Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội, mọi người lại truyền tay nhau clip vụ công an Đăk Lắc đột kích bắt tận nơi hai cơ sở thu mua sầu riêng nhúng hóa chất.
Mặc dù vụ việc này đã được phát hiện và bắt giữ từ cách đây 2 tháng nhưng cho đến nay, thông tin chính thức về loại hóa chất được nhúng cho sầu riêng do đơn vị nào sản xuất, việc xử phạt cũng như cấm lưu hành sử dụng ra sao vẫn chưa được công bố.
Hé lộ về thuốc cực độc được dùng cho sầu riêng
Theo tiết lộ của chính người nông dân, đồng thời là thương lái thì loại hóa chất được nhúng cho sầu riêng nhanh chín có tên Tebuconazole và Carbendazim.
Đây là loại hóa chất diệt nấm, thuộc nhóm cực độc, phân hủy chậm và có khả năng gây vô sinh, quái thai hay ung thư.
Tebuconazole đã bị Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ đưa vào danh sách chất gây ung thư thuộc nhóm độc và đã bị loại khỏi thị trường Châu Âu.
Một loại hóa chất làm chín sầu riêng khác được thương lái thường xuyên sử dụng là dung dịch được pha từ loại phân bón lá có tên HPC-97 HXN do Công ty TNHH Sinh học HPH sản xuất, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết, HPC-97 HXN nằm trong danh mục phân bón được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm kích thích trái chín, đẩy nhanh sự ra hoa, giúp làm rụng lá cho cây họ đậu...
Tuy nhiên nhà sản xuất cũng như cơ quan quản lý cũng khuyến cáo người tiêu dùng là phải sử dụng trong liều lượng cho phép thì mới không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Điều đáng nói là, với liều lượng cho phép theo khuyến cáo thì chỉ có thể làm chín các loại trái cây sắp chín, còn loại trái cây còn non thì không thể làm chín nổi.
Trong khi, sầu riêng thường được thương lái thu mua cả vườn, hái toàn bộ sầu riêng, kể cả những trái còn non. Do vậy, để thúc chín các loại trái non này, buộc thương lái phải dùng HPC-97 HXN với lượng đậm đặc thì mới có kết quả.
Thường thì người nông dân hay thương lái họ thường không ý thức được tính nguy hiểm ở "chỉ số" ghi trên bao bì.
Bởi thực tế thì, mấy ai để ý đến chỉ số và liều lượng trên nhãn mác. Họ chỉ biết "đây là thuốc được phép dùng để làm chín trái cây, mình sẽ pha thế nào để trái cây chín được là được".
Nông dân phải hiểu biết như nhà khoa học để sử dụng hóa chất?
Khi tình trạng rau quả bị tẩm hóa chất, người ta chỉ đổ lỗi cho nông dân và thương lái mà không thấy rằng, việc sản xuất và lưu hành tràn lan các loại hóa chất độc hại trong các chế phẩm dùng trong nông nghiệp chính là sự tiếp tay cho việc đầu độc con người.
Theo các chuyên gia, dung dịch HPC-97 HXN Trái chín - có chứa hoạt chất ethephon (hay còn gọi là ethrel (2-CEPA)- không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng theo Thông tư số 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22/2/2012 của Bộ NNPTNT.
Nhưng hoạt chất ethephon lại được phép sản xuất dưới dạng phân bón với công dụng là kích thích cao su ra mủ, kích thích nhãn, vải, xoài, thanh long… ra hoa.
Sau khi biết hoạt chất này có tác dụng sản sinh khí etylen xúc tiến trái cây chín nhanh, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất dưới dạng phân bón, nhưng ngầm hiểu với người sử dụng là ép chín trái cây.
Nếu dùng quá liều lượng, chất này sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mắt, da, phổi, trí nhớ hoặc gây thiếu oxy
Trái cây tẩm hóa chất là một trong những loại thực phẩm cực độc, là nguyên nhân hàng đầu gây nên căn bệnh ung thư.
Các loại rau, củ… có thể được nấu chín qua nước sôi, giải phóng phần nào các loại hóa chất tồn dư thì trái cây lại ăn tươi nên chất độc đi thẳng trực tiếp vào cơ thể. Do vậy khả năng gây bệnh từ loại trái cây này là rất lớn.
Giảng viên Vũ Văn Tiến (Trường ĐH Hồng Đức - TP. HCM) từng phát biểu trên báo chí: "Ở Việt Nam hiện nay, ethrel là hóa chất dùng để làm chín trái cây nhưng chỉ được sử dụng với hàm lượng rất nhỏ.
Hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3. Hàm lượng này thường chỉ có người trong giới khoa học biết được.
Còn người nông dân hay thương lái, họ chỉ biết sử dụng cốt để làm cho quả chín mà không hề biết hoặc không quan tâm đến hàm lượng này.
Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất vào hoa quả này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn.
Nguy hiểm hơn, ethrel tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat - một chất rất độc khi vào cơ thể của con người"
Cách nhận biết sầu riêng nhúng hóa chất
- Nhìn gai và cuống: Sầu riêng chín ép bằng thuốc thì lớp gai trên bề mặt có màu xanh, mật độ dày, phần cuống mềm nhũn, hơi ngả sang màu thâm.
Với sầu riêng chín cây thì gai và cuống trông tươi mới, màu hơi ngả vàng. Gai sầu riêng chín cây nở to đều, cứng chắc và ít nhọn. Khi bóp 2 gai gần nhau lại với nhau, quả non thì gai sẽ mềm, quả già thì gai cứng.
Cuống của sầu riêng chín cây khi dùng ngón tay ấn nhẹ vào có cảm giác cuống ướt (chính là phần nhựa vẫn còn lại trong cuống), cuống đó vẫn còn tươi.
Còn sầu riêng nhúng thuốc, khi ấn vào cuống có cảm giác khô vì cuống đã héo và bị mất hết nhựa. Cũng có loại nhúng thuốc, vì để lâu nên cuống đã thối, hoặc đã rụng.
- Nhìn múi: Với sầu riêng chín tự nhiên, bạn sẽ dễ dàng tách rời được các múi, các mùi màu vàng óng, béo ngậy và cơm sầu riêng rất dẻo mịn.
Ngược lại, sầu riêng chín ép bằng hóa chất rất khó để tách múi, múi màu vàng nhợt, ăn rất nhạt, đồng thời cơm cũng bị sượng hơn.
- Ngửi mùi vị: Sầu riêng bị ngâm hóa chất, khi chín không có mùi thơm nồng đặc trưng, đôi khi không có mùi. Trái sầu riêng chín cây tự nhiên thì có hương thơm lừng, đi từ xa vẫn có thể ngửi thấy được.
Ngoài ra, với những quả có khe nứt, khi ấn tay vào, bạn thấy thịt quả cứng như đá và tay sẽ có màu vàng như vừa sờ vào thuốc nhuộm thì không nên mua. Đó thường là những quả còn non hoặc bị sượng.