Có mức giá lên đến 200.000 đồng/kg nhưng loại quả rừng được nhiều người thủ đô mua về làm nước giải nhiệt mùa nắng nóng.
Vậy công dụng của loại quả “tiên dược” này là gì, cách dùng để có được hiệu quả cao nhất như thế nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Liễu cho biết trên Trí Thức Trẻ, thanh mai thuộc họ Dâu rượu Myricaeae. Tên gọi này thường chỉ thấy ghi trong một số sách thực vật, dựa theo tên Trung Quốc của cây.
Riêng nước ta, nhân dân thường chỉ gọi là cây dâu, dâu rượu hoặc dâu tiên. Về đặc điểm, loại cây này cao khoảng 0,4-0,5 m.
Cành cây thường có phủ lông tơ, lá xanh tươi quanh năm. Quả có đường kính 5 mm đến 1 cm khi chín có màu đỏ tím, mọng nước trên mặt rất nhiều gợn thoạt trông giống như quả dâu tằm.
Mùa hoa thanh mai từ tháng 10-11, mùa quả từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau (tính theo âm lịch).
Loại cây này mọc hoang tại nhiều tỉnh phía bắc nước ta, đặc biệt là miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nhưng duy chỉ có vùng Quảng Bình nhân dân khai thác để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cây còn mọc ở Ấn Độ, Malaixia, miền nam Trung Quốc, Nhật Bản.
Vào mùa quả chín (tháng 12 đến 3 âm lịch) ở Quảng Bình, nhân dân thường thu hái, phơi khô, sau đó đem đồ để bảo quản không bị mọt.
Bác sĩ Liễu cho biết chưa có tài liệu nghiên cứu về các thành phần hóa học có trong quả thanh mai.
Tuy nhiên, theo bà, quả xanh có axit hữu cơ, tanin, vitamin C, quả chín chứa đường, sắc tố anthoxyan. Loại quả này chứa 7-10% đường, 0,5-1% axit hữu cơ và rất ít myrixetin. Lá chứa 0,02-0,03% tinh dầu, tanin và taraxerol.
Lợi ích của quả thanh mai
Quả thanh mai cho chức năng giải nhiệt, tốt cho tiêu hóa, quả thanh mai còn tốt cho máu não và mắt, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, chống lão hóa tốt.
Các bài thuốc từ quả thanh mai
Hạt thanh mai được sử dụng chữa chứng ra mồ hôi chân; Vỏ thân và vỏ rễ sắc uống dùng điều trị đụng giập, loét, các bệnh về da và ngộ độc arsenic.
Theo đó, có thể thu lấy vỏ rễ hay vỏ thân, dùng tươi hay khô. Vào mùa hạ thu lấy quả phơi khô. Chữa đau bụng, lỵ:
Ngày dùng 8 - 12gr vỏ khô sắc với nước uống trong ngày. Còn dùng chữa lở ngứa thì dùng vỏ thân hay vỏ rễ sắc nước rửa nơi lở ngứa.
Quả này có thể ăn theo 2 cách:
1. Ngâm quả thanh mai qua nước muối loãng chừng 20-30 phút cho ra hết chất bẩn và sâu chui ra là có thể ăn ngay.
2. Ngâm đường pha nước giải khát mùa hè (giống y hệt ngâm dâu ta).
Ngoài ra còn làm được ô mai. Quả thanh mai dầm đường rồi bỏ tủ lạnh mấy tiếng cho mát, xong đem pha nước vừa nhanh vừa ngon vừa mát.