Có lẽ ai cũng đã một lần bị hoa mắt chóng mặt, cảm thấy choáng váng. Khi bị hoa mắt, chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống thường khiến nhiều người nghĩ mình bị bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, hoa mắt, chóng mặt còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm như: bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, các rối loạn về tâm lý…
Choáng váng thường được sử dụng để mô tả cảm giác xây xẩm hoặc mất thăng bằng. Còn chóng mặt là một ảo giác người bệnh thấy đồ vật xung quanh xoay tròn hoặc có cảm giác bản thân bị xoay tròn, người bị mất thăng bằng, buồn nôn và nôn uể oải, mệt lả...
Hay gặp nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, không nghiêm trọng lắm nếu không làm chúng ta bị té ngã.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây nên triệu chứng hoa mắt chóng mặt:
* Nhóm do bệnh về máu và tim mạch (như thiếu máu não, bệnh tim mạch...).
* Nhóm do bệnh thần kinh: nhóm này ngoài các triệu chứng hoa mắt chóng mặt còn có các triệu chứng khác như ù tai, rung giật nhãn cầu...
Hai triệu chứng, hơn 10 bệnh lý
Về phương diện y khoa, hoa mắt và chóng mặt là hai triệu chứng hoàn toàn riêng biệt. Hoa mắt là cảm giác xây xẩm, tối sầm mắt lại, xuất hiện khi ta thay đổi tư thế, ví dụ như từ nằm chuyển sang ngồi, hoặc từ ngồi chuyển sang đứng dậy. Triệu chứng này kéo dài từ vài giây cho đến vài phút.
Chóng mặt được mô tả là khi ta cảm thấy đồ vật xoay tròn xung quanh mình theo nhiều hướng hoặc ngược lại.
Triệu chứng này xuất hiện khi có sự thay đổi tư thế hoặc xoay đầu. Nó kéo dài trong vài giây, hoặc có thể kéo dài trong nhiều giờ liên tục làm người bệnh phải nằm yên một chỗ. Trong những trường hợp nặng, người bệnh sẽ có thêm biểu hiện buồn nôn và ói mửa.
Mỗi triệu chứng sẽ biểu hiện cho những bệnh lý khác nhau. Hoa mắt xuất hiện do có sự suy giảm lưu lượng máu lên não bộ một cách tạm thời - đột ngột hoặc kéo dài.
Triệu chứng này là dấu hiệu nhận biết của các bệnh lý như thiếu máu; các bệnh lý của tim (suy tim, hẹp hở van động mạch chủ, hẹp động mạch chủ, rối loạn nhịp tim…); các bệnh lý mạch máu (chứng xơ vữa mạch máu hoặc viêm mạch gây hẹp mạch ở động mạch cảnh trong, hệ mạch máu cột sống thân nền...); bệnh tăng huyết áp, hoặc tình trạng tụt huyết áp.
Ngoài ra, khi bị cảm cúm, suy nhược thần kinh, stress… dẫn tới tình trạng suy giảm lưu lượng máu lên não (khi thay đổi tư thế) cũng gây ra triệu chứng hoa mắt.
Chóng mặt là biểu hiện bất thường của hệ tiền đình. Đây là hệ thống cảm nhận sự thăng bằng của cơ thể, cũng như nhận biết vị trí đầu trong không gian. Khi có sự rối loạn hoạt động của hệ tiền đình, não bộ sẽ không nhận biết được tư thế của đầu, dẫn đến tình trạng chóng mặt.
Bất thường này gặp trong các bệnh lý như: rối loạn hoạt động tiền đình (chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm tiền đình ốc tai, bệnh Meniere…), suy giảm tưới máu lên cơ quan tiền đình (viêm hoặc xơ vữa hệ tuần hoàn sau của não), bệnh đột quỵ, tác dụng phụ của một số loại thuốc…
Hoa mắt và chóng mặt đều có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ví dụ như bệnh thiếu máu có thể gặp ở thanh thiếu niên cũng như ở người lớn tuổi; bệnh hẹp động mạch cột sống thân nền gặp ở người trung niên và già…
Nếu các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hết, thỉnh thoảng có lặp lại nhưng xuất hiện ngắn thì thường là lành tính. Bạn chỉ cần tăng cường nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Tuy nhiên, khi các triệu chứng trên xuất hiện kéo dài, từ 30 phút trở lên, thì thường gắn liền với các bệnh lý quan trọng, ví dụ như thiếu máu mạn, tình trạng xơ vữa nặng của mạch máu…
Những điều cần tránh
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm đứng nhanh dậy hay xoay nhanh sang hai bên.
- Tránh xoay đầu quá mức như cúi xuống hay ngửa lên hoặc xoay đầu.
- Tránh các chất có thể làm thay đổi tuần hoàn não như cà phê, thuốc lá, ăn mặn, ăn kiêng ...
- Tránh các yếu tố nguy cơ như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng.
- Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao.