Đã xuất huyết dạ dày, vẫn cố "dô... dô"
Cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch vì ngộ độc rượu, do uống phải rượu pha methanol.
ThS.BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân là N.T.H (49 tuổi, ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 31/12/2015 trong tình trạng hôn mê sâu, nguy cơ tử vong cao, giãn đồng tử hai bên...
Kết quả xét nghiệm định lượng methanol máu cho thấy, máu bệnh nhân có hàm lượng methanol lên tới 107mg/dl.
Với tình trạng hôn mê sâu, giãn đồng tử hai bên, toan chuyển hóa nặng nề..., bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.
Theo người thân bệnh nhân, sau khi uống rất nhiều rượu, bệnh nhân rơi vào tình trạng mắt nhìn mờ dần rồi nhanh chóng rối loạn ý thức, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu rồi chuyển tiếp ra Bệnh viện Bạch Mai do ngộ độc quá nặng.
Các y, bác sĩ tại đây đã điều trị cho bệnh nhân bằng natribicarbonat 4,2% truyền tĩnh mạch, lọc máu liên tục... May mắn, sức khỏe bệnh nhân đã có dấu hiệu tiến triển.
Mới đây nhất, bệnh nhân Đ.V.H (trú tại Đông Hưng, Thái Bình) sau khi đi uống rượu về đã bị nôn ra máu. Người nhà vội đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày có dấu hiệu của ngộ độc rượu. Tuy nhiên, ngay sau đó bệnh nhân đã tử vong do viêm gan cấp, xuất huyết nội tạng.
Cũng theo gia đình bệnh nhân này, ông H nghiện rượu từ nhiều năm và có thói quen uống rượu hàng ngày.
Hôm bệnh nhân xuất huyết dạ dày, tiêu chảy, bệnh nhân vẫn uống rượu cả ngày hôm đó đến tối thì nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
Rước bệnh vào người vì dùng rượu "ngâm đủ thứ"
Theo TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, gần Tết Nguyên đán, ngộ độc rượu chính là mối lo lớn nhất. Đại diện Cục này dự báo, chắc chắn, số nạn nhân ngộ độc rượu trong dịp Tết sẽ gia tăng.
Còn ThS. BS Lương Quốc Chính cho biết, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên gặp những trường hợp bị ngộ độc rượu do uống rượu có chứa cồn methanol.
Bình thường, loại rượu duy nhất để uống có tên là rượu ethylic hoặc ethanol được sản xuất theo quy trình riêng, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm.
Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người đã cho cồn công nghiệp vào để nấu rượu, cồn có độc tính rất cao, được gọi là rượu methanol.
TS Nguyễn Hùng Long cho biết, tình trạng sản xuất, buôn bán rượu giả hiện còn phổ biến.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán rượu lậu, rượu giả với quy mô lớn.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt giữ hàng chục nghìn chai rượu vi phạm, trong đó có một “lò” sản xuất rượu thủ công ở quận Hà Đông (Hà Nội) sản xuất rượu bằng công thức “cồn pha với nước”, sử dụng nguyên liệu không rõ xuất xứ, vỏ chai cũng là vỏ “quay vòng”.
Trước đó, tháng 9/2015, cũng tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện một “lò” sản xuất rượu Chivas giả với công nghệ tinh vi, thu giữ hàng trăm chai rượu giả đã được đưa ra thị trường.
Cơ sở này thu mua vỏ chai Chivas cũ san chiết rượu giá rẻ vào, dán tem nhập khẩu và tung ra thị trường…
Cùng đó, trên thị trường, những loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng chưa được kiểm soát triệt để.
Tình trạng các loại rượu tự nấu, sản xuất thủ công có pha methanol (cồn công nghiệp) mang đi “bán dạo” vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội.
Mặt khác, xu hướng sử dụng rượu ngâm ngày càng phổ biến, dù đã được tuyên truyền rất nhiều song người dân vẫn có thói quen lùng mua các loại rễ cây, thảo mộc, động vật, côn trùng, nội tạng động vật… mang về ngâm rượu và sử dụng một cách tùy tiện, không theo hướng dẫn, chỉ định nào của thầy thuốc hay những người có chuyên môn.
Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong số các ca ngộ độc rượu vào cấp cứu dịp cuối năm thì gặp nhiều nhất là những bệnh nhân bị ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp (methanol).
Thông thường, trong các sản phẩm rượu, bia đều có chứa chất cồn ethanol nên nếu lạm dụng, uống quá nhiều sẽ gây ngộ độc, nhưng nếu không may sử dụng phải rượu chứa methanol thì mức độ ngộ độc còn nguy hiểm hơn nhiều, có thể gây hôn mê, tụt huyết áp, mù mắt, trụy mạch, chết người.
Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tinh thần (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều nơi sản xuất rượu tại Việt Nam dùng men không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, còn với rượu ngoại trên thị trường, phần lớn giả nhiều hơn thật.
Tuy nhiên, người uống lại không biết điều đó. Uống rượu giả gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Nó không chỉ nhiễm độc cho hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng tới tất cả cơ quan, bộ phận cơ thể. Nếu độc tính có trong rượu giả quá cao, có thể gây tử vong ngay lập tức.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết, người dân khi chọn mua và sử dụng rượu, cần hết sức chú ý để tránh mua phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị…
ThS.BS Lương Quốc Chính cho biết, khi uống rượu, gặp các triệu chứng sau cần nghĩ ngay đến ngộ độc methanol:
- Có thể đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi.
- Tiêu hoá: Biểu hiện sớm, viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp, biểu hiện đau thượng vị, nôn, ỉa chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.
- Các di chứng thần kinh: Hội chứng Parkinson, thiếu hụt nhận thức, viêm tủy cắt ngang và giả liệt vận nhãn.