Theo nghiên cứu mới của Đại học Rutgers (Mỹ), những người thường xuyên ăn sushi có thể đối mặt với nguy cơ tăng cao bị mắc bệnh tim. Điều này là do, ăn quá nhiều sushi khiến bạn có thể hấp thụ một lượng lớn thủy ngân ở mức nguy hiểm.
Nhóm nghiên cứu giải thích, những loại cá thường được sử dụng để làm món sushi có chứa methyl thủy ngân (MeHg) - một chất độc hại có thể gây bệnh tim, các vấn đề với não bộ và sự phát triển của hệ thần kinh, cũng như làm giảm khả năng nhận thức của con người. Các chuyên gia nhấn mạnh thêm rằng, methyl thủy ngân có thể vô hiệu hóa những tác dụng tích cực của axit béo omega-3.
Như chúng ta đã biết, axit béo omega-3 tồn tại nhiều trong cá giúp con người hạ mức cholesterol cũng như giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bệnh tim, áp huyết cao, đột quỵ và đẻ non.
Theo tạp chí Journal of Risk Research, các nhà khoa học đã tiến hành phỏng vấn hơn 1.200 người về việc tiêu thụ sushi cũng như các sản phẩm cá khác của họ. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra mức thủy ngân trong các mẫu sushi thu thập trên khắp nước Mỹ.
Kết quả cho thấy, 92% mọi người ăn trung bình 5 bữa cá/tháng. 10% những người ăn nhiều cá nhiều nhất đã hấp thụ lượng methyl thủy ngân vượt mức khuyến cáo an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Các loại cá ngừ lớn được phát hiện có chứa hàm lượng thủy ngân cao nhất. Lươn, cua, cá hồi và tảo bẹ chứa lượng chất độc hại này thấp hơn.
Methyl thủy ngân có thể truyền từ phụ nữ mang thai sang gây hại cho đứa trẻ chưa sinh trong bụng họ. Vì vậy, Bộ Y tế Anh khuyến nghị các bà mẹ tương lai không nên ăn những loại cá và hải sản có chứa hàm lượng thủy ngân cao. Đặc biệt, các bà bầu không nên nếm các sản phẩm chế biến từ cá mập, cá marlin hoặc cá kiếm và nên hạn chế mức cá ngừ tiêu thụ xuống còn 2 lát hoặc 4 hộp cá ngừ cỡ vừa một tuần.