Hỏi: Là người hiểu rõ các nguồn cơn gây ra bệnh ung thư, trong đó có việc ăn uống độc hại gây ra như thế nào.
Bà đã và đang làm gì để bảo vệ chính những người thân trong gia đình khỏi mắc ung thư từ việc ăn uống? Chẳng hạn: Bà mua ngoài chợ không hay mua rau quê, thịt lợn thì lấy từ nguồn nào? (Thu An - Bình Địnhh)
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Tôi vẫn mua rau ở ngoài chợ nhưng mua của người quen và họ bán thường xuyên mà mình biết gia đình họ tự trồng, không dùng hóa chất, mùa nào thức ấy.
Bạn cũng có thể mua rau, thịt, cá, cua, hải sản ở các cửa hàng rau sạch mà có đăng ký giấy phép. Ví dụ như: Các cửa hàng rau sạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thịt cũng có thể mua ở người quen ngoài chợ và tốt nhất là nên mua ở một địa chỉ nhưng tôi khuyên, trước khi chế biến, bạn nên luộc qua thịt, sườn một nước rồi đổ bỏ đi, rửa lại rồi mới chế biến theo món của mình.
Hỏi: Theo bà có nên ăn những quả táo để cả tháng không hỏng? Mức độ nguy hiểm của những quả táo này đối với sức khỏe như thế nào? (Đức Trường - Hải Dương)
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Tùy theo công nghệ bảo quản, có công nghệ bảo quản tốt như của Úc, Mỹ, Nhật… như bảo quản bằng màng sinh học hoặc chiếu xạ mà vẫn bảo quản được lâu và an toàn về mặt sức khỏe.
Nên chúng ta chọn theo nguồn gốc của sản phẩm tốt thì vẫn an toàn.
Lời khuyên cho người dùng là: Cần mua thực phẩm, hoa quả ở địa chỉ tin cậy và biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó.
Nhưng nếu quả táo đó được bảo quản không đúng cách như bị tẩm ướp hóa chất độc hại thì lại có nguy cơ không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên như: Suy giảm chức năng gan, thận, gây lão hóa tế bào, tăng nguy cơ gây ung thư.
Hỏi: Hiện nay tôi được biết trên thị trường có bán máy đo an toàn thực phẩm Soeks, đo nồng độ natri trong rau quả thịt.
Xin cho hỏi mức độ tin tưởng của máy này đối với thị trường VN và bà còn biết loại máy đo an toàn nào nữa không? Xin cảm ơn! (Độc giả)
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Cái này bạn có thể hỏi Viện Kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm Quốc gia, Cục Thực phẩm xem máy đó có chính xác không.