Làm tỏi vào tiết Lạp Bát (ngày mùng 8 tháng chạp âm lịch hằng năm) là một tập tục phổ biến tại phía bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Hoa Bắc.
Món “tỏi Lạp Bát” này được chế biến từ hai thành phần chính là giấm và tỏi. Cách làm cũng tương đối đơn giản: tỏi bóc vỏ, cho vào một chiếc vào một vại lớn, rồi đổ giấm vào.
Sau đó bịt kín miệng vại và để ở nơi có nhiệt độ thấp. Qua một thời gian, tỏi sẽ dần chuyển thành màu xanh ngọc bích.
Màu xanh ngọc bích chứng tỏ "tỏi Lạp Bát" đã đạt tiêu chuẩn
Trong không khí cận kề của dịp Tết, nhiều gia đình lâu đời ở Bắc Kinh lại bắt đầu làm “tỏi Lạp Bát”. Bên cạnh sủi cảo truyền thống, tỏi ngâm giấm chính là món đồ ăn được ưa chuộng không kém.
“Tập tục ấy cứ như vậy truyền từ đời này sang đời khác. Mọi người đều tin rằng ăn tỏi Lạp Bát vào dịp năm hết tết đến thì cả năm sẽ không sinh bệnh”, một cụ ông tại Bắc Kinh chia sẻ.
“Thuốc kháng sinh tự nhiên”
Tỏi có tính ấm, vị cay, khi đi qua tim, tỳ, thận thì có tác dụng giải độc, lại có thể trị kiết lị, các bệnh dạ dày và vô cùng công hiệu trong việc tiêu sưng, giảm ho.
Lý Thời Trân trong “Bản thảo cương mục” từng viết: “Tỏi vào thái dương, giúp dương minh, khí huyết mạnh mẽ, năng thông ngũ tạng, trị chứng buồn nôn, tiêu sưng, trị táo bón. Đây cũng là công dụng thần kỳ của nó”.
Từ thời xa xưa, công dụng của tỏi đã được nhiều danh y khẳng định (Ảnh: nguồn internet)
Y học hiện đại cũng đã chứng minh trong tỏi có chứa 2% allicin, chất có tác dụng gây ức chế và tiêu diệt nhiều loại cầu khuẩn gây viêm màng não, viêm phổi, trực khuẩn Streptococcus (nguyên nhân gây bệnh bạch hầu, ho gà, kiết lị…).
Allicin trong tỏi cũng giúp tiêu diệt Helicobacter pylori, loại vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc và dẫn tới nguy cơ ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó, thần dược này còn có tác dụng kháng các virut cúm, các loại nấm gây bệnh và nhiều loại giun ký sinh khác. Ăn tỏi sống có thể phòng cảm lạnh, cảm cúm cùng nhiều bệnh truyền nhiễm về đường ruột.
Cũng nhờ những công dụng thần kỳ này mà tỏi được mệnh danh là “thuốc kháng sinh tự nhiên”.
“Người dọn đường” cho bệnh tắc nghẽn động mạch
Hàm lượng cholesterol và triglyceride quá cao là nguyên nhân gây ra xơ vữa động mạch, đồng thời là thủ phạm của các bệnh liên quan đến mạch máu não và tim mạch.
Với vai trò là “người dọn đường”, tỏi có chứa các chất “chữa acrylic” [(CH2CH2 H2) 2S] của capsaicin.
Không chỉ có tác dụng loại bỏ các chất béo tích tụ trong máu để cải thiện quá trình chuyển hóa lipit, chất này còn làm giảm lượng cholesterol và triglyceride, hạn chế sự kết dính của các tiểu cầu, làm chậm quá trình đông máu.
Tỏi là bài thuốc “cứu cánh” cho các bệnh mạch máu não và tim mạch (Ảnh: nguồn internet)
Điều này sẽ giảm nguy cơ tắc động mạch vành, mở rộng các động mạch nhỏ, điều hòa huyết áp, tăng tính thẩm thấu của thành mạch, từ đó ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm rối loạn mỡ máu, giảm nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch.
Các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện nhóm người ăn trung bình 20g tỏi sống mỗi ngày có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn nhiều so với nhóm người không có thói quen ăn tỏi.
Thực tế cũng cho thấy mỗi ngày ăn 2 đến 3 miếng tỏi ngâm dấm là biện pháp đơn giản nhất để phòng ngừa cao huyết áp.
Mỗi ngày ăn 2 đến 3 miếng tỏi ngâm giấm là biện pháp đơn giản nhất để phòng ngừa cao huyết áp
“Thần dược” ngăn ngừa ung thư
Không chỉ là thực vật thiên nhiên có công dụng đề kháng thần kỳ, tỏi còn được mệnh danh là “pháp bảo” ngăn ngừa bệnh ung thư.
Một nghiên cứu đã phát hiện tỏi có chứa germanium, selen cùng các nguyên tố vi lượng khác có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư. Các chất có chứa thành tố lưu huỳnh trong tỏi sẽ chống lại quá trình oxy hóa, giúp cấu thành khả năng đề kháng của cơ thể.
Chưa dừng lại ở đó, món ăn này còn thúc đẩy đường ruột sản sinh ra chất alixin có mùi đặc trưng của tỏi, chất ngăn chặn sự hình thành của các lipid peroxy, chống lại sự biến đổi từ tế bào bình thường sang tế bào ung thư.
Tỏi ngâm giấm còn có thể giảm lượng nitrite trong dạ dày, làm giảm hàm lượng muối axit nitric gây ung thư.
Bên cạnh đó, tỏi còn ức chế quá trình sinh trưởng của các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng thông qua cơ chế điều tiết tế bào.
Những lưu ý khi dùng tỏi
Dù được coi là một loại thần dược tự nhiên, nhưng khi ăn tỏi, người dùng cũng cần chú ý một số điều dưới đây:
- Trung y có quan điểm “tỏi trị bách bệnh, duy chỉ có hại cho mắt”. Vì vậy, những người mắc bệnh liên quan đến mắt không nên sử dụng thần dược này.
- Tỏi cũng là món ăn nên kiêng kỵ của những người mắc các bệnh về dạ dày, đặc biệt là loét dạ dày.
- Khi ăn tỏi cũng nên chia ra ăn 1 lần/ngày hoặc cách ngày, mỗi lần ăn sống từ 2 đến 3 tép. Để phát huy tối đa công dụng, chúng ta nên sử dụng tỏi giã nhỏ.
Cách chế biến món tỏi ngâm dấm
- Tốt nhất nên ngâm tỏi vào đúng dịp 8 / 12 âm lịch.
- Nguyên liệu: tỏi (tốt hơn nên dùng tỏi tía), giấm gạo và một chiếc bình thủy tinh.
- Cách chế biến: + Bước 1: Tỏi bóc vỏ, bỏ cuống, cho vào một chiếc bình thủy tinh có nắp.
+ Bước 2: Đổ giấm vào lọ đựng tỏi sao cho lượng giấm ngập tỏi.
+ Bước 3: Đậy kín bình và để ở nơi lạnh (nhiệt độ lý tưởng là 5 độ C). Sau khoảng 15 ngày, tỏi chuyển sang màu xanh thì có thể dùng được.
Trên thực tế, món “tỏi Lạp Bát” truyền thống của Trung Quốc này không nhất thiết phải chế biến vào đúng dịp 8 tháng 12 âm lịch. Nhưng để phát huy được tính hiệu quả nhất của loại dược liệu này, chúng ta nên làm vào dịp đông xuân.
* Theo Sina Health