Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết vừa tiếp nhận nhiều ca trong tình trạng hôn mê sâu, sốc, tụt huyết áp, hoại tử trên da do bị nhiễm liên cầu lợn, giun, sán và các bệnh khác bởi ăn tiết canh lợn, tiết canh vịt lấy may đầu tháng.
Đáng chú ý, khoa đã tiếp nhận bệnh nhân nhập viện muộn dẫn tới tử vong.
"Đỏ" đâu chưa thấy...
Theo quan niệm của nhiều người, ngày đầu tháng, ăn tiết canh có màu đỏ sẽ “đỏ” cả tháng. Ngoài ra, đa phần cho rằng, tiết canh là món mát, bổ khí huyết, quan niệm này không chỉ xuất hiện ở các vùng quê lạc hậu mà tồn tại ở rất nhiều nơi.
Bệnh nhân gần đây nhất là ông T.V.S. (60 tuổi, quê Thái Bình) nhập Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương trong tình trạng thường xuyên lên cơn đau đầu, buồn nôn và xuất hiện những cơn co giật như động kinh, sau khi đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh.
Sau khi chụp cắt lớp, các bác sĩ (BS) cho biết, trong não bệnh nhân xuất hiện hình ảnh nang sán não có kích thước khá to, có những nang lớn từ 0,5-1 cm.
Thạc sĩ Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, biểu hiện của nhiễm nang sán rất phong phú, tùy thuộc vào vị trí mà các nang sán cư ngụ.
Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt và đặc biệt là não.
Biểu hiện của sán lợn trong não dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với một số bệnh thần kinh khác. Người bệnh thường có đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, bại chân tay, rối loạn cảm giác, liệt, tăng áp lực nội sọ...
Vì thế, nhiều bệnh nhân có ấu trùng sán lợn trong não đến viện sau cả quá trình dài vài năm đi khám ở nhiều nơi mà không phát hiện ra bệnh.
Một trường hợp nữa là bệnh nhân Nguyễn Văn T. (31 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội). Anh T. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do ăn tiết canh lợn.
Sau khi điều trị tích cực, đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, tuy nhiên, bệnh nhân phải tháo khớp chân do bị hoại tử.
Trước đó, bệnh nhân Trần Văn X. (32 tuổi, ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc, tụt huyết áp.
Được biết, bệnh nhân X. đi Ninh Bình công tác, ăn 2 bát tiết canh dê và nhập viện sau đó 4 ngày.
Các loại tiết canh đều ẩn chứa nguy cơ chết người
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm tới nay, 80% số bệnh nhân nhiễm các bệnh do liên cầu lợn nhập viện đều trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng.
Trong số đó có nhiều ca ở thể viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng.
Đáng chú ý là hầu hết bệnh nhân nhập viện muộn đều đã tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bất cứ một loại tiết canh nào dù là tiết canh lợn, dê, vịt, ngan... đều mang rất nhiều mầm bệnh.
Nếu ăn phải tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì người ăn có nguy cơ mắc liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể tử vong...
Tiết canh vịt, tiết canh ngan cũng khiến cho người ăn mắc các bệnh về tụ cầu, nhất là các dịch bệnh cúm A/H5N1, A/H6N1 đang đe dọa bùng phát.
Hơn nữa, tiết canh thực chất là máu sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn… Ngoài ra, quá trình cắt tiết, chế biến không đảm bảo dẫn tới vi khuẩn ở da, lông con vật dễ dàng xâm nhập vào máu.
BSCKI Bùi Văn Phao - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đông y Nam Định - cũng khẳng định, tiết canh không có tác dụng chữa bệnh trong Đông y mà trái lại ăn vào rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, không phải ăn tiết canh xong sẽ bị bệnh ngay mà thường có một thời gian ủ bệnh. Vì thế, tốt nhất người dân nên bỏ thói quen ăn tiết canh lấy may đầu tháng.
Cũng theo bác sĩ Cấp, trong số những trường hợp nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị do liên cầu khuẩn lợn thì hầu hết nhập viện trong giai đoạn muộn.
Bệnh nhân thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc, tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da.
Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.
Vì vậy, để phòng bệnh viêm cầu lợn và các bệnh giun sán, người dân tuyệt đối không lựa chọn thịt lợn ốm, thịt không có nguồn gốc, khi sử dụng cần phải đun chín, tuyệt đối không ăn tiết canh.
Khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay. Nếu thấy thịt lợn có dấu hiệu lạ như xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không sử dụng.
>> 6 món giải nhiệt "khoái khẩu" cực bẩn, cực độc ngày hè
>> 3 lầm tưởng khi ăn tôm cần loại bỏ ngay
--------------
* Để đặt câu hỏi tư vấn sống khỏe, mời bạn BẤM VÀO ĐÂY