Ngộ độc do bất cẩn
Bệnh nhi Tr.V.C. (bốn tuổi, ngụ Bình Dương) nhập viện trong tình trạng cơ thể tím tái, suy hô hấp. Chị T., mẹ của bệnh nhi C. cho biết, chị mới mua lọ acetone về để lau cửa kính đón Tết, trong lúc lau, chị sơ ý để lọ hóa chất trên bàn và cháu C. đã mở nắp, uống hết nửa lọ. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của C. rất nguy hiểm, tổn thương phổi nặng do hóa chất tràn vào đường hô hấp.
Theo BS Trần Đắc Nguyên Anh - Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, hầu như tháng nào cũng có hai-ba trường hợp trẻ bị ngộ độc hóa chất. Vào thời gian gần Tết, số ca ngộ độc hóa chất ở trẻ tăng đáng kể. Nhiều người dọn dẹp nhà cửa, để hóa chất bừa bãi nên trẻ lấy ra nghịch, hóa chất đổ lên da, rơi vào mắt; hoặc trẻ uống nhầm.
Các loại hóa chất trẻ uống nhầm thường là dung dịch lau rửa nhà cửa, dầu hỏa, xăng; ít gặp hơn là axít, thuốc tẩy, thuốc trừ sâu… Tùy vào loại hóa chất, khi uống phải sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Ảnh minh họa
Trẻ có thể bị đau họng, đau bụng, buồn nôn và nôn; môi lưỡi đỏ sung huyết, phồng rộp, trượt niêm mạc. Hoặc trẻ có biểu hiện khó thở, thở nhanh nông, tím quanh môi, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức, có tiếng thở rít do co thắt thanh quản. Về thần kinh, bệnh nhi quấy khóc, nói sảng, rối loạn ý thức, co giật, hôn mê. Triệu chứng ở hệ tuần hoàn thể hiện ở da tái lạnh, nhợt nhạt, rối loạn nhịp tim, sốc.
Cần xử lý kịp thời
BS Nguyên Anh cho biết, trong các nhóm ngộ độc, nguy cơ để lại di chứng, tử vong do ngộ độc hóa chất, nhất là thuốc trừ sâu rất cao. Điều quan trọng là phụ huynh phải phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời để giảm những tình huống xấu cho trẻ.
Trước tiên phụ huynh cần tìm hiểu trẻ đã uống nhầm hóa chất gì, để tiến hành sơ cứu tại nhà và thông tin cho bác sĩ biết. Nếu trẻ uống nhầm hóa chất bay hơi như xăng, dầu, acetone thì hơi thở có thể có mùi chất ấy và trẻ thường có biểu hiện hô hấp. Nếu trẻ uống nhầm hóa chất ăn mòn như axít, bazơ, thuốc tẩy, thường có biểu hiện rõ ở tiêu hóa. Còn khi trẻ uống nhầm hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu thường có biểu hiện vừa tiêu hóa, vừa thần kinh.
Cần cho bệnh nhi uống nhiều nước hoặc sữa để pha loãng chất độc. Cho uống từ từ, tránh nôn sặc.
Khi gây nôn, những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở, hơi hóa chất xâm nhập vào đường hô hấp, tổn thương thực quản nặng do hóa chất ăn mòn đi qua thực quản. Do đó, không được gây nôn khi bệnh nhi hôn mê, co giật. Chỉ gây nôn khi bệnh nhi còn tỉnh. Có thể cho uống 200-300ml nước muối 0,9% rồi ngoáy họng bằng tay để gây nôn. Khi gây nôn, đặt bệnh nhi nằm nghiêng để tránh chất nôn, dịch tiết hay nước sặc vào đường thở gây nguy hiểm cho trẻ.
Trường hợp chất độc dính vào da, cần cởi bỏ quần áo vấy chất độc, dội nhiều nước trong 10 phút và không chà xát. Nếu hóa chất rơi vào mắt, cần rửa nhiều bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý khoảng 15 phút, trong khi rửa cần khuyên trẻ nháy mắt hoặc nhắm mở mắt càng nhiều càng tốt. Tuyệt đối không dùng nước rửa có hóa chất, có tác dụng trung hòa vì có thể làm da và niêm mạc bị sẹo xấu, thủng niêm mạc.
Sau các bước sơ cứu, cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu, giải độc, tránh hóa chất ngấm vào cơ thể gây tác hại. Cần nhớ tên chất hóa học hoặc mang theo chai hóa chất còn lại mà bệnh nhi bị ngộ độc để giúp nhân viên y tế xác định nhanh chóng và xử lý kịp thời.
“Để tránh tai nạn này, không nên đựng hóa chất trong các chai nước uống. Ví dụ xăng dầu đựng trong chai nước suối, dầu nhớt đựng trong chai coca…, và nên dán nhãn để tránh nhầm lẫn ngay cả với người lớn. Tất cả cần có chỗ để riêng, có khóa, đặt xa tầm tay trẻ em” - BS Trần Đắc Nguyên Anh khuyến cáo.