Trong các loại cỏ cây hoa trái có nhiều thảo dược được vinh danh là “thần dược” như sâm, giảo cổ lam, cây kim cương, cây mật nhân, cà gai leo…
Thật vậy, ngay từ cổ xưa con người đã phát hiện được những công năng thần hiệu ấy trong việc bồi bổ sức khỏe cũng như chữa trị nhiều bệnh chứng hiểm nghèo.
Dưới đây xin chỉ nêu nhân sâm loại thảo dược tiêu biểu về mặt tốt của chúng, song cũng cần phải cảnh giác những mặt trái mà các dược thảo ấy, nhiều khi lạm dụng có thể dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Nhân sâm (Panax Ginseng C.A. Mey) là loại thảo dược đầu bảng trong các loại thuốc Đông dược thuộc loại đại bổ nguyên khí. Rất giàu dược tính nhờ thành phần hoá học chứa trong thân rễ và củ chiếm 32 hợp chất soponin triterpen, trong đó có 30 chất là saponin dammaran, là thành phần hoạt chất có tác dụng sinh học chủ yếu của sâm...
Nhân sâm có vị đắng, không độc. Có tác dụng kích thích nhẹ ở liều lượng thấp làm tăng vận động, tăng trí nhớ, nhưng tác dụng ức chế ở liều lượng cao đối với hệ thần kinh, làm tăng sinh lực chống lại sự mệt mỏi, giúp hồi phục sức lực, làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống, tác dụng bảo vệ tế bào, giúp hồi phục số hồng, bạch cầu bị giảm, tác dụng tăng nội tiết tố sinh dục, tác dụng kháng viêm, tác dụng điều hoà hoạt động của tim, tác dụng hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, tác dụng giải độc gan và tác dụng kháng khuẩn nhất là đối với Streptococcus gây bệnh viêm họng.
Được dùng thân rễ và rễ củ có thể dùng làm thuốc bổ, tăng lực, chống suy nhược, hồi phục sức lực bị suy giảm, kích thích nội tiết sinh dục, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan, điều hoà thần kinh trung ương, điều hoà tim mạch, chống xơ vữa động mạch, giảm đường huyết. Lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng. Ngoài ra, nhân sâm cũng được dùng trong cấp cứu, choáng trong các thời điểm cực nguy, có thể đổ nước sâm cho bệnh nhân uống để kéo dài sự sống.
Tuy nhiên, nhân sâm là thuốc nên khi dùng phải có liều lượng và sử dụng đúng đối tượng, nếu lạm dụng, dùng không hợp lý có thể gây ngộ độc. Hiện nay, có một số người dùng nhân sâm và chế phẩm của nó với liều quá cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến ngộ độc “nhân sâm”: Tăng huyết áp, chảy máu mũi, thần kinh hưng phấn quá độ (gây ra phiền toái, không yên, mất ngủ, dễ bị kích thích, đau đầu, chóng mặt…), nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí co giật…
Ngoài ra còn xảy ra các chứng như tự ra mồ hôi không ngừng (hàn thoát), chảy máu lớn (huyết thoát), khí thoát do huyết thoát (hôn mê sau băng huyết ở sản phụ), các chứng lao hư tổn, hư lâu không hồi phục dễ dẫn đến sốt kéo dài hoặc mụn nhọt khó liền miệng.
Thực tế cho thấy, không chỉ trẻ nhỏ, nếu người lớn uống rượu sâm nồng độ 3%, khoảng 100ml thì có cảm giác hưng phấn không yên, uống 200ml có biểu hiện trúng độc (mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, huyết áp hạ rõ rệt). Đã có 1 trường hợp chết vì uống 500ml.
Trẻ đang bú mẹ uống nước sắc 0,03 - 0,06g sâm cao ly có thể có biểu hiện quấy khóc, phiền táo, u uất, mặt bệch rồi tím tái, cơ mày giật, thở gấp, tim đập chậm, tiếng tim mờ, nôn. Người lớn uống liên tục mỗi ngày 0,3g bột sâm củ có thể mất ngủ, trầm uất, giảm cân. Nếu dùng liều cao có thể làm đường huyết giảm rõ, lực bóp của cơ tim bị ức chế, huyết áp hạ rõ rệt.
Nhiều khi ở người cao tuổi đặc biệt là người bị xơ cứng động mạch và huyết áp cao không nên dùng nhân sâm. Vì trong nhân sâm có chứa chất chống phân giải chất béo, làm tăng lượng mỡ ở các cơ quan, có hại cho những người huyết áp cao và xơ cứng động mạch. Do đó, cần thận trọng khi dùng nhân sâm.
Trong nhân sâm chứa hơn 15 yếu tố vi lượng, có tác dụng chống mỏi mệt, tăng sức đề kháng, thúc đẩy công năng của tuyến sinh dục nam và nữ, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng được sâm. Sâm chỉ được chỉ định cho các bệnh nhân thuộc thể khí hư, vì sâm có công dụng đại bổ nguyên khí.
Đặc biệt lưu ý khi dùng nhân sâm với trẻ em. Sâm chỉ được sử dụng (thường là phối hợp) cho trẻ khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược cơ thể, sau ốm, thiếu máu… Còn đối với trẻ có thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng. Nhất là những ngày hè nóng nực người ta thường nghĩ nhân sâm là thuốc quý, bổ và mát nên nhiều phụ huynh đã mua nước sâm, trà sâm cho con uống để mong tiêu tan rôm sẩy, mụn nhọt hay bồi bổ để trẻ tăng cân. Thế nhưng, chính việc cho trẻ dùng sâm không mang lại kết quả như các bậc phụ huynh mong muốn mà còn gây hại cho trẻ.
Bởi nếu tùy tiện dùng nhân sâm cho trẻ có thể làm kích thích quá trình phát dục khiến trẻ phát dục sớm, nhất là những bé trai ở độ tuổi từ 13 – 16 tuổi. Hơn nữa, nhân sâm còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động. Trong nhi khoa Đông y, nhiều chứng bệnh rất cần dùng nhân sâm nói riêng và các loại sâm khác nói chung như đẳng sâm, cát lâm sâm, tây dương sâm, thái tử sâm...
Chẳng hạn, khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược có thể sau ốm, thiếu máu… thì Đông y có sử dụng thành phần nhân sâm trong một số bài thuốc để hồi phục sức khỏe, bồi bổ cơ thể cho trẻ nhỏ. Còn đối với trẻ em thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng.