Đặc sản thơm ngon nhờ ăn giun quế
Dẫn chúng tôi ra thăm trang trại lợn giun quế, chủ trại là bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Tân Phú, xã Phú Cường (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, khu nuôi lợn của bà chỉ làm sơ sài, tạm bợ với những chuồng nuôi nửa kín nửa hở để lợn có thể tắm nắng.
Mọi người vào thăm chuồng trại thoải mái, không phải sát trùng, khử trùng giống trại nuôi lợn công nghiệp khác mà đàn lợn hơn 200 con của bà lúc nào cũng khỏe mạnh, tràn trề sức sống.
Bà Liên tiết lộ, tất cả đều nhờ vào giun quế. Ngày nào bà cũng cùng công nhân bắt hàng vạn con giun cho lợn ăn.
Để chứng minh, bà dẫn chúng tôi ra khu vực chuồng nuôi giun quế rộng khoảng 1.000 m2, được chia tách thành những ô vuông chằn chặn.
Lật tấm bạt được cắt ra từ những chiếc tải đã cũ, bà Liên chỉ tay và nói: “Đây là phân bò được công nhân thu mua, bỏ vào đây làm thức ăn cho giun ăn. Giun nuôi khoảng 1 tháng thì lớn và có thể thu hoạch được”, bà Liên nói.
Giun quế cho lợn ăn được nuôi bằng phân bò, rau xanh hoai mục
Nuôi khoảng 1 tháng thì có thể bắt giun cho lợn ăn
Bà Liên cho hay, khi thu hoạch giun, chỉ cần bốc phân bò vào một tấm bạt bỏ ra ngoài trời nơi có nhiều ánh sáng, giun sẽ chui hết xuống dưới vì ưa bóng tối.
Lúc này có thể bốc lớp phân bò ở trên đem đi bón rau, còn lại là những con giun to gần bằng đầu đũa, dài khoảng 20cm.
Giun này lại đem đi nghiền nát, nấu chín rồi trộn cùng với bã bia, cám ngô, rau dại, cây thảo dược,... theo tỷ lệ 10-15% giun quế còn lại là cám làm thức ăn cho lợn.
Theo bà Liên, giun quế rất giàu đạm, có hàm lượng protein cao. Thịt giun ăn cực kỳ ngọt, thơm nên khi ăn thịt lợn, người ăn cũng có thể cảm nhận được vị thơm, ngọt đặc biệt này.
Bà Liên kể, trước kia, khi về hưu bà có thử nuôi lợn sạch bằng đầu cá đi xin ngoài chợ. Nhiều người khuyên bà nên bỏ cá đi, bà làm thử thấy thịt lợn ăn ngon hơn hẳn.
Một lần vô tình xem được chương trình của nước ngoài trên mạng nói về quá trình nuôi giun quế làm thức ăn cho người hoặc động vật, bà thấy khá hay và có thể áp dụng được ở Việt Nam.
Mỗi một con lợn từ lúc tách mẹ đến khi xuất chuồng bán ăn khoảng 20 kg giun quế
Hôm sau, bà Liên bắt tay làm thử ngay. Bà tìm mua giống giun quế về nuôi để làm thức ăn cho lợn, gà. Đến khi giết mổ, thịt nấu lên rất thơm ngon, ngọt.
Nếu luộc thì nước luộc trong, không có bọt đen, thịt không bị ngót nên khách hàng rất thích.
“Lợn nuôi bằng nuôi bằng giun quế có sức đề kháng rất tốt, ít bị bệnh tật nhưng cũng không thể lớn nhanh được như lợn nuôi bằng cám công nghiệp”.
Bà Liên cho biết, lợn nuôi cám công nghiệp mỗi tháng có thể tăng vài chục ký, 4 tháng thì xuất bán được, còn lợn nuôi bằng giun quế mỗi tháng chỉ tăng 10-12 kg, 7 tháng mới được xuất chuồng”.
Tuy nhiên, bà Liên cũng thừa nhận, mới đầu làm quen với con giun quế bà khá sợ, đặc biệt là những người được bà thuê làm.
Có người nhìn thấy giun đã ghê, từ chối không làm nữa. Về sau khi tiếp xúc, thấy con giun này lành nên cũng quen dần.
Cung không đủ cầu, từ chối khách mua
“Sau 10 năm mày mò nuôi giun quế để chế làm thức ăn cho lợn, gà, bây giờ trại lợn của bà lúc nào cũng có khoảng trên 200 đầu lợn, 500 con gà, mỗi tuần xuất chuồng khoảng 4-5 con lợn, gà thì chỉ phục vụ cho nhà ăn và bán cho những khách hàng thân thiết”, bà Liên khoe.
Lợn nuôi bằng giun quế thịt ăn cực kỳ thơm ngon khiến loại thịt này luôn được người dân lùng mua
Theo lời bà Liên, lợn giun quế vẫn chưa có nhiều người nuôi được nên nguồn cung trên thị trường còn bạn chế. Các đại lý muốn mua lợn loại này đều phải ký hợp đồng trước, song, hàng vẫn không đủ.
“Gần đây tôi đã phải từ chối đại lý nhỏ, chỉ tập trung cung cấp lợn cho 4 đại lý lớn. Các đại lý này cũng chỉ bán được từ 1-2 con lợn/tuần”, bà Liên nói.
Ngoài ra, bà cũng chia sẻ, nhiều người đến thăm trại thấy bà cho ăn giun sợ thịt lợn không đảm bảo nên bà đã đem mẫu đến viện kiểm nghiệm test thử. Kết quả mỹ mãn, thịt lợn đảm bảo sạch, các chỉ tiêu đều an toàn.
Bà Liên cũng cho hay, hiện bà đang bán lợn hơi giun quế với giá 80.000 đồng/kg, lợn móc hàm giá 97.000 đồng/kg. Một con lợn nuôi 7 tháng có trọng lượng từ 110-120 kg.
Nói về việc mở rộng quy mô chuồng trại, bà Liên chia sẻ, vì đất trang trại hiện khá chật hẹp nên thời gian tới bà sẽ tìm thêm vài địa điểm để thuê người nuôi hộ.
Bà cung cấp giống, cám, giun, thuốc, kể cả kỹ sư,... cho họ, người được thuê chỉ việc bỏ công ra nuôi.
“Tôi giờ đang nuôi ở nhà thông gia một ít, nuôi ở một số hộ gia đình xung quanh một ít để có thể tăng đàn. Trong quá trình nuôi, mình cũng phải giám sát thật chặt chẽ, tránh để họ cho ăn cám công nghiệp.
Đến lúc lợn đạt số cân mong muốn, tôi bắt về trại nuôi tiếp thêm 2-3 tuần nữa để đảm bảo lợn thật sạch”, bà Liên cho hay.