Mỗi bản có đến hàng chục người hành nghề thầy thuốc chữa bệnh nan y. Nhưng bài thuốc chữa vô sinh của mế được nhiều người biết đến nhất.
86 tuổi vẫn lên núi cao hái thuốc
Người Dao ở Hạ Sơn phần lớn trước đây ở bản Pù Quăn. Đó vẫn là nơi vắng vẻ hoang vu, cao chạm đáy trời, đường lên vắt vẻo. Cũng bởi những khó khăn đó, cách đây 7 năm, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã đề nghị các cơ quan, chính quyền địa phương đỡ đầu, vận động các bản sống trên núi cao xuống núi dựng bản mới. Hạ Sơn là một trong những bản đó và cái tên Hạ Sơn cũng xuất phát từ chủ trương này.
Đến Hạ Sơn, mế Tặng Thị Mụi là người đầu tiên tôi muốn tìm bởi bài thuốc chữa vô sinh của mế đã được lan truyền khắp chốn. Vừa dẫn chúng tôi đi, ông Triệu Văn Lai, Phó Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, Huyện uỷ Mường Lát giải thích: "Mế Mụi bận lắm, không hẹn trước mà muốn gặp được mế phải đến nhà từ lúc tờ mờ sáng". Quả thực, khi chúng tôi đến cổng nhà Mế dù sương mù vẫn giăng kín lối, đã thấy mế lưng khoác gùi tất tả đi ra cổng. Dù bị chúng tôi làm phiền và mất một ngày đi lấy thuốc, mế Mụi vẫn hồn hậu tiếp đón.
Năm nay, mế đã bước sang tuổi 86 nhưng sức khoẻ thì ít ai bì kịp. Đôi chân chắc nịch của mế hàng ngày vẫn thoăn thoắt vào tận rừng sâu hái thuốc. Mế chỉ trở về nhà khi chiếc gùi thảo dược sau lưng đã đầy ú hụ. Mế kể, có những lần mải mê tìm cây thuốc quý, bị kẹt trên núi cao khi tối đã nhọ mặt người. Mế phải lần tìm đường ra rồi ngủ lại trong nhà người quen ở bản Pù Quăn. Sáng hôm sau, mế phải dậy thật sớm để về nhà nhưng khi đó, con trai mế đã bổ đi tìm, con gái, con dâu hai mắt đã đỏ hoẻ, sưng húp vì lo sợ điều chẳng lành.
Cũng như nhiều người Dao khác, mế Mụi từ bản Pù Quăn chuyển xuống. Suốt năm đầu tiên ở Hạ Sơn, mế không sao ngủ được. Mế đã quen sống trên đỉnh Pù Quăn cao chót vót với bốn bề là cây thuốc quý. Mế tâm sự: "Xuống Hạ Sơn chỉ thích nhất là được chữa bệnh cho nhiều người nhưng đường đi lấy thuốc xa quá. Chỉ sợ ít năm nữa, đôi chân mế sẽ mỏi". Gần 40 năm kinh nghiệm, khi chuyển xuống Hạ Sơn, mế giúp được nhiều người thoát khỏi những chứng nan y, trong đó kỳ diệu nhất là chữa khỏi bệnh vô sinh, hiếm muộn.
Một thang thuốc chữa ba căn nguyên
Mế Mụi quan niệm về căn nguyên gây nên hiếm muộn khá đơn giản: Một là do chồng, hai là vì vợ và ba là tại cả hai. Nên để trị đủ cả ba nguyên nhân đó, mế thường bốc thuốc cho cả hai người. Theo mế, loại thuốc này uống vào không có tác dụng phụ, bởi thế, người có bệnh uống vào sẽ hết bệnh, người không có bệnh dùng thuốc sẽ khoẻ ra.
Mế Mụi tâm sự: Cây thuốc chữa hiếm con là khó tìm nhất. Nhiều loại chỉ có trên đỉnh cao nhất của núi Pù Quăn. Ngày còn ở Pù Quăn, để bớt công đi kiếm, mế mang giống về trồng ở núi sau nhà. Khi chuyển về Hạ Sơn, mế cũng mang giống cây xuống trồng nhưng không hợp đất, nên dù được chăm chút kỹ lưỡng nhưng cây thuốc vẫn không sống được. Để kiếm được một thang thuốc hiếm muộn, ngoài những thứ thân cây, rễ cây mế trồng được thì những loại thảo dược quý quan trọng trong thang thuốc mế vẫn phải một mình lặn lội vào tận chốn rừng thiêng nước độc để tìm kiếm.
Mấy chục năm vào rừng kiếm thuốc, mế đã quen từng hốc cây, khe suối. Nơi cư trú của các loại cây thuốc, mế thuộc như lòng bàn tay, khi cần chỉ khoác gùi vào lấy. Nhưng theo lời mế, cũng có một vài loại cây "làm đỏm" (đỏng đảnh) khiến mế không thể nắm bắt được nơi sinh sống của chúng, nên có tìm được cũng phần nhiều là nhờ may mắn.
Một trong những loại cây thuốc quý nhưng khó tìm nhất là củ nâu sần (tên mế tự đặt cho loại củ thuốc có thân dài hơn củ nâu, vỏ sần sùi, chi chít những sơ dài cứng), vị thuốc không thể thiếu trong thang thuốc chữa hiếm muộn và chứng "bất lực" ở nam. Có lần, mế phải nhờ con trai đưa sang Lào để tìm kiếm loại cây thuốc quý này. Nhưng khi gặp, cũng phải chọn những cây đã già cỗi để đào thì mới thật sự có công dụng.
Lấy thuốc để làm phúc
Mế Mụi đông con, nhiều cháu không chỉ do đẻ hết con để được tiếp cận bí quyết nghề thuốc mà gần 40 năm hành nghề, mế đã được rất nhiều người nhận làm mẹ nuôi nhờ ơn trời bể mế dành cho họ. Mế quan niệm biết bốc thuốc là để làm phúc, cứu người. Người có bệnh đến với mế dù nghèo cũng không phải lo trong túi không có tiền. Cứ đến với mế, mế thấy ưng cái bụng là khoác gùi vào rừng kiếm cho liền. Khi bệnh đã khỏi thì hậu tạ mế thế nào cũng được, thậm chí một chai rượu trắng cũng xong.
Hôm chúng tôi đến nhà mế, may mắn gặp được chị Thào Thị È, bản Poọng, xã Quang Chiểu - một trong những bệnh nhân mang ơn trời bể của mế. Chị È tâm sự: "Tôi lấy chồng 5 năm, nhưng không có con. Ngày đó, tôi hay bị nhà chồng rủa là thằng Cả (chồng chị È) lấy phải con "trâu đực" rồi. Một lần xuống Hạ Sơn, vào nhà bạn chơi, bạn tôi mách cho gặp mế Mụi. Sau ba tháng uống thuốc của mế tôi đã có tin vui và nhận mế là mẹ nuôi".
Cũng như nhiều bệnh nhân nghèo khác, chị È chỉ hậu tạ mế một chai rượu trắng. Thậm chí, sau khi đã là con nuôi của mế, vài ba tháng chị lại bế con xuống thăm, ăn ở nhà mế cả tuần trời nhưng quà mang biếu chỉ là ít nấm rừng tự hái được.
Hoàn toàn khác với mế, một số phụ nữ Dao cũng hành nghề bốc thuốc mà chúng tôi gặp họ chỉ bằng tuổi con cháu của mế, nói năng bạo miệng, ra giá mỗi thang thuốc với giá "cắt cổ" 100.000 đồng/thang. Để bán được thuốc, họ ra sức quảng cáo cho bài thuốc gia truyền của mình có thể chữa bách bệnh, thậm chí, muốn lấn lướt cả công dụng thuốc của bậc tiền bối.
Chị Sùng Thị Lé, 35 tuổi bản Hạ Sơn cho biết: "Nhà tôi làm thuốc gia truyền. Tôi lấy được thuốc đau đầu, đau dạ dày, đại tràng, thuốc chữa nghiện. Thang thuốc chữa nghiện của mế Mụi chỉ có 12 loại thảo dược nhưng thuốc của tôi có tới 30 loại thảo dược quý hiếm. Người mắc nghiện chỉ cần uống trong 3 ngày là cắt được cơn. Sau 7 ngày sẽ không còn cảm thấy thèm thuốc nữa".
Tuy nhiên, một loại bệnh mà không người Dao nào dám vượt mặt mế và con gái Tặng Thị Diện của mế (hiện vẫn ở trên đỉnh Pù Quăn) đó là thuốc chữa vô sinh. Đây là bài thuốc do mẹ chồng mế truyền dạy, nhưng trước đây chưa từng phải dùng đến.
Ngày đó, người Dao, người Mông, người Thái, người Mường thấy ưng cái bụng nên đôi nên lứa. Về ở với nhau năm trước, năm sau đã con cái đề huề. Thậm chí, sinh con sòn sòn, phanh không kịp. Nhưng cách đây chục năm, chẳng hiểu do đâu, người hiếm muộn ngày một nhiều. Không chỉ những người sống nơi phố xá mà nhiều người con của núi rừng cũng mắc phải. Tiếng lành đồn xa, họ tìm đến với mế.
Đến bây giờ, mế không thể nhớ nổi mình đã mang lại tiếng cười trẻ thơ cho bao nhiêu cặp vợ chồng. Chỉ biết rằng, những người nhờ dùng thuốc của mế mà con cái đề huề thường nhận mế là mẹ nuôi. Mế cũng không nhớ hết mình có bao nhiêu đứa con, đứa cháu như thế, chỉ biết rằng, khi năm hết Tết đến, chúng đến chật kín trong nhà, ngoài ngõ.
Sẽ xây dựng khu tắm thuốc của người Dao
Theo ông Ngô Kim Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát thì bản Pù Quăn và Hạ Sơn từ lâu đã nổi tiếng về nghề làm thuốc. Trong đó, bài thuốc dành cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh nở đã được phụ nữ trong cả nước sử dụng và công nhận về hiệu quả thực sự của nó. Sau khi sinh, phụ nữ người Mông, người Thái, người Dao… tắm thứ thuốc lá đó là chưa đầy tuần, họ đã phăm phăm đi rẫy làm nương. Còn bài thuốc của mẹ con mế Mụi, nhiều người trong vùng đã sử dụng và ca ngợi về nó nhưng giá trị đến đâu thì đến thời điểm này vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá về nó.
Ông Hà Văn Duyệt, Bí thư Huyện uỷ Mường Lát khẳng định: "Tôi đã từng sử dụng thuốc của người Dao. Một trong những bài thuốc được nhiều người nhận ra ngay tác dụng của nó là tắm lá thuốc. Sau khi tắm lá sẽ cảm thấy cơ thể khoẻ khoắn, da dẻ mịn màng. Để khách đến Mường Lát biết được cái tài hái thuốc của người Dao, sắp tới huyện sẽ tiến hành khảo sát, tìm hiểu tiềm năng cung cấp dược thảo của đồng bào Dao. Nếu đạt yêu cầu, huyện sẽ xây dựng những khu tắm thuốc kết hợp du lịch sinh thái ở hai bản có nghề làm thuốc nổi tiếng này".
Muốn hành nghề phải theo "luật"
Theo mế Mụi, ngày trước học cách lấy thuốc, làm thuốc khó khăn lắm và phải tuân theo nhiều luật lệ. Còn bây giờ, các nàng dâu mới về nhà chồng, nếu muốn học mẹ chồng đều phá lệ truyền cho. Nhưng duy nhất bài thuốc chữa vô sinh thì nhất định nàng dâu đó phải hết tuổi đẻ mới được tiếp cận bí kíp. Theo phong tục người Dao, nếu người phụ nữ vẫn còn khả năng sinh sản, dù có lên rừng may mắn hái được thuốc quý chữa căn bệnh này thì thuốc cũng "mất thiêng". Còn đời mế, mẹ chồng chỉ truyền những bí kíp chữa bệnh khi con dâu hết tuổi đẻ con. Bởi thế, sau tuổi 50, khi không còn đẻ được nữa, mế mới được theo mẹ chồng cõng gùi vào rừng nhận mặt cây thuốc. Khi đó, mế mới biết, những cánh rừng bạt ngàn ở Pù Quăn là một "kho báu" về thảo dược.