Chúng tôi đã gặp cơ quan chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa thị xã Ayun Pa để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Sáng 26.11, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thị xã Ayun Pa Nguyễn Thị Quyện cho biết, các học sinh nhập viện sau khi tiêm vắc xin sởi-rubella hôm 25.11 sức khỏe ổn định và đã được cho ra viện.
Riêng một học sinh có bệnh kèm theo, bị viêm họng vẫn đang được ở lại bệnh viện để điều trị.
Tính đến 10h sáng nay (26.11), tiếp tục có 5-6 ca thuộc dạng này đến nhập viện.
Ngày 25.11 và nhiều ngày trước đó, nhiều học sinh tại Trường tiểu học Nay Der (P.Đoàn Kết, Thị xã Ayun Pa) bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella có biểu hiện mệt, chóng mặt, choáng váng... nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thị xã Ayun Pa cấp cứu, theo dõi.
Trước đó, ngày 24.11, cũng tại điểm trường này, nhiều học sinh sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cũng có biểu hiện sốt, nôn mửa, ngất xỉu… các học sinh được chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa Thị xã Ayun Pa để cấp cứu.
Ngày 17.11, Bệnh viện Đa khoa Thị xã Ayun Pa cũng đã cấp cứu 8 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Sao, Thị xã Ayun Pa) sau khi tiêm vắc xin sởi-rubella.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đoàn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế tỉnh Gia Lai) cho biết:
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận có 61 trẻ có phản ứng sau tiêm chủng ở các địa phương gồm: Thị xã Ayun Pa (24 cháu), huyện Ia Grai (7 cháu); các huyện Chư Păh, Đăk Pơ, Krông Pa, Đức Cơ mỗi huyện có 1-2 cháu.
Tất cả các trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm chủng nói trên đều được cán bộ y tế xử lý kịp thời và ổn định sức khỏe.
Nguyên nhân chủ yếu là do các cháu phản ứng mệt sau tiêm do nhiều cháu chưa ăn sáng, đói bụng nên bị hạ đường huyết sau khi cán bộ y tế cho uống nước đường thì hết.
Chỉ có một số ít trường hợp như ở huyện Đức Cơ (1 cháu), Chư Păh (1 cháu) và thị xã Ayun Pa có một số cháu là phải dùng thuốc chống sốc và phải đưa về bệnh viện để theo dõi.
Theo bà Quyện, nguyên nhân ban đầu có thể là do bị phản ứng dây chuyền, các em học sinh lo sợ bị xỉu. Sau khi đưa đến bệnh viện được các bác sĩ chăm sóc là có thể ra viện.
Hiện bệnh viện đã báo cáo vụ việc lên Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cung cấp hồ sơ bệnh án. Kết luận cuối cùng nguyên nhân sự việc thuộc về thẩm quyền của Sở Y tế tỉnh Gia Lai.
Bác sĩ Đoàn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế tỉnh Gia Lai) khẳng định :
“Đây không phải là sự cố tiêm chủng. Sở Y tế Gia Lai đã kiểm tra và có phiếu điều tra tất cả các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng nói trên.
Hầu hết các trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm vừa rồi là do phản ứng stress dây chuyền, do tâm lý các cháu lo sợ khi tiêm, bị đau nơi viết kim tiêm chích vào và thấy nhiều bạn ở xung quanh mình tiêm xong thì khóc lóc khiến các em có tâm lý lo sợ dẫn đến tăng mạch, tăng thân nhiệt, có em sợ quá mà nôn ói, thậm chí là bị mệt, ngất xỉu.”
Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã kiểm tra toàn bộ quy trình tiêm chủng từ khâu vận chuyển, bảo quản vắc xin đến các khâu khám sàng lọc, tư vấn trước sau tiêm, trong khi tiêm là đảm bảo an toàn, đúng quy định.
Tất cả các cán bộ tiêm chủng từ tỉnh đến huyện, xã đã được tập huấn về tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động chuẩn bị đủ người, phương tiện, thốc và luôn trực 24/24 giờ, sẵn sàng để xử lý các tình huống xảy ra.
Tất cả các trẻ có phản ứng sau tiêm chủng khi đưa vào cơ sở y tế đều phải được lưu lại 24 giờ để theo dõi, khi ổn định sức khỏe mới cho về nhà.