Không ngủ chung với chồng, vẫn phải đi đốt sùi mào gà suốt 13 năm

Lệ Nam |

54 tuổi bà còn lầm lũi đến phòng khám laser của bệnh viện để đốt laser trị sùi mào gà. Bà không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu mình đi đốt sùi mào gà.

13 năm sống chung với sùi mào gà

Đến chờ đốt sùi mào gà tại Khoa Laser thẩm mỹ của Bệnh viện Da liễu Trung ương bà Trần Thị Nga trú tại Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội cảm thấy sốt ruột và bà chỉ còn biết thở dài. Gặp gỡ những bệnh nhân ở đây, bà Nga như trút bầu tâm sự.

Vợ chồng bà Nga trước đây sống bằng nghề đi buôn bán. Hàng ngày ông bà lấy hàng rau, quả rồi mang vào nội thành bán. Nhưng từ lâu bà chỉ ở nhà sống bằng tiền cho thuê nhà.

Bà Nga kể chồng bà từ khi có tiền do bồi thường ruộng đất của ông bà, ông sinh ra đổ đốn. Ông đi cặp với gái trẻ. Cặp bồ cũng chẳng sao vì bà nghĩ đàn ông ai chẳng thế nhưng điều đau khổ nhất là ông mang bệnh về cho vợ.

Chỉ vào tờ giấy chỉ định đốt laser ở âm đạo và hậu môn, bà Nga như muốn khóc: “Hơn mười năm nay cô đi đốt không biết bao nhiều lần. Chồng hư hỏng vợ khổ cả đời là thế”.

Bà Nga cho biết chồng bà cũng bị nhưng đốt rồi và không bị tái phát trong khi bà thì bị tái phát liên tục. Dù đã lâu không ngủ chung dường nhưng bà cũng bị sùi mào gà nó hành cho khốn khổ.

Cùng cảnh ngộ với bà Nga, chị Nguyễn Thị Yến đến từ Hà Tĩnh cũng nhăn nhó khi nói đến sùi mào gà.

Ban đầu chị còn xấu hổ không muốn nhắc tới nhưng khi nghe bà Nga chia sẻ, chị Yến cũng tâm sự chị bị sùi mào gà từ lúc mang bầu con thứ hai và đến nay nó vẫn tái phát. Dù đã chấm thuốc ở tỉnh nhưng không đỡ.

Lần này, chị Yến đi tận ra Hà Nội chữa. Vừa ký vào bản cam kết đốt laser chị Yến như muốn khóc vì chồng hư hỏng mà chị phải chịu hậu quả.

Những nốt sùi cứ điều trị vài tháng sau lại tái phát. Chị Yến như phát điên lên khi nhắc tới chồng. Anh làm nghề lái xe, cơm chợ, vợ đường không tránh được nhưng mang bệnh về nhà cho vợ chị uất ức không nói nên lời.

Sùi mào gà ở phụ nữ rất khó điều trị

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thanh Nho – nguyên bác sĩ khoa Da liễu Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết đối với phụ nữ bị sùi mào gà họ khổ vô cùng. Đốt sùi mào gà ở phụ nữ cũng rất khó và đau.

Nhiều khi sùi mào gà ăn sâu vào tận âm đạo, các bác sĩ phải thử thuốc tê và gây tê tại chỗ để đốt cho chị em. Tuy nhiên, nhiều người sau khi đốt sùi mào gà về họ trở nên lãnh cảm vì sợ, vì đau đớn và mặc cảm bệnh xã hội.

Đến nay, đa số chị em bị sùi mào gà chủ yếu là “sản phẩm” chồng đi ăn chơi mang về. Ở họ mỗi người một hoàn cảnh khác nhau.

Bác sĩ Nho ấn tượng nhất là trường hợp một phụ nữ là tiến sĩ hẳn hoi nhưng chồng lại là kẻ thất phu. Anh ta chỉ ăn chơi và gây tai họa và việc đưa sùi mào gà về lây cho vợ là điều khiến chị vợ đau đớn nhất.

Xấu hổ, chị vợ này không dám đi khám ở đâu đến khi vào bệnh viện da liễu nhìn ổ sùi khủng khiếp bác sĩ cũng sợ chẳng dám đốt nên giới thiệu bệnh nhân tới chỗ bác sĩ Nho.

Bác sĩ phải gây tê và đốt từng tý một, đốt làm mấy lần mới hết. Cảm giác những tia laser chiếu xèo xèo nhưng đốt mỡ thịt khiến bác sĩ cũng ghê người.

Bác sĩ Nho kể khi đốt ở sâu trong âm đạo, bác sĩ phải tỉ mỉ tìm từng nốt sùi một làm thế nào để sạch hết cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nho bệnh sùi mào gà có đặc điểm rất dễ tái phát và khó trị tận gốc.

Có những biện pháp chữa trị bệnh sùi mào gà ở phụ nữ cơ bản như :

- Điều trị bằng tia laser cacbon

- Điều trị bằng phương pháp đốt điện, đốt sùi

- Phương pháp đông lạnh kết hợp với sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ...

Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chỉ giúp bệnh nh ân loại bỏ được các sùi mào gà tức thời chứ không thể tiêu diệt được các virus bên trong cơ thể.

Sùi mào gà có nguy cơ tái phát bất kì lúc nào, vì vậy các bệnh nhân phải quyết tâm chữa trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để chữa dứt điểm được bệnh sùi mào gà.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại