Món ăn, vị thuốc này cả người Việt, Do Thái, Trung Quốc đều tin

Hoàng Hương |

Vì nhiều chất dinh dưỡng và có thể chữa một số bệnh, súp gà rất được người Việt Nam, cộng đồng người Do Thái ở Mỹ và người Trung Quốc tin dùng.

Vị thuốc giải cảm của người Trung Quốc

Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người bắt đầu biết nấu súp từ thịt gia cầm sau khi biết cách đun nước sôi.

Ở Trung Quốc, vào thời cổ đại, súp gà được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh.

Đến thế kỷ 2 trước Công nguyên, cuốn sách y thời cổ Trung Quốc "Hoàng Đế Nội Kinh" có ghi súp gà thuộc thực phẩm nhiệt, tức là món ăn nóng. Trong đó, các thảo dược được cho thêm vào món súp có thể chữa trị nhiều bệnh.

Hiện nay, súp gà vẫn là món ăn chính trong thực đơn bồi dưỡng dành cho thai phụ và người cao tuổi.


Người Trung Quốc rất chuộng súp gà. Ảnh minh họa.

Người Trung Quốc rất chuộng súp gà. Ảnh minh họa.

Theo người Trung Hoa, 2 nhóm đối tượng này phải ăn những món ăn nóng, để vận chuyển năng lượng đi khắp cơ thể và tiếp thêm sinh lực cho người ăn.

Không những thế, súp gà được đánh giá là vị thuốc giải cảm cực tốt.

Cũng giống như món mì, người Trung Hoa quan niệm, súp gà tượng trưng cho sự thịnh vượng.

"Penicillin Do Thái"

Món súp gà của người Do Thái lại gắn chặt với lịch sử y học Châu Âu.

Vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, bác sĩ kiêm triết học gia người Hy Lạp Galen đã khuyến cáo súp gà là một món ăn chữa bệnh đau nửa đầu, bênh phong, táo bón và sốt.

Đến cuối thời Trung cổ, triết gia kiêm bác sĩ người Do Thái Moses Maimonides (1135-1204), khẳng định súp gà chính là món ăn dành cho những người ốm yếu.

Cũng giống như người Trung Quốc, với người Do Thái Sephardic, súp gà và cháo gà, đặc biệt được chế biến từ gà mái già cũng chỉ dành riêng cho bà đẻ và người bệnh.


Súp gà được gọi là penicillin Do Thái.

Súp gà được gọi là "penicillin Do Thái".

Nhưng đến thế kỷ 15, súp gà lại một món ăn thường ngày bởi sự thiếu hụt các loại thịt gia cầm khác, và thịt gà là sự lựa chọn duy nhất. Từ đó, súp gà dần dần trở thành một món ăn truyền thống của người Do Thái Ashkenazi ở Đông Âu.

Với họ, súp gà trở thành món ăn "Súp Vàng", và thường có mặt trong các bữa tiệc đặc biệt, tượng trưng cho hạnh phúc.

Sau Thế chiến II, những người dân Do Thái đã mang món súp gà đến với nước Mỹ. Người Mỹ gọi đó là "thuốc penicillin Do Thái".

Vị thuốc bổ dưỡng với người Việt Nam

Từ lâu đời, người Việt Nam đã biết dùng nước súp gà, cháo gà như là một phương thuốc bổ dưỡng giúp người bệnh mau lại sức, rút ngắn thời gian điều trị, đặc biệt là làm giảm các triệu chứng do cúm hoặc cảm lạnh gây ra.

Theo Đông y, thịt gà vị ngọt, tính ấm, bổ hư ôn trung, ấm dạ dày, cường gân cốt.

Ngoài ra, súp gà, cháo gà được tăng cường những gia vị cay ấm và ăn ngay lúc còn nóng có tác dụng làm ra mồ hôi, điều mà y học phương Đông gọi là giải cảm ở giai đoạn đầu khi bệnh còn chưa vào sâu trong cơ thể.

Các bằng chứng khoa học

Trong khi người dân ở nhiều quốc gia vẫn tin rằng súp gà có tác dụng chữa bệnh, các nhà nghiên cứu chưa thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao súp gà có tác dụng "thần kỳ" như vậy. Chỉ một vài nghiên cứu nhỏ chỉ rõ đặc tích chữa bệnh của món súp gà.

- Năm 1978, nhà nghiên cứu Marvin Sackner đã tiến hành một nghiên cứu cho thấy uống súp gà có tác dụng làm giảm xung huyết vùng mũi tốt hơn uống một ly nước nóng hoặc lạnh.

- Năm 1980, Irwin Ziment, một chuyên gia về phổi cho thấy nước dùng gà khi kết hợp với một số gia vị có tác dụng rất tốt với lớp màng nhầy mỏng trong phổi.

Nghiên cứu này tiếp tục được Stephen Rennard thuộc trường Đại học Nebraska, Mỹ thực hiện vào năm 2000. Ông đã phát hiện nước súp gà giúp làm tan những chỗ sung huyết, phù nề, làm loãng dịch tiết và giảm tình trạng nghẹt mũi.

- Năm 2012, trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí American Journal of Therapeutics, các nhà nghiên cứu phát hiện, hợp chất carnosine có trong súp gà giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại được bệnh cảm cúm ở giai đoạn đầu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại