Câu chuyện 2 nền nông nghiệp
Câu chuyện ăn uống và ung thư hiện là mối quan tâm hàng đầu của người Việt.
Là nhà khoa học luôn trăn trở với miếng cơm của người dân, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam chia sẻ, ông đã có hơn 1 tháng đi qua 4-5 bang của Mỹ, sống cùng người dân để xem họ ăn uống thế nào.
Theo GS Lân Dũng, cái đập vào mắt đầu tiên là thực phẩm của họ luôn được đảm bảo. Tất cả đều là siêu thị thực phẩm, có nơi rộng hàng nghìn m2, không có bóng dáng của chợ cóc nhỏ lẻ như Việt Nam.
GS Lân Dũng giật mình khi rau xanh thường xuyên được bón đạm và phun thuốc trừ sâu.
"Những thực phẩm chỉ hơi héo, dập, siêu thị lập tức nhặt dồn ra hành lang cho lên xe tải để bỏ đi. Có thể hơi lãng phí nhưng họ tôn trọng người tiêu dùng", GS Lân Dũng chia sẻ.
GS cũng cho biết, ông đã trực tiếp đến 1 nông trang lớn sản xuất hàng loạt và một trang trại nhỏ của một hộ gia đình để tận mục xem họ canh tác như nào và đã hết sức ngạc nhiên.
"Nông trang lớn nhưng họ không phải phun thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ.
Với cà chua, họ phủ tấm nhựa lên mặt luống, đục lỗ nhỏ để trồng cây, sau đó che kín nilon phía trên để lọc ánh sáng thích hợp, ngăn bướm xâm nhập. Chỉ khi thu hoạch họ mới bỏ ra", GS Lân Dũng kể.
Còn tại trang trại gia đình ở bang Georgia, tuyệt nhiên họ không bao giờ dùng phân đạm. Tất cả đều dùng phân ngựa ủ mục.
"Thấy vậy tôi mới giật mình khi ở ta thúc phân đạm nhiều quá. Đạm vào cây trở thành nitrit - yếu tố gây ung thư, chưa cần phun kích thích.
Cái này rất nguy hiểm. Giờ người Việt mình ung thư nhiều quá nhưng ít người nghĩ đến nitrit. Ở quê có người còn tưới đạm hôm trước, hôm sau đã thu hái luôn", GS Lân Dũng trăn trở.
Ông cũng ngạc nhiên khi trang trại nhỏ nhưng không dùng lưới, không dùng thuốc trừ sâu mà vẫn không có sâu. Khi thắc mắc thì ông được trả lời rằng do chọn những cây không thích hợp với sâu.
Theo GS Lân Dũng, việc chọn không hề dễ nhưng mới đây Trung Quốc cũng đưa rau rừng về trồng thành rau thiên nhiên.
Việt Nam cũng nên nghiên cứu, chọn ra loại rau rừng kháng sâu để biến nó thành đặc sản. Ngày xưa các chiến sĩ đã phát hiện ra rất nhiều rau rừng.
“Rau là cái quan trọng nhất. Cơm không rau như đau không thuốc. Rau là thứ phải ăn hàng ngày và không ai tiếc tiền để mua rau sạch.
Tôi tin nếu có đắt gấp đôi giá tiền hiện nay thì người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua nếu đảm bảo. Còn hiện nay, người dân không tin vào rau an toàn, rau hữu cơ", GS Lân Dũng nói.
Với bữa ăn hàng ngày của gia đình mình, GS cho biết hiện đang được cháu trai có trang trại ở huyện Đông Anh cấp rau sạch 1 tuần/lần.
Luống rau riêng vẫn... độc
Lý giải cho tình trạng người tiêu dùng mất niềm tin vào các sản phẩm rau sạch, GS Lân Dũng cho rằng vì người nông dân hiện nay chỉ nhận tiền tài trợ và chỉ hứa không được phun thuốc bao nhiêu ngày trước khi thu hoạch, còn lại vẫn phun.
Theo GS, nhiều người bảo nhà tôi ăn rau sạch vì trồng 2 luống rau, 1 luống ăn, 1 luống bán. Nhưng thực tế khi phun thuốc sâu vẫn tạt vào luống rau còn lại và vào người.
Dù có chia làm 2 luống rau thì khi phun, thuốc sâu vẫn tạt vào luống còn lại. Ảnh: Pháp luật
"Chỉ khi nào trồng rau trong nhà lưới hoặc trồng rau sâu không thích ăn - như rau chùm ngây gần đây thì mới có rau sạch được.
Nếu được góp ý với lãnh đạo, nhất thiết các thành phố phải hỗ trợ nông dân trồng rau trong nhà lưới, vì lưới không đắt, chắn được bướm, không làm nóng lên nhưng người tiêu dùng phải chấp nhận mua giá cao hơn một chút", GS Lân Dũng đề xuất.
Ngoài ra nông dân phải có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, làm theo hợp đồng. Khi vi phạm, cơ quan kiểm nghiệm phải xử nghiệm nghiêm.
Mỗi gia đình phải được cấp một mã vạch riêng, khi phân tích thấy thuốc trừ sâu, thấy nitrit thì ngoài công ty bị phạt, chủ gia đình đó cũng phải chịu trách nhiệm.
"Chuyện rau đã thế, chuyện chăn nuôi giờ cũng rất nóng. Nào là vàng ô, nào là chất tăng trưởng, tăng trọng, chất siêu nạc.
Người dân rất loay hoay, đụng đâu cũng thấy nhưng không thể tránh được.
Cái này tôi cho là sự thiếu trách nhiệm của người lãnh đạo", ông nói và chia sẻ thật rằng rất hiếm khi ông ăn hàng vỉa hè, ngoài hàng bún cạnh nhà vì biết rõ nguồn gốc.
GS Lân Dũng cho rằng, để có thịt sạch, rất đơn giản, cần có những thiết bị test nhanh trước khi đóng dấu thú y. Cái quan trọng nữa là phải tìm được đầu vào của các loại thuốc trên.
Việt Nam không làm được những thuốc đó mà chủ yếu qua đường biên mậu.
Khi kiểm tra chặt chẽ, phạt thật nặng thì sẽ không còn vì đây không chỉ là chuyện nhập lậu trái phép mà còn là chuyện ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
"Chúng ta phải nghĩ tới cái dài lâu. Tôi nghĩ sức khỏe phải quý hơn vàng, vàng mua được, sức khỏe không mua được.
Khi khỏe mạnh, người ta muốn rất nhiều thứ, nhưng khi ốm đau, người ta chỉ cần sức khoẻ. Mà với ung thư chỉ mong kéo dài cuộc sống. Giờ tỉ lệ mắc ung thư ở ta lớn quá", GS Lân Dũng nói