Thông tin được đăng tải cho biết, một thiết bị tuyệt vời khi cấy vào cơ thể sẽ giúp bạn “đạt cực khoái” chỉ với một nút bấm.
Orgasmatron, do Tiến sĩ Stuart Meloy sáng tạo ra, là một chiếc hộp nhỏ được gắn vào xương sườn và có thể gửi tín hiệu bất cứ khi nào người dùng mong muốn. Tìm hiểu sâu hơn, công nghệ này có một lịch sử khá thú vị và kỳ lạ.
“Bạn là phóng viên thứ sáu hay thứ bảy gì đấy gọi cho tôi, tôi đang tự hỏi có chuyện gì xảy ra”, Tiến sĩ Meloy bối rối nói với tôi.
Thái độ của ông Meloy cũng dễ hiểu khi thiết bị này dựa trên một câu chuyện đăng trên tạp chí khoa học New Scientist cách đây 13 năm, và mới đây xuất hiện trên trang web Reddit.
Trong một thời gian dài, Meloy đã cố gắng thu hút nguồn tài trợ cho thiết bị của mình nhưng không thành công.
Meloy là một bác sĩ, và người đồng sáng lập Advanced Interventional Pain Management, một trung tâm điều trị cho các bệnh nhân chịu các cơn đau mãn tính.
Tuy nhiên, ở trung tâm này ông làm một nhân viên cấy ghép điện tử. Khi gắn thiết bị này vào xương sườn, thiết bị này sẽ gửi các xung điện giúp xoa dịu các cơn đau.
Tuy nhiên, sau khi cài thiết bị, một bệnh nhân thông báo có phản ứng phụ bất thường nhưng không nằm ngoài mong muốn: Thiết bị tạo ra cảm giác khoái lạc cực độ. Meloy nhận ra rằng, ông đang sở hữu một công nghệ sức mạnh trong tầm tay.
Trong chốc lát ông nghĩ rằng, thiết bị này có thể giúp chữa trị cho những người bị rối loạn tình dục.
Đó là điều của hơn chục năm trước, và trong khi Meloy trở thành một bác sĩ thành công thì dự án Orgasmatron lại bị đình trệ. Một trở ngại là các máy phát điện được sử dụng có giá giao động tới 25.000 USD.
Meloy tin rằng, Orgasmatron có thể hoạt động chỉ với một nguồn cung cấp điện nhỏ, đủ dùng trong khoảng 1 tiếng mỗi ngày.
“Theo tôi, phát xung điện liên tiếp nhiều ngày để chữa trị rối loạn chức năng tình dục là không cần thiết. Mọi người còn phải làm việc nữa”, Tiến sĩ Meloy cho hay.
Thật đáng tiếc, chưa có phương pháp nào thay thế, ông Meloy chưa thể thuyết phục bất kỳ nhà sản xuất y tế nào sản xuất một loại khác.
Vấn đề nữa là ai sẽ đứng ra chi trả cho một thử nghiệm cấy ghép. “Các công ty bảo hiểm sẽ không bao giờ chi trả cho bất kỳ thử nghiệm hay nghiên cứu nào”, ông Meloy giải thích.
Mặc dù Meloy đã trang bị cho hàng trăm bệnh nhân các thiết bị kiểm soát cơn đau (một số người thông báo họ gặp phản ứng phụ tích cực). Tuy nhiên, việc cấy ghép một thiết bị vào cơ thể, đặc biệt là để điều trị rối loạn khả năng tình dục là một hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế, thiết bị này vẫn chưa được chứng minh là phương pháp chữa trị chứng rối loạn tình dục hiệu quả.
Để được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận, Meloy phải tiến hành các cuộc thử nghiệm với chi phí khoảng 6 triệu USD. “Bây giờ tôi chưa thể có khoản tiền lớn như thế này”, Meloy thở dài.
Trung tâm khoái lạc
Thật ngạc nhiên là Meloy không phải là người đầu tiên nghĩ đến ý tưởng gắn một thiết bị để tạo cảm giác khoái lạc ở con người.
Vào những năm 1950, một bác sĩ người Mỹ tên là Robert Gabriel Heath điều trị rối loạn tâm lý tại Khoa Tâm thần & Thần kinh học thuộc Đại học Tulane ở New Orleans, Mỹ.
Health muốn phát triển một thứ gì đó có hiệu quả như phẫu thuật thùy não - tương đối phổ biến trong thời gian đó - nhưng ít thất bại.
Ông thực hiện bằng cách sử dụng máy khoan nha sỹ để đục lỗ nhỏ trên sọ bệnh nhân. Qua đó, các cực dò điện được đẩy vào bên trong để các xung điện được truyền trực tiếp tới não.
Health phát hiện ra rằng, bằng cách kích hoạt khu vực vách ngăn, ông có thể tạo ra cảm giác khoái lạc giúp giảm các hành vi bạo lực ở những bệnh nhân. Và khi có được khoái lạc, bệnh nhân có thể kiểm soát tâm trạng của họ.
Một bệnh nhân thậm chí đã bấm tới 1.500 lần trong 3 tiếng, nhưng đáng ngạc nhiên là đa số họ có thể kiểm soát được. Trong khi, nếu thử nghiệm tương tự với chuột thì chúng làm đến kiệt sức.
Được biết, thiết bị của Health từng được CIA thăm dò. Họ muốn áp dụng công nghệ này để thẩm vấn tình báo nước ngoài hoặc thậm chí điều khiển tâm trí họ. Tuy nhiên, Health đã đuổi họ ra khỏi phòng thí nghiệm của mình.
“Nếu muốn làm điệp vụ, tôi đã làm rồi!”, ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ New York Times như vậy. “Tôi muốn trở thành một bác sĩ và phục vụ y học”, Health nhấn mạnh.
Những người tiếp bước Health lại phát hiện ra những tác động lớn hơn trong nỗ lực kiểm soát cảm xúc của con người.
Jose Manuel Rodriguez Delgado là một nhà nghiên cứu khác tìm cách tạo cảm giác khoái lạc qua đường não của bệnh nhân. Ông cũng gắn máy kích thích não với máy thu phát radio, hiệu quả trong việc điều khiển từ xa.
Delgado tự tin với công nghệ này đến nỗi ông đã nhảy vào một trường đấu bò đối diện một trong những phòng thí nghiệm của ông.
Khi các con bò chỉa thẳng sừng vào phía ông, Delgado đã nhấn nút điều khiển khiến các con bò dừng lại, rống lên và đi loanh quanh.
Tuy nhiên, dư luận tỏ ra bất đồng với việc cất vi mạch lên não bộ sau khi ông ra cuốn sách “Physical Control of the Mind: Toward a Psychocivilized Society” vào năm 1969, trong đó giảm nhẹ những rủi ro của thiết bị này và khuyến khích mọi người áp dụng công nghệ mới.
Ông cho rằng, nếu tất cả đều sử dụng vi mạch cấy ghép để kiểm soát cơn giận dữ cũng như những tổn thương về tinh thần, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Năm sau đó, hai nhà nghiên cứu là cộng sự của ông đã gây phẫn nộ trong dư luận sau khi gợi ý rằng, thiết bị này có thể được dùng để dập tắt các cuộc bạo động của người da đen tại các thành phố nước Mỹ.
Kinh phí cạn kiệt, và các loại thuốc chữa bệnh rối loạn thần kinh ra đời, thiết bị kích thích não này rơi vào dĩ vãng.
Mặc dù Meloy khá lạc quan về những lợi ích của các thiết bị của mình, nhưng ông cho rằng việc sử dụng chúng để kiểm soát xã hội không phải là điều ông mong muốn.
Ông hy vọng rằng sự quan tâm của mọi người với dự án Orgasmatron có thể tạo cơ hội thứ hai để phát triển nó thành hiện thực..
Nếu điều này xảy ra, liệu chúng ta có thể thấy những chiếc nút tạo khoái cảm đính trên cơ thể những người xung quanh không?
Không nhanh đến vậy, bác sỹ Petra Boynton, một nhà nghiên cứu tình dục thuộc Đại học University College London cho biết: “Tôi vẫn chưa thấy thiết bị, phương pháp hay dược phẩm trị liệu nào mang lại kết quả tốt hơn cho các vấn đề về tình dục so với thuốc an thần (placebo)”, bà nói.
“Tôi vô cùng lo lắng với những ý tưởng sử dụng thiết bị để kích thích đối với những trường hợp lẽ ra nên được sử dụng liệu pháp tâm lý hoặc cung cấp thêm thông tin về các vấn đề tình dục, những cách thức đạt khoái lạc khác, hoặc cách cơ thể chúng ta vận hành”.
Như vậy, nếu Orgasmatron được tung ra thị trường vào một ngày nào đó, hãy cân nhắc việc có nên cấy một cái hộp xung điện lên vai mình hay không. Còn với những người quyết định áp dụng nó, hãy chắc rằng bạn biết ai là người đang nhấn nút của mình.