Bóng ma di động đêm khuya
Chị Trần Lan Hương trú tại Vạn Phúc, Hà Nội kể chị bị mất ngủ 5 năm nay nhưng chữa rất nhiều nơi không khỏi. Lúc nào thần kinh cũng căng thẳng, làm việc không vào.
Chị Hương còn cho rằng đó là di truyền vì ngày trước mẹ chị cũng mất ngủ như thế, giờ bà ngủ cũng rất ít. Vốn tính khó ngủ từ trước nên sau sinh con nuôi con thơ mọn chị trở thành mất ngủ.
Đêm nào chị cũng nằm mắt trong trong không ngủ được. Có đêm, chị đi lại trong nhà để làm việc nhà nhiều lần hàng xóm còn tưởng bóng ma trong nhà vì mặc quần áo ngủ, xõa tóc nhìn gớm ghiếc.
Chị Hương kể đã đi chữa ở rất nhiều nơi, uống thuốc nam bắc nhưng không khỏi nên đành sống chung với nó.
Gần đây, áp lực công việc và chuyện gia đình khiến chị càng mệt mỏi hơn nên chị Hương lại đi tìm thầy thuốc. Chỉ có điều chị chưa vào bệnh viện tâm thần khám bao giờ vì nghĩ tâm thần chỉ chữa cho người bị điên.
Chị ra Bệnh viện Bạch Mai khám nhiều lần, bác sĩ vẫn kê là mất ngủ do trầm cảm và kê thuốc uống cả tháng nhưng chẳng ăn thua.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Đặng trú tại Nho Quan Ninh Bình cũng tương tự. Anh Đặng bị mất ngủ 6, 7 năm nay.
Là lao động chính trong gia đình nhưng căn bệnh mất ngủ khiến anh rơi vào suy nhược cơ thể, không làm được việc gì. Mỗi lần ra Hà Nội khám và lấy thuốc mất cả chục triệu được 1 – 2 tháng mua được giấc ngủ hết thuốc, hết tiền đi khám lại không ngủ được.
Đêm nào anh cũng thức, nằm chán lại ra sân xuống bếp có việc gì thì làm. Vì thiếu ngủ, thần kinh căng thẳng nên anh không dám làm nghề thợ xây mà chuyển sang làm việc nhẹ nhàng. Chính vì thế, thu nhập gia đình ngày càng khó khăn hơn.
Gần đây, anh thấy mệt mỏi và ít nói, tự ti hơn. Người nhà tưởng anh mệt mỏi do mất ngủ nhưng khi đến bệnh viện khám phát hiện ra anh bị trầm cảm nặng.
Bác sĩ phải cho anh điều trị mấy tháng trời. Trong quá trình điều trị, có lúc anh đã tìm đến cái chết vì cảm giác bi quan, chán nản với cuộc sống của mình.
Căn bệnh đau đớn hơn cả ung thư
Tiến sĩ Tô Thanh Phương cho biết nhiều người còn coi thường bệnh mất ngủ giấc ngủ trong khi đó mất ngủ, mệt mỏi là dấu hiệu đầu tiên nhận biết bệnh trầm cảm.
Mỗi ngày Bệnh viện có hàng chục bệnh nhân bị mất ngủ đến khám,có những bệnh nhân mất ngủ cả chục năm trời không khỏi khi đến khám vẫn xấu hổ vì mang tiếng phải vào viện tâm thần khám.
Nhiều bệnh nhân cho biết họ đã đi khám ở các bệnh viện đa khoa hàng trăm lần mà không ra bệnh.
Có những bệnh nhân bị mất ngủ nhiều năm liền mà không biết đó là bệnh của tâm thần họ cứ đi chữa linh tinh đến khi bệnh nặng mới vào viện chuyên khoa thì chữa rất khó khăn và lau dài.
Bệnh trầm cảm đau đớn hơn cả ung thư vì khi bị trầm cảm người ta chỉ muốn tìm đến cái chết.
Theo TS Phương, bệnh trầm cảm gồm 3 giai đoạn: nhẹ, vừa và nặng, trong đó giai đoạn đầu rất khó phát hiện.
Ngoài mất ngủ, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu đau lung tung khắp cơ thể, người đau lưng, đau khớp, đau tim... nhưng đến các bệnh viện đa khoa chụp chiếu không phát hiện được, chữa mãi không khỏi.
Khi đến Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 đã chuyển sang dạng trầm cảm điển hình.
Riêng trầm cảm nặng phân làm 2 loại: không loạn thần (với biểu hiện buồn thảm, ủ rũ, bi quan, chán nản) và loạn thần (hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh xui khiến như: tự tử, giết người, không ăn, bỏ nhà và nhảy lầu là nguy hiểm nhất).
Nếu bị ảo thanh kéo dài ngoài 6 tháng là không thể chữa khỏi.
Tiến sĩ Phương nhấn mạnh có 3 triệu chứng phát hiện sớm trầm cảm đó là
- Khí sắc giảm, buồn rầu, tình trạng buồn chán này kéo dài trên 2 tuần.
- Giảm nhiệt tình, giảm hứng thú, không còn ham muốn với những sở thích trước kia.
- Giảm năng lượng: Người mệt mỏi, làm bất cứ việc gì nhỏ nhẹ cũng thấy mệt. Mệt mỏi tăng về buổi sáng.
Còn các triệu chứng khác như cảm thấy bi quan, chán nản về tương lai, tiến độ, giảm lòng tự trọng, tự tin, có những ý tưởng và hành vi tự sát, chán ăn, không muốn ăn, có những người từ chối ăn, rối loạn giấc ngủ có tính chất tăng dần...phải nghĩ ngay đến bệnh trầm cảm.