Món ăn của vua chúa
Ngẩu pín thực chất là món ăn bổ thận tráng dương quá đỗi nổi tiếng. Đây là món ăn được chế từ dương vật và tinh hoàn của một số động vật như chó, bò, dê, hải cẩu, hươu...
Theo quan niệm Đông y, tinh hoàn và dương vật của các loài động vật đều thuộc tạng "thận" và được gọi là "ngoại thận" để phân biệt với "nội thận" (tức là quả thận thực sự).
Đông y coi tạng thận có chức năng rât quan trọng, ngoài việc bài tiết nước tiểu còn có chức năng sinh tủy, sinh dương, chủ về sinh dục và một số chức năng nội tiết khác.
Tuy là món ăn rất "độc", "dị" vì lấy bộ phận sinh dục của động vật, nhưng với quan niệm ăn gì bổ nấy và với sự đánh giá cao của Đông y nên ngẩu pín thậm chí có mặt trong thực đơn bổ dương của vua chúa.
Theo sách y học cổ truyền Trung Quốc, ngẩu pín có mặt trong một bài thuốc "vương dược" của vua Càn Long. Bài thuốc này được chế từ 5 loại dương vật và tinh hoàn của chó mực tuyền, hổ, khỉ, bò và hải cẩu rồi luyện với óc thỏ và nhân sâm.
Theo sách cổ ghi lại, bài thuốc này có tác dụng cường dương rất mạnh, giúp bền bỉ trong quan hệ sinh lý, sinh thời được vua Càn Long rất mực yêu thích.
Công dụng tráng dương và những lưu ý khi sử dụng
Nói rằng đã là đàn ông ai cũng nên biết món ăn này không có gì sai vì quả thực, nhắc đến món ăn bổ dương người ta nghĩ ngay đến ngẩu pín. Nhưng biết là một chuyện, còn ăn lại là chuyện khác vì không phải ai cũng phù hợp để dùng.
Về tính vị, ngẩu pín có tính ấm, nóng, công dụng bổ thận tráng dương, thường được dùng cho những người có chứng thận dương hư.
Thế nào là chứng thận dương hư? Theo Đông y quan niệm, bệnh của tạng thận phần nhiều thuộc chứng hư, được chia làm 2 thể cơ bản là thận dương hư và thận âm hư.
Thận âm hư: Cơ thể gầy khô, hay sốt nóng hâm hấp về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức bối không yên, họng khô miệng khát, ra mồ hôi trộm, hay ù tai, hoa mắt, chóng mặt, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo, cũng có thể bị di tinh, liệt dương.
Thận dương hư: Sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng gối đau mỏi, liệt dương, lãnh tinh, di tinh, xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục, tiểu tiện nhiều lần về đêm, đi tiểu không cầm được hoặc hay bị sót lại...
Công dụng của ngẩu pín là làm tráng dương, tức là làm mạnh dương khí, bồi bổ toàn bộ dương khí của cơ thể như tâm dương, tỳ dương, can dương, phế dương, thận dương, hiểu theo nghĩa thông thường là phục hồi và tăng cường khả năng sinh dục.
Chính vì thế, ngẩu pín chỉ có tác dụng bổ thận chữa chứng thận dương hư, còn đối với chứng thận âm hư thì không được dùng.
Bài thuốc bổ dương từ ngẩu pín
Ngẩu pín bò 1 cái (có thể dùng các loại ngẩu pín khác để thay thế với lượng tương đương), thịt dê 300g, thịt gà mái 300g, kỷ tử 30g, hành 5g, gừng tươi 5g, mì chính 2g, nước sạch 1 bát to, rượu 1 chén con.
Ngẩu pín đem ngâm nước nóng cho nở ra rồi loại bỏ lớp da bên ngoài, rửa sạch. Luộc ngẩu pín cho mềm, vớt ra rửa lại cho sạch rồi cắt khúc. Thịt dê và thịt gà mái rửa sạch, thái miếng.
Cho ngẩu pín, thịt dê, thịt gà, gia vị và nước sạch vào nồi, đun to lửa cho sôi rồi đổ rượu vào, hớt bỏ bọt. Tiếp tục dùng lửa nhỏ hầm cho thật nhừ, sau đó cho kỷ tử và gia vị vào, đun thêm một lát là được.