Suýt bỏ mạng cũng không tởn
Để đáp ứng nhu cầu nhậu nhẹt tăng cao vào những ngày cuối năm, những tay phân phối rượu tất bật pha chế cấp tốc cồn công nghiệp với nước lã rồi cho vào can nhựa đem đi phân phối cho các hàng quán bình dân.
Tại Đồng Tháp (địa phương từng xảy ra hàng loạt vụ chết người do ngộc độc rượu có nồng độ methanol cao gấp 100 lần mức cho phép), hằng ngày vẫn diễn ra cảnh các can nhựa chứa rượu không rõ nguồn gốc được chở trên xe máy tỏa đi khắp nơi.
Khi đến tay các hàng quán, rượu này được cho vào những vỏ chai nước suối rồi hô biến thành “rượu gạo”, “rượu nếp”… với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/lít, bất chấp quy định rượu bán ra thị trường phải có nhãn hiệu và đã qua đăng kiểm.
Tại TP Cần Thơ, những can nhựa trắng chứa rượu không rõ nguồn gốc vẫn tấp nập “cập bến” quán nhậu bình dân dành cho công nhân, sinh viên.
Đối với các bợm nhậu, mặc dù thừa biết hầu hết rượu đế đang bán trên thị trường đều là loại độc nhưng họ vẫn vô tư uống.
Ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp từng xảy trường hợp 3 bợm nhậu uống rượu thi khi đến dự đám tang một “chiến hữu” chết vì ngộ độc rượu.
Hậu quả, 2 trong 3 bợm nhậu tử vong, 1 người tên H. được chuyển kịp thời lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) nên may mắn thoát chết.
Những tưởng sau lần thoát chết trong gang tấc ấy, H. sẽ bỏ nhậu nhưng gặp lại chúng tôi mới đây, anh ta khoe thỉnh thoảng vẫn uống rượu đế mua ở các tiệm tạp hóa gần nhà.
“Cứ uống đại chứ làm gì biết rượu nào có độc, rượu nào không. Mà rượu độc cũng có giết được tui đâu!” - H. tỏ ra... tự hào.
Chết vì thiếu hiểu biết
Liên quan đến vụ 1 người chết, 4 người nhập viện do ngộ độc khi nhậu thịt con so mới đây, ngày 4.2, trao đổi với chúng tôi, những nạn nhân may mắn thoát chết đều thừa nhận mặc dù là dân xứ biển nhưng họ khó phân biệt được con so với con sam.
Cũng vì không phân biệt được so và sam nên ở Bến Tre từng xảy ra vụ 2 người chết, 1 người nhập viện sau khi nhậu với món gỏi sam biển nhưng thực chất là gỏi so.
Tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cũng từng xảy ra trường hợp 1 người bỏ mạng và 3 người khác nhập viện khi nhậu thịt so.
Cũng giống chuyện nhầm lẫn giữa so và sam, gần đây, hàng loạt trường hợp ngộ độc dẫn đến tử vong vì ăn phải thịt cá nóc nhưng cứ tưởng là cá cóc.
Bộ Y tế từng đưa ra cảnh báo về tỉ lệ tử vong lên đến 60% khi ngộ độc cá nóc nhưng số ca chết người liên quan đến loài cá chứa nhiều độc tố này vẫn không giảm.
Theo thống kê của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương - Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 100 người bị ngộc độc cá nóc, trong đó có 13- 30 trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến tử vong khi ăn phải cá nóc là vì loài cá này chứa độc tố có tên khoa học là tetrodotoxin. Nếu chế biến ở nhiệt độ từ 200 độ C trở lên trong vòng 10 phút thì độc tố trong cá nóc mới bị phá hủy hoàn toàn.
Do vậy, khi phơi khô hoặc chế biến thịt cá nóc tươi ở nhiệt độ thông thường thì nguy cơ ngộ độc sẽ rất cao.
Tương tự cá nóc, trong thịt con so cũng chứa độc tố tetrodotoxin. Triệu chứng của ngộ độc so và cá nóc khá giống nhau: Sau khi ăn từ 5 phút đến vài giờ, người dùng ngứa ở miệng, môi và lưỡi tê, khó thở, vã mồ hôi...
Trường hợp nặng, người ngộ độc tetrodotoxin sẽ bị liệt toàn thân, trụy tim mạch, tử vong.
Không khó phân biệt sam và so
Theo một bác sĩ là lãnh đạo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh, cách phân biệt con so và con sam không khó.
Con sam thường đi từng cặp, con đực bám trên lưng con cái nên dân gian hay nói “dính nhau như sam”.
Hình dáng sam tựa như rùa, ba ba, vích... và không có độc tố.
Trong khi đó, con so nhỏ hơn, dài dưới 25 cm, nặng dưới 1 kg và thường đi một mình khi chưa đến mùa sinh sản.
Ngoài ra, đuôi sam dài hơn đuôi so. Đuôi sam có hình tam giác dài, 3 cạnh chạy dài đến cuối đuôi; trên những cạnh có gai nhọn giống lưỡi cưa.
Còn đuôi so thì hình tròn, không gai nhưng có độc tính rất cao.