Tại tọa đàm về xóa bỏ bạo lực, quấy rối tình dục do Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tổ chức tại TPHCM, chương trình đã chiếu bộ phim tư liệu Đừng khóc một mình (Don’t cry alone) về những trường hợp có thật bị xâm hại tình dục trong gia đình, nhà trường, nơi công cộng…
Trong đó, đáng chú ý là câu chuyện của một phụ nữ bị chồng xâm hại tình dục, người chồng này còn có thói quen mở phim sex ngay trong nhà để xem.
Bé trai trong gia đình cứ đi qua đi lại xem và cho đến một ngày em cũng bắt chước cha tự mở phim như thế để xem.
Ng.H chia sẻ câu chuyện về một người bạn thân của mình: “Anh ấy là một diễn viên nghiệp dư, rất có tài và được mời đóng vai chính trong một bộ phim truyền hình.
Phim đã quay được vài tập thì hôm đó đạo diễn gọi anh vào phòng nói chuyện riêng, đề cập thẳng rằng, nếu anh chịu “lên giường” với đạo diễn thì sẽ tiếp tục được đóng phim.
Anh kiên quyết từ chối, kết quả là anh bị sa thải và bộ phim phải tìm diễn viên khác thay thế”.
H.T cho biết, em thường xuyên đi bơi và tại phòng thay đồ, phòng tắm dành cho nam, em chứng kiến không ít cảnh các anh lớn đụng chạm nhau hoặc đụng chạm các em nam nhỏ hơn.
H.T rất sợ mình cũng bị như vậy nên mỗi lần bơi đều cố gắng thay đồ thật nhanh, thậm chí không dám tắm tráng sau khi bơi xong mà mặc trùm áo thun ra ngoài đồ bơi rồi đi về luôn.
H.T kể: “Bạn em cũng đã từng bị đụng chạm như thế, bạn ý phản kháng lại thì ngay lập tức bị những anh lớn kia quây lại “dằn mặt”, nói là chỉ giỡn thôi, đâu làm gì mà dữ vậy, nhưng thật sự em thấy cái đó không phải là giỡn chơi”.
Một trường hợp khác, anh Th.T tâm sự, do tính tình anh khá vui vẻ, bạo dạn nên thường xuyên bị các nữ đồng nghiệp quàng tay, bá vai, thậm chí có người không ngần ngại bày tỏ tình cảm kèm theo những động tác quyến rũ cho dù anh đã tỏ thái độ không thích.
Anh băn khoăn không biết những hành vi đó có được coi là quấy rối tình dục hay chỉ là trêu chọc vui vẻ nơi công sở.
Theo hồ sơ ghi nhận các trường hợp quấy rối nơi công sở của Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC), Mỹ, số vụ nam giới bị phụ nữ quấy rối tình dục chiếm 16% trong tổng số các vụ quấy rối. Tỷ lệ này tăng gấp đôi từ năm 1990 – 2007.
Ở Việt Nam, các cuộc khảo sát nhanh chóng cho kết quả tương tự. Theo các chuyên gia, các nạn nhân nam thường giấu kín việc mình bị quấy rối nên thủ phạm càng lấn tới.
Các anh không dám thú nhận vì sợ bị người khác nghi ngờ ngược trở lại.
Nỗi mặc cảm là phái mạnh mà lại để phụ nữ tấn công càng khiến họ không dám để ai biết chuyện. Các hình thức nữ quấy rối tình dục nam cũng tương tự như nam quấy rối nữ.
Ngoài những hành vi vô tình va chạm cơ thể, vùng nhạy cảm, nạn nhân còn bị tra tấn bằng tin nhắn điện thoại, ngôn từ kích dục…
Thực tế, các nạn nhân im lặng bởi họ không hiểu rõ hành vi nào là quấy rối tình dục để tố cáo. 80% nạn nhân không hiểu thế nào là hành vi quấy rối tình dục.
Vì thế, từ khi xuất hiện hiện tượng quấy rối tình dục cho đến nay, gần như không có trường hợp nào làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng. Trong khi đó, tại các trường học, vấn đề tế nhị này cũng hầu như không được nhắc tới.
Bà Marie Watson, người sáng lập tổ chức Home of Hope (tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em và phụ nữ bị xâm hại tình dục trên thế giới) cho biết, tại các nước phương Tây mặc dù không có một chương trình nào dạy riêng biệt về xâm hại tình dục nhưng trong mỗi môn học hay các chương trình giáo dục đều tăng cường giúp các em hiểu biết thêm về vấn đề này.
Bà tâm sự: “Tôi có ba con trai và tôi dành rất nhiều thời gian để dạy cho con tôi về vấn đề xâm hại tình dục, một mặt dạy con không đụng vào người khác, mặt khác con cũng không để người khác đụng vào mình.
Từ ba tuổi bạn nên dạy con về những điều này bởi đó là tuổi con bắt đầu đến trường, rời xa cha mẹ. Khi con nhận thức đúng thì con sẽ làm điều đúng, không để người ta quấy rối và cũng không quấy rối người khác”.