi trong bụng. Kỳ lạ thay, thai nhi vẫn lại được bình yên và ngày nay, người con ấy đã trở thành một dược sĩ đang làm việc tại Tây Ninh.
Sau lần “chết đi sống lại” ấy, Má Hai Hương quyết định dời nhà ra đi tìm lên núi Hồng Ngự - Phan Thiết để tu luyện và chữa bệnh. Bà còn thuyết phục chồng “vui lòng lấy vợ hai” để tạo cơ hội cho mình “toàn tâm, toàn ý” với hành trình chữa bệnh cứu người. Cho tới nay, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh của bà với dáng vẻ thấp, đậm, gánh thuốc đi bán dạo nhưng lại rao: “Ai mua thì bán, ai xin thì cho”. Nơi hành nghề của bà thường là dưới một gốc cây và chữa bệnh bằng lá thuốc chỉ là một phần; chủ yếu bà dùng đôi bàn tay của mình xoa, vuốt, vỗ... sau đó cho người bệnh uống nước. Chỉ có vậy mà bệnh tật tiêu tan.
Tiếng lành đồn xa, mọi người đến xin bà giúp rất đông và biếu bà nhiều đồ ăn thức uống, có khi chất đầy gốc cây. Bà lại sẻ cho những người có bệnh đang đói khát vì quá nghèo. Những năm cuối kháng chiến chống Mỹ, bà Tôn Nữ Hoàng Hương bị địch bắt vì lý do đã chữa bệnh cho cả những gia đình làm cách mạng. Bà đã phải ngồi tù 4 năm. Trong tù, chữ “tâm” của bà càng rạng, bà an ủi và chăm sóc sức khỏe cho mọi tù nhân và cả cai tù. Được ra tù ít lâu thì Miền Nam được giải phóng, bà hồ hởi được sống trong không khí hòa bình thống nhất đất nước và càng mê mải với công việc từ thiện của mình. Bà tự tay đào tạo hàng loạt các hướng dẫn viên cho bộ môn chữa bệnh không dùng thuốc của mình mà khi ấy, người ta vẫn chưa biết gọi tên phương pháp này là gì.
Đã có rất nhiều người trên khắp cả nước chữa khỏi bệnh nhờ phương pháp Dưỡng sinh tâm thể và coi “đôi bàn tay kỳ diệu” của Má Hai Hương như một phép màu. Một trong số đó là ông Nguyễn Thọ Khôi (68 tuổi), hiện ông Khôi cũng là hướng dẫn viên của Viện Dưỡng sinh tâm thể sau khi tự mình trải nghiệm phương pháp chữa trị này và lành bệnh. Ông Khôi cho biết, ông vốn là giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ. Hàng ngày, ông lên lớp với những cơn hen suyễn thường trực. Chỉ cần một học sinh nào đó nghịch ngợm đánh que diêm ngoài cửa là trong lớp, mùi diêm sinh làm thầy gục xuống vì những cơn suyễn rút ruột. Một lần, chiếc bảng phấn tuột đinh rơi trúng đầu ông, từ đó, bên mắt trái của ông cứ mờ dần gần như không nhìn thấy gì nữa.
“Cơ duyên đã khiến tôi gặp được má Hai, được má chữa bệnh. Từ đó đến nay, tôi lúc nào cũng khoẻ mạnh, hai mắt tinh tường, vui vẻ và lạc quan. Theo lý thuyết của môn dưỡng sinh này, các bệnh tật đều do sự thiếu cân bằng trong con người mà sinh ra. Bởi vậy, cân bằng lại âm dương trong cơ thể sẽ dần dần hàn gắn được những tổn thương và duy trì được sức khoẻ. Các hướng dẫn viên sẽ trò chuyện, khuyên người bệnh củng cố niềm tin vững chắc vào bản thân vì chỉ khi người ta tin tưởng một cách quyết liệt rằng mình sẽ chiến thắng bệnh tật thì người ta mới có thể hết bệnh. Sau khi đã có niềm tin, người bệnh sẽ được học cách thở đúng cách để thu nhận nhiều nhất khí ôxy, từ đó huy động được những năng lượng tiềm ẩn trong mỗi người và tiếp nhận năng lượng từ mặt đất (khí âm, chữa những bệnh thiếu âm), bầu trời (khí dương, chữa những bệnh thiếu dương) và khí cân bằng âm dương trong vũ trụ. Bên cạnh đó, các hướng dẫn viên của trung tâm sẽ dùng năng lượng của mình tác động trực tiếp lên người bệnh bằng cách xoa, vuốt, đấm… giúp người bệnh nhanh khoẻ hơn”, ông Khôi cho hay.
Đứng vững giữa ranh giới khoa học và mê tín dị đoan
Dựa vào cách thức tập luyện và “truyền năng lượng”, Dưỡng sinh tâm thể gần giống với một số phương pháp chữa bệnh bằng tâm linh đã có mặt trên thế giới từ hàng ngàn năm trước đây, đặc biệt là các nước phương Đông như Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Việt Nam… Tuy có nhiều hình thức khác nhau nhưng nhìn chung, chữa bệnh bằng tâm linh đều ít dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Theo lý giải đơn giản, chữa bệnh bằng tâm linh là phép chữa bệnh bằng Tâm linh hay Quyền năng Tư tưởng, còn gọi bằng Năng lượng sinh học hay khả năng “tiềm ẩn” của con người. Nó có thể chữa lành “thân bệnh” và “điều chỉnh” lại những rối loạn về tinh thần. Chữa bệnh bằng tâm linh đến nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và chưa được lý giải hết bằng khoa học do có nhiều quan điểm khác nhau.
Loại thuốc được coi là có giá trị nhất trong Dưỡng sinh tâm thể chính là “năng lượng tình thương”. Theo đó, tư tưởng tích cực của người bệnh và tình yêu thương rộng mở của người trị liệu đối với người bệnh được coi là hai yếu tố quan trọng nhất để trị lành bệnh. Theo giải thích của các hướng dẫn viên Dưỡng sinh tâm thể thì “năng lượng tình thương” có tác dụng kích thích năng lượng cơ thể tự chữa bệnh, nhằm giúp cơ thể cân bằng Âm Dương và quân bình Ngũ Hành. Giúp các bộ phận và các các cơ quan lục phủ ngũ tạng trong cơ thể hoạt động một cách hiệu quả dựa trên nền tảng giúp tăng cao kháng thể, khôi phục lại tiềm năng tự điều chỉnh, tái tạo tế bào của cơ thể. Như vậy, nằm trong số những phương pháp chữa bệnh sử dụng năng lượng tự nhiên, Dưỡng sinh tâm thể có thể coi là một dạng chữa bệnh tâm linh mà đến nay khoa học vẫn chưa thể có những kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, để có thể đứng vững giữa ranh giới khoa học tâm linh và mê tín dị đoan suốt gần 20 năm qua thì những cơ sở khoa học của bộ môn này cũng không phải là ít.
Để tạo điều kiện cho Má Hai Hương hoạt động từ thiện và phổ biến phương pháp luyện tập cho cộng đồng xã hội, năm 1995 Liên hiệp khoa học UIA do TS Vũ Thế Khanh làm Tổng giám đốc đã ra quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh Tâm thể để kiểm định và phát huy năng lực đặc biệt của bà. Kể từ đó, môn luyện tập Dưỡng sinh tâm thể đã được khai sinh và Má Hai Hương được bổ nhiệm chức danh Giám đốc trưởng môn. Ngoài việc chữa bệnh, trung tâm còn có nhiệm vụ nghiên cứu phương pháp trị liệu mới mẻ và độc đáo này. Trong đó, đặc biệt chú ý phương pháp “thực nghiệm, kiếm chứng qua kết quả thống kê”. Có thể tạm gọi phương pháp này là sự kết hợp giữa thở đều và nhanh; hít vào, thở ra bằng miệng, đầu lưỡi tiếp xúc với vòm họng, cong lên và duỗi ra theo hơi thở gấp gáp… Với động tác vừa xoa hai bàn tay, vừa vẫy vẫy, bước đi uyển chuyển, sau đó vỗ hoặc xoa lên vùng có bệnh trên cơ thể. Người bệnh tự lập là chính, sau đó được các hướng dẫn viên tác động hỗ trợ kỹ càng. Cho đến thời điểm này, Dưỡng sinh tâm thể vẫn là một câu hỏi cần lời giải đáp đối với các nhà nghiên cứu y học hiện đại…