Hiểm họa khôn lường từ rau muống bẩn

Người dân vùng trồng rau: “Rau muống bẩn trồng ở nghĩa địa đã xuất hiện hàng chục năm nay chứ không phải là mới. Chúng tôi không ăn loại rau này."

Hiểm họa khôn lường từ rau muống bẩn

Rau muống được trồng trong dòng nước ô nhiễm. Hàng ngày, hàng trăm thuyền chở đầy rau đưa ra thị trường tiêu thụ (ảnh nhỏ).

Giữa mộ xen… rau!

Lọt thỏm giữa các khu đô thị sầm uất là những ruộng rau muống được trồng bên cạnh khu nghĩa trang ở cuối ngõ đường Trung Kính, quận Cầu Giấy. Ở đây, khu mộ của nghĩa trang đã quá tải, người ta phải chôn cất người quá cố lùi dần ra phía ruộng. Có những huyệt mộ được đào ngay giữa ruộng rau muống. Người trồng rau tận dụng tối đa từng phân đất. Trên cánh đồng rau thành ra hai cảnh: Người bì bõm lội nước thắp hương cho người quá cố, người hí húi hái rau muống mang ra chợ bán.

Chạy dọc trục đường Hoàng Như Tiếp, huyện Gia Lâm, khu ruộng chuyên canh rau muống – vựa rau chính cung cấp cho chợ Gia Lâm, trải dài ngút ngát tầm mắt. Trên bờ ruộng rau ngổn ngang vô số loại vỏ thuốc bảo vệ thực vật “hạng nặng” với những cái tên như: Apphe.666, Anvado 100Wp, Nimaxon 200SL, Amico, Catex 1.8Ec… Tất cả các loại thuốc trên đều có công dụng trừ sâu với những dòng khuyến cáo in đậm trên bao bì “cực độc”, “cực mạnh”, “độc cao”… với thời gian cách ly trước khi thu hoạch tối thiểu 7-15 ngày.

Thế nhưng, khi PV hỏi những người trồng rau, họ chối rằng ruộng rau nhà mình là… rau sạch. PV chỉ về những lọ thuốc trừ sâu vẫn còn vứt đầy ở bờ ruộng, người trồng rau lại tìm cách chống chế. Chị Hà, chủ một ruộng rau nói: “Loại thuốc này không độc, chúng chỉ cho tác dụng trừ sâu, không ảnh hưởng đến người. Chúng tôi trồng rau đến cả mẫu thế này thì phải dùng thuốc thôi, chứ làm sao bắt sâu thủ công được. Mà phun xong dăm ba ngày sau mưa gió, thuốc phai hết là thu hoạch. Độc hại gì nữa”.

Dọc tuyến sông Đáy đoạn chảy qua khu vực quận Hà Đông - con sông từ lâu các cơ quan chức năng đã đề cập đến việc nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi mùa cạn đến, lòng sông là nơi không thể tuyệt hơn để người nông dân tận dụng trồng rau muống.

Không thể thống kê cụ thể có bao nhiêu hộ trồng rau cũng như số lượng rau có từ nguồn nước ô nhiễm này hàng ngày xuất ra thị trường. Tuy vậy điều chắc chắn là, phần lớn các hộ dân sống bằng nghề trồng và hái rau muống bè dọc hai bên dòng sông Đáy đoạn qua cầu Mai Lĩnh thuộc hai phường Đồng Mai và Biên Giang chỉ cần bỏ một chút công sức để căng dây, kéo bè cho rau mọc, không cần chăm sóc, bón phân mà rau vẫn cứ xanh tốt. Ở đây, không có thuốc trừ sâu như ở huyện Gia Lâm nhưng rau lại được “nuôi” bằng một thứ nước đen ngòm, hôi thối.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở phường Biên Giang, người có 4 bè rau muống như thế cho biết: “Ai căng được bè từng nào thì trồng từng đấy. Chẳng ai cấm. Ở đây không ai dùng thuốc tăng trọng hay trừ sâu gì gì đó đấy nhé. Rau sạch 100%”. Cứ vài ngày sau khi hái, rau muống lại mọc mầm và phát triển tua tủa. Mỗi tháng thu được hai lứa, bỏ rẻ cũng được 4-5 triệu.

Dọc theo dòng chảy của con sông này hơn 2km, chỉ bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy rác thải và các loài động vật chết nổi lình phình bên cạnh những ruộng rau muống. Chưa hết, hai bên sông không biết cơ man nào là rãnh, cống chứa nước, rác thải của người dân đổ thẳng trực tiếp xuống sông. Nước sông Đáy nhiều khúc màu xanh đen, có đoạn chuyển hẳn sang màu đen, có váng, cặn lắng và có mùi tanh hôi, đủ cho thấy mức độ ô nhiễm trên tầng nước mặt của nhiều đoạn sông mà người dân sử dụng để trồng và tưới lên các bè rau muống thả trên sông lớn đến mức nào.

Hiểm họa khôn lường

Không khó để  tìm ra con đường phát tán của rau bẩn. Hầu hết người dân có các bè rau muống trên sông Đáy đoạn chảy qua Hà Đông được nhập cho các lái buôn đem đi đổ mối tại các chợ nông sản lớn ở Hà Nội như chợ Long Biên (Long Biên), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)…

Thậm chí không những đem đi đổ mối mà những “vựa” cung cấp rau muống sông còn cung cấp một lượng lớn rau cho các chợ nông sản của những huyện ngoại thành như chợ Vồi (Thường Tín), chợ Nghệ (Sơn Tây), chợ Chiều (Chương Mỹ) và các chợ tạm khắp hang cùng ngõ hẻm Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có các nguồn thải chính gồm 8 khu công nghiệp và cụm công nghiệp (KCN và CCN) với trên 157 dự án và cơ sở đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài KCN và CCN, 358 làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng; nước thải của các cơ sở y tế; nước thải của các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ; nước thải từ nông nghiệp; nước thải từ các hoạt động giao thông thủy... chưa được thu gom, xử lý.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho thấy mức độ ô nhiễm sông Đáy qua khu vực Mai Lĩnh, Hà Đông, Hà Nội với hàm lượng khuẩn coliform vượt từ 38,9 - 51,86 lần, NH4+ vượt từ 4,2 - 8,4 lần, còn tại khu vực Cửa Đáy (Ninh Bình), hàm lượng coliform vượt từ 3,36 - 4,5 lần, NH4+< 0,1 lần.

Độc hại là thế, rau muống bẩn vẫn chạy hàng dù Trung tâm Quan trắc Môi trường có nhiều lần cảnh báo. Người dân vẫn thoải mái ăn rau mà không biết được mình đang bị đầu độc!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại