Ăn nhiều hải sản, phụ nữ tử vong vì giun ăn mất thận
Nhập viện do đau bụng dữ dội và đi tiểu ra máu, những biểu hiện bệnh trên thông thường là do sỏi thận, viêm, hoặc ung thư.
Nhưng trường hợp của Hana Foldynova, (76 tuổi, Cộng hòa Czech) đã khiến bác bác sĩ thực sự sốc. Các bác sĩ đã tìm thấy một con giun dài gần 10 cm, màu đỏ sẫm đang sống trong một quả thận của bà và ăn dần nó.
Tuy nhiên, không lâu sau khi được mổ lấy con giun ra khỏi thận, bà Foldynova tử vong.
Gia đình Foldynova cho biết bà rất thích ăn hải sản. Có thể bà bị nhiễm sán sau khi ăn phải thực phẩm chưa được nấu chín kỹ.
Nhiễm sán lá gan lớn vì rau thủy sinh
Thời gian gần đây, khoa Khám bệnh của Viện Sốt rét Ký sinh trùng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân có triệu chứng chung đau hạ sườn phải (vùng gan), sốt, sụt cân, ậm ạch khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, đau thượng vị, sẩn ngứa, biểu hiện triệu chứng viêm đường mật, viêm gan thể u và có liên quan đến lịch sử ăn sống rau thuỷ sinh.
Trường hợp của bà Bùi Thị M. trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội là điển hình. Bà M. có các biểu hiện đau hạ sườn, ậm ạch khó tiêu. Khi bà đi khám bác sĩ cho biết bà bị sán lá gan lớn.
Theo bà M., bà có thói quen làm rau cần muối dưa. Đây là loại rau sống dưới nước. Có khả năng bà bị nhiễm sán từ loại rau này. Khi xét nghiệm phân có trứng sán.
Phòng sán lá gan lớn, theo các bác sĩ, người dân không nên ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã.
Trong các loại rau ăn sống của người nhiễm sán lá gan lớn hay ăn thì rau cần, rau ngổ, rau diếp cá và bạc hà được ăn nhiều, tỷ lệ tương ứng là 43,7%, 43,1%, 40,0% và 40,0%; Rau xà lách và rau răm tỷ lệ là 35,5% và 35,4%.
Ăn gỏi cá bị sán lá gan làm tổ trong "của quý"
Một bệnh nhân đi khám được chẩn đoán u nang và đã cắt đốt điện nhưng sau điều trị vẫn thấy ngứa, thành dương vật nổi cộm cứng dưới da.
Bác sĩ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư không tin vào mắt mình khi phát hiện trên "của quý" của bệnh nhân nam, 42 tuổi ở Hà Nội này có một con sán lá gan.
Người đàn ông này bỗng xuất hiện khối u nhỏ ở “của quý”, vợ tưởng chồng bị lậu đã đến Bệnh viện Phụ sản T.Ư khám và điều trị thuốc nhưng không khỏi.
Sau đó, đi khám tại phòng khám tư thì bệnh nhân được chẩn đoán u nang và chỉ định cắt đốt điện. Sau điều trị vẫn thấy ngứa, vướng, thành dương vật nổi cộm cứng dưới da.
Một người bạn mách nên đến khám tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư vì nghi có con gì ký sinh trong đó.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện có một vật dài 2cm, nhỏ mỏng dưới da ở gần bao quy đầu và chẩn đoán theo dõi ký sinh trùng dưới da. Sau đó, bệnh đã được phẫu thuật cắt khối u.
Phẫu tích khối u thấy có một ký sinh trùng dài khoảng 2 cm dẹt, đường kính 1mm màu vàng trong, phần đầu cắm chặt vào vật hang.
Mẫu vật được xác định là con sán dẹt có hình lá, màu hồng nhạt, hơi khô cứng, kích thước 18 mm x 1 mm x 5 mm, hình thể là sán lá gan nhỏ.
Đây là một loài sán lá gan nhỏ gây bệnh trên người hay gặp ở những người có thói quen ăn gỏi cá sống. Bình thường, bệnh hay gây tổn thương vùng gan và có thể gây ung thư gan.
Song với trường hợp người đàn ông này, sau khi ăn cá sống, sán lá gan vào cơ thể qua đường tiêu hóa và chu du xuống làm tổ ở "của quý". Đây là một ca bệnh rất hy hữu.
Giun đũa chó ẩn nấp trong não
Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị viêm não do ấu trùng giun từ món nem chua.
Theo người nhà bệnh nhân, sau nhiều ngày sốt, buồn nôn, đau đầu, bệnh nhân rơi vào trạng thái lơ mơ. Bệnh viện tỉnh nghi ngờ bị viêm não nên đưa bệnh nhân ra tuyến trung ương.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị viêm não do giun đũa chó. Người nhà của bệnh nhi mới nhớ ra trước khi bị ốm, bệnh nhân có ăn nem chua với rau sống.
Bác sĩ nghi ngờ ấu trùng của giun đũa chó có trong các thức ăn chưa được nấu chín đã theo đường ăn uống chui vào cơ thể rồi di trú ở não.
Giun bò loằng ngoằng dưới da
Các bác sĩ bệnh viện Da liễu T.Ư gần đây cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện khi thấy xuất hiện các đường gân lạ nổi lên ở cổ tay, cổ chân, lưng, bụng cùng với triệu chứng ngứa ngáy.
Các bệnh nhân khi đến khám bác sĩ đều rất hoảng hốt vì thấy có các hình lạ trên da và có thể thay đổi hình dáng lúc thẳng, lúc cong. Bác sĩ khám và kết luận các bệnh nhân đó bị chứng bệnh giun xoắn, một loại ấu trùng chui vào da qua vết thương hở.
Ấu trùng thường có trong phân chó, mèo, khi chất thải này ra ngoài môi trường, ấu trùng không chết mà lan tỏa trong đất. Nếu gặp người có da tay, da chân bị thương, chúng sẽ tự chui vào. Vùng dễ bị nhiễm ấu trùng nhất là bàn chân, bàn tay, vùng da dưới chân hoặc mông nếu có tiếp xúc trực tiếp với vùng đất ẩm.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là nổi mẩn, gây ngứa dưới da. Ấu trùng di chuyển đến đâu thì gây ngứa đến đó. Nếu người bệnh chú ý sẽ thấy rõ sự di chuyển của chúng.
Khi phát hiện bị nhiễm ấu trùng di chuyển, người bệnh chỉ cần uống thuốc giun là ấu trùng sẽ chết. Nhiều trường hợp ấu trùng sẽ tự bị cơ thể tiêu diệt và biến mất.
Cách phòng ngừa nhiễm giun sán tốt nhất
- Ai cũng có thể mắc bệnh giun sán, đặc biệt là trẻ em.
Giun có thể bị nhiễm qua:
Đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch.
Qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm.
Trẻ có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi đại tiện.
- Vì vậy cần:
+ Cắt đứt nguồn nhiễm, điều trị người nhiễm, tẩy giun định kỳ. Cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm).
+ Chống phát tán mầm bệnh, tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ. Quản lý chặt chẽ phân nước rác.
Mỗi gia đình cần có hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi. Không dùng phân tươi chưa ủ kỹ bón ruộng.
Không để ruồi nhặng bậu vào thức ăn. Không để chó, lợn, gà... tha phân gây ô nhiễm môi trường.
+ Không ăn uống chưa nấu chín, ôi thiu, cần rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước sạch.
+ Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất.
Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.