Hòn đá “sữa” chữa bệnh tưa lưỡi của trẻ em và bệnh nứt vú cho phụ nữ.
Người dân thôn Mỹ Hòa (Phù Lưu, Lộc Hà) vẫn tự hào về hòn đá “sữa” đã tồn tại hàng trăm năm trên địa bàn thôn mình bởi khả năng chữa bệnh tưa lưỡi cho trẻ em và sưng, đau ngực cho phụ nữ.
Gọi là hòn đá sữa bởi khi hòa bột đá vào nước s ẽ cho màu đục như sữa. Hòn đá nằm ngay ở ngã ba đường, khá biệt lập với nhà dân, một mặt hướng ra cánh đồng. Với chiều dài khoảng 60cm, chiều rộng chừng 20cm, hòn đá có hình bầu dục, giống một thỏi vàng, mặt trên nham nhở những lát cắt do người dân để lại sau khi cạo lấy bột đá về chữa bệnh.
Báo Lao động dẫn 2 trường hợp dùng đá sữa chữa bệnh hiệu quả:
Bác Phan Quang Hạ (SN 1960, có nhà cạnh hòn đá) cho biết, khi trẻ con bị bệnh tưa lưỡi chỉ cần dùng bột của hòn đá này hòa tan vào nước cho trẻ uống thì bệnh tưa lưỡi sẽ khỏi ngay. Phụ nữ bị nứt vú, sưng, đau ngực dùng bột hòn đá này bôi lên chỗ đau ít hôm sẽ lành và không còn cảm giác đau nữa. Điều đặc biệt, gọi là đá nhưng lại rất mềm, rất dễ cạo, khi cạo ra bột đá có màu trắng đục giống bột gạo nếp.
“Trước đây, do ăn mía nhiều lên lưỡi của đứa cháu tôi bị nứt, rát, không ăn uống được gì. Tôi ra cạo lấy một ít bột của hòn đá này về pha với nước cho cháu uống. Chỉ sau một đêm, bệnh tưa lưỡi của cháu đã khỏi hẳn, có thể ăn uống lại bình thường”, bác Hạ cho biết.
Người dân địa phương cạo bột đá về chữa bệnh tưa lưỡi cho trẻ. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh điện tử)
Chị Hoàng Thị Hải (SN 1980) vừa bế cháu bé 2 tuổi trên tay vừa nói: “Lúc đầu, nghe mọi người nói tôi cũng không thật sự tin, bởi hòn đá mà chữa được bệnh thì rất khó. Nhưng tới tháng 9.2012, sau khi tôi sinh cháu trai thứ 2 này, nhũ hoa của tôi bị nứt. Mỗi lần con bú là đau rát, khó chịu. Thấy vậy, mẹ chồng tôi ra xin bột của hòn đá này về xoa lên và 2 ngày sau thì những vết nứt đã lành lại, không còn cảm giác đau nữa”.
Theo báo Hà Tĩnh điện tử, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch HĐND xã Phù Lưu cho biết thêm: “Lúc còn nhỏ, tôi đã nghe ông bà kể về khả năng chữa bệnh của hòn đá này. Từ trước tới nay, trẻ con trong làng bị bệnh tưa lưỡi hay phụ nữ bị nứt vú, tắc sữa sau khi sinh đều đến đây cạo ít bột đá cho vào nước hòa tan, bôi vài ba lần là khỏi”. Cũng theo ông Thạch, hòn đá tuy cứng nhưng rất dễ cạo, bột đá có màu trắng đục giống bột gạo nếp. Người dân thường lấy dao, hay liềm cạo, nhưng có thầy thuốc trong làng cho rằng, nếu dùng mảnh sành cạo thì thuốc có tác dụng tốt hơn.
Ông Thạch chia sẻ thêm: “Chúng tôi nghĩ trong thành phần của bột đá chứa chất có khả năng chữa được bệnh. Do bột đá hòa với nước có màu đục như sữa nên người dân chúng tôi quen gọi là đá sữa, chứ không gọi là đá “thần” như nhiều người tung tin” - cũng theo nguồn báo Hà Tĩnh điện tử nêu trên.
“Ngọc rắn” cứu người bị rắn độc cắn
Gần 30 năm nay, ông Hồ Văn Cận, ở bản Ba De, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, Quảng Trị đã cứu sống hàng chục người chẳng may bị các loài rắn độc cắn.
Dụng cụ chữa rắn cắn là viên đá màu đen mà ông bảo rằng đó là viên “ngọc rắn” cùng nhiều loại lá mà ông phải đích thân lặn lội cả tuần trong rừng mới kiếm được.
Chung quanh viên “ngọc rắn” này cũng có nhiều chuyện hoang đường mà người dân trong bản Ba De thường rỉ tai nhau. Có người nói viên “ngọc rắn” được lấy từ con rắn lớn như cột nhà đã sống hàng trăm năm trong hang động mãi tận rừng bên Lào. Thực ra, viên “ngọc” này là do người anh trai quá cố truyền lại cho ông Cận.
Ông Cận đang cầm "ngọc rắn". Ảnh: PLO
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ghi lại lời ông Cận kể lại lần đầu tiên dùng “ngọc rắn” cứu người: “Phải hai năm sau ngày anh tôi mất, tôi mới tự tay cứu chữa ca bị rắn cắn đầu tiên. Đó là trường hợp một chị ở trong bản ra đồi chăn trâu vô tình dẫm lên con rắn hổ phì bị nó đớp vào chân phải. Người nhà nghe tiếng chị kêu cứu lên đồi cõng chị về thì chị đã bắt đầu có dấu hiệu tê cứng lưỡi, quai hàm…
Biết chuyện, tôi vội đến nói với người nhà nạn nhân là để tôi cứu chữa cho chị chứ mang chị đi bệnh viện vào lúc đó, chắc không kịp và chỉ có chết. Nói thì nói vậy, chứ lúc đó tôi vừa làm vừa run...Cố trấn tĩnh, tôi lấy viên “ngọc rắn” liên tục chườm lên vết thương của chị sau đó đắp thuốc lên vết thương. Cứ chườm rồi đắp lá liên tục chín ngày, chín đêm thì chị ấy mới thoát chết đó. Từ đó, người dân bản Ba De rồi nhiều thôn, bản khác cứ bị rắn cắn là tìm đến tôi nhờ cứu giúp”.
Nhiều trường hợp ở địa phương cũng như ở vùng lân cận đã được ông Cận dùng “ngọc rắn” để cứu tính mạng khi bị rắn độc cắn. Đó là trường hợp anh Toản, ở Gio Sơn, huyện Gio Linh đi rừng bị rắn hổ mang bành tấn công, đã tím tái hết người. Giống hổ mang cắn không ra máu, chỉ hơi nhoi nhói như cái gai cây xấu hổ đâm nên khó phát hiện; nạn nhân không uống rượu, không ngâm bùn thì phải 6-7 giờ sau mới phát. Người nhà mang anh Toản đến khi nọc độc bắt đầu ngấm vào máu. Lập tức, ông Cận dùng viên “ngọc rắn” chườm lên vết thương rồi tức tốc vào rừng tìm lá về đắp vết thương.
Còn trường hợp anh Minh, ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh bị rắn hổ phì cắn khi đang làm ruộng. Về đến nhà, anh Minh nằm vật ra rồi lịm dần. Người nhà hỏi, anh mới khó nhọc cho biết là bị rắn cắn, bèn tức tốc chạy xe máy lên mời ông về chữa bệnh. Cũng bằng cách chữa nói trên, anh Minh thoát chết.
Cũng theo tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, để cứu chữa cho người bị rắn cắn, ông Cận phải căn cứ vào vết thương, sau đó mới sử dụng viên “ngọc” để cứu chữa cho từng trường hợp cụ thể. Người mới bị rắn cắn mà biết buộc ga rô vết thương lại thì khi mang đến, ông chỉ cần chườm viên “ngọc rắn” này lên mấy lần sau đó đắp lá kín vết thương là có thể về nhà. Còn người nào bị rắn cắn mà nọc độc của rắn nhất là nọc độc các loại rắn như cạp nong, cạp nia, hổ mang, rắn ráo, hồ phì…đã đi vào máu thì phải chườm “ngọc rắn” kết hợp đắp lá liên tục mới rút hết nọc độc trong người.
Ông Cận cảnh báo: “Nguy hiểm nhất trong các loài rắn độc là rắn cạp nia. Giống cạp nia cắn không thấy đau nên nạn nhân thường chủ quan vì nọc độc của nó 5-6 tiếng sau mới phát. Đàn ông bị cạp nia đớp mà lại làm thêm vài chén rượu vào thì nọc độc ngấm vào máu nhanh lắm. Nhiều người bị cạp nia cắn khi đã phát là đau cứng họng, tê lưỡi... dần dần đồng tử mắt dãn ra...là chết. Do đó khi bị rắn cắn phải sớm đưa đi cấp cứu”.
Nhiều năm qua, ông Cận đã dùng viên “ngọc rắn” do người anh để lại để cứu chữa cho nhiều người nhưng không lấy tiền, bởi công việc này được ông coi là “tích đức” cho con cháu.
Viên đá hút nọc độc rắn
Cũng sở hữu một viên đá “kỳ lạ”, ông Vũ Văn Khản ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã chữa trị cho không biết bao nhiêu người bị rắn độc cắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Thông tin này được PV Tiến Phúc, báo Gia đình và Xã hội cuối tuần ghi lại trong phóng sự "Bí ẩn không thể lý giải về viên đá hút nọc độc rắn ở Thái Bình"
Đó là một viên đá màu đen giống như một thỏi nam châm hình vuông có chiều dài 2cm, nặng khoảng 50g và có hình dạng khá đặc biệt. Trên hai bề mặt đều có hình vòng tròn và một lỗ lõm sâu xuống dạng hình chữ U, một mặt đá đã bị xước.
Khi được hỏi về ý nghĩa của vòng tròn và chữ U, ông Khản chia sẻ: “Từ khi viên đá này được các cụ truyền lại, nó đã có hình dáng đặc biệt như vậy. Hồi còn nhỏ cũng không thấy các cụ nhắc đến nên tôi nghĩ có thể do tác dụng đặc biệt của viên đá cho nên hình dạng nó hơi khác thường cũng không có gì lạ”.
Viên đá kỳ lạ hút nọc độc rắn của ông Khản. Ảnh: Pháp luật và cuộc sống
Chia sẻ về phương pháp trị độc rắn cắn, ông Khản cho biết: “Khi người ta đến nhờ chữa trị, tôi chỉ cần đặt viên đá lên vết cắn. Nếu vết cắn còn mới thì chỉ cần 1 giờ đồng hồ, lâu hơn thì cũng chỉ 2 giờ đồng hồ là viên đá sẽ hút hết nọc độc, không cần mổ xẻ hay kết hợp thêm một phương pháp nào khác. Khi hết nọc, viên đá sẽ tự động rơi ra”.
Ông chia sẻ thêm: “Ban đầu, tôi hoàn toàn dựa vào viên đá để chữa trị nhưng sau này chữa cho nhiều bệnh nhân nên cũng tích lũy thêm một số kinh nghiệm. Tôi quan sát vết cắn thì biết ngay vết cắn rắn nào là rắn độc, rắn nào là rắn thường và phương án chữa trị”. Tuy nhiên để bệnh nhân an tâm thì với vị khách nào ông cũng dùng viên đá kiểm tra qua.
Điều kì lạ là nếu vết cắn do rắn độc, viên đá sẽ dính chặt vào vết cắn, hút cho đến khi hết độc mới tự động nhả ra. Còn nếu không phải rắn độc, viên đá không phát sinh biểu hiện bất thường. Theo ông Khản thì khác với nam châm chỉ dính được ở hai mặt, viên “đá thần” có thể dính được cả bốn mặt. Có nghĩa là ở mặt nào, viên đá cũng có thể hút được nọc độc.
Tất cả nạn nhân sau khi được chữa trị khỏi hoàn toàn khỏe mạnh và ăn ngủ bình thường, không có biểu hiện khác lạ hoặc có tác dụng phụ. Qua thời gian, viên đá đặc biệt không chỉ là báu vật gia đình ông Khản. Chính những người địa phương cũng coi đó như “vật linh” cần phải hết sức giữ gìn.
Được biết, viên “đá thần” được cụ thân sinh Vũ Văn Vần trao lại cho ông Khản năm 1960. Bắt đầu từ đó, ông Khản mang viên đá cứu giúp mọi người. Cho đến nay, “đá thần” đã cứu sống hàng nghìn người bệnh. Bình thường, những người trong huyện và các huyện lân cận bị rắn độc cắn đều tìm đến ông nhờ chữa trị.
Sau mỗi ca cứu người bị nạn, để “bảo dưỡng đá thần”, ông Khảm phải xin một ít sữa tươi của phụ nữ mới sinh con, cho sữa và “đá thần” vào trong chén để “đá thần” nhả hết nọc độc vào sữa. Những lần như vậy, nọc độc sẽ nổi lên trên có màu đen hoặc vàng, tùy từng loại rắn và có mùi rất tanh, sữa ở trong chén sẽ trong như nước lọc đóng chai - Báo Gia đình và Xã hội cuối tuần cho biết.
Tờ báo này cũng dẫn lời ông Nguyễn Quang Vịnh - Trạm trưởng Trạm y tế xã Hồng Thái: “Việc ông Khản chữa trị rắn độc cắn bằng viên đá được rất nhiều người biết đến và nhờ chữa trị. Hòn đá có khả năng hút độc tố đang là một bí ẩn chưa ai giải thích được. Có nhiều trường hợp người bị rắn cắn đưa đến trạm y tế, chúng tôi đã giới thiệu xuống nhà ông Khản để nhờ chữa trị. Không chỉ trong huyện, những người nơi khác bị rắn độc cắn đều đến nhờ ông Khản chữa trị. Trên thực tế, ông Khản đã chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân, tiếng lành đồn xa nên khi bị rắn độc cắn, nhiều người đến nhờ ông ấy chữa trị”.
(Tổng hợp)