Theo hãng thông tấn ABC, các nhà nghiên cứu hiện đã có khả năng hạn chế sự tái tạo các virus nói trên ở muỗi, thông qua việc tiêm vào cơ thể chúng một chủng vi khuẩn Wolbachia có tên gọi là wMel, có nguồn gốc từ ruồi giấm.
Chủng wMel hiện đang được phát tán thông qua các đàn muỗi Aedes aegypti hoang dã như một phần của các cuộc thí nghiệm đang tiếp diễn ngoài hiện trường.
Chủng vi khuẩn Wolbachia thứ hai, có tên gọi wAlbB, phát triển với mật độ tương đối cao trong những con muỗi bị nhiễm khuẩn và không ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng.
Một chủng vi khuẩn Wolbachia thứ ba phát triển với mật độ cao hơn nữa, gắn liền với khả năng ức chế sự tái tạo của virus mạnh mẽ hơn, nhưng chúng khiến các con muỗi nhiễm bệnh yếu ớt hơn và không thể truyền nhiễm tình trạng nhiễm khuẩn hiệu quả.
Theo báo cáo nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển một chủng muỗi Aedes aegypti nhiễm cả 2 chủng vi khuẩn wMel và wAlbB nhằm chống lại bất kỳ sự đề kháng nào của mầm bệnh trước vi khuẩn Wolbachia.
Trong phòng thí nghiệm, những con côn trùng này đã chứng minh làm giảm sự tái tạo của virus sốt xuất huyết ở muỗi.
Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy, những con muỗi thuộc chủng mới, sau khi hút máu từ bệnh nhân nhiễm virus gây sốt xuất huyết, thậm chí còn có lượng virus trong mô của chúng thấp hơn các chủng muỗi nhiễm Wolbachia trước đây.
Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Cameron Simmons đến từ Viện Peter Doherty thuộc Đại học Melbourne (Australia) nói, chủng muỗi mới cũng có thể giúp ngăn chặn virus gây sốt xuất huyết phát triển khả năng đề kháng vi khuẩn Wolbachia.
Các cuộc thử nghiệm cũng sẽ kiểm tra tính hiệu quả của việc bội nhiễm chống các virus lây lan qua trung gian truyền bệnh là muỗi, chẳng hạn như virus Zika.
Giáo sư Simmons kỳ vọng, các virus giống như Zika sẽ dễ bị tổn hại tương tự trước những con muỗi bội nhiễm.
Chủng muỗi nhiễm mới đang được phóng thích ở 5 quốc gia nhằm đánh giá hiệu quả của chúng trong việc kiểm soát bệnh sốt xuất huyết ở các cộng đồng dân cư.
Giai đoạn thử nghiệm thứ ba đối với những côn trùng bội nhiễm này, mang chủng vi khuẩn wMel dự kiến sẽ bắt đầu ở Indonesia, Việt Nam và Mỹ Latinh vào đầu năm tới.