Mắt lác không còn lòng đen vì nhiễm giun đũa chó
Một bé trai 12 tuổi, mắt bỗng dưng bị lác hoàn toàn không còn nhìn thấy lòng đen. Ca bệnh hiếm gặp khiến cả Viện Mắt Trung ương và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đều “bó tay”.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó.
“Tôi đã thăm khám và điều trị nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó nhưng đây là trường hợp đặc biệt đáng ngại. Mắt bệnh nhân bị lác hoàn toàn, lòng đen gần như không nhìn thấy”, giáo sư Đề nói.
Cụ thể, theo vị bác sĩ này, bệnh nhân nhập viện mới đây là một bé trai (12 tuổi, quê huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Bệnh nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh liên quan đến mắt, không bị trúng gió.
Theo lời kể của gia đình, bé bắt đầu có dấu hiệu lác mắt khoảng 3-4 ngày trước khi gia đình cho đi thăm khám tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, bác sĩ không phát hiện ra bệnh.
Sau đó, bệnh nhân tiếp tục khám tại Viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhưng cũng bị “trả về” vì không tìm ra nguyên nhân.
“Cháu bé chỉ cố nhìn để định hướng đường khi cần rồi mắt lại bị lác như cũ. Nhìn bình thường mắt cháu hoàn toàn không còn lòng đen, rất thương.
Chúng tôi đã cho tiến hành cho xét nghiệm máu. Và kết quả, cháu dương tính với ký sinh trùng giun đũa chó”, bác sĩ Đề nói.
Sán lá gan đục ngực, đục gối bệnh nhân chu du khắp cơ thể
Đó là trường hợp bà N.T.H. (57 tuổi, ở Quảng Bình) với con sán lá gan lớn có kích thước 1x2cm, còn cử động khỏe...
Hoặc bệnh nhân L.T.H. (11 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) bị khối u ở gan, sau đó sưng to khớp gối và có con sán lá gan lớn chui ra từ khớp gối...
Theo GS.TS Đề, ngoài chuyện sán lá gan lớn dễ nhầm lẫn với u gan và ung thư gan, còn có những con sán lá gan lớn đục xuyên từ gan ra bên ngực, rồi chui vào tuyến vú gây bệnh cảnh giống như apxe vú (sưng, nóng, đỏ, đau) nhưng chọc dò hút mủ lại không có mủ.
Sau đó vài hôm, sán lá gan lớn tự chui ra ngoài qua lỗ chọc dò và bệnh nhân bắt được.
150 con giun làm tắc ruột bé trai 5 tuổi
Tối 23/10 vừa qua, cháu bé ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba ở Đồng Hới.
Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tắc ruột nghi do giun và phải mổ cấp cứu. Bác sĩ phát hiện một búi giun to, đếm đến gần 150 con trong ruột cháu bé.
Theo các bác sĩ, lâu lắm rồi bệnh viện mới gặp một trường hợp tắc ruột do giun với số lượng lớn như vậy. Mẹ bé cho biết vì hoàn cảnh gia đình và nhận thức hạn chế nên từ khi sinh ra đến nay cháu chưa được đi khám, tẩy giun lần nào.
Sán ký sinh, ăn ruỗng phổi người
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sán phổi. Có những trường hợp ho lâu ngày, ho ra máu chỉ đi điều trị lao nên khi đến viện, những con sán đã ăn rỗng hết cả phổi.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn D. là điển hình. Ông D. nhập viện trong tình trạng ho nhiều, ho ra máu kèm theo đờm. Có lần, ông ho ra cả cục máu tươi đỏ hỏn, có lúc máu màu đỏ rỉ sắt.
Ông D. đi khám ở bệnh viện lao phổi, bác sĩ nghi ngờ ông bị sán phổi vì chụp phim thấy phổi bị tổn thương
Ông D. được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tại đây, các bác sĩ làm xét nghiệm đờm và dịch màng phổi phát hiện ông D. bị sán lá phổi.
Cả ổ sán nằm trong phổi ăn rỗng cả phổi khiến phối bị tổn thương gây ho ra máu và thi thoảng có triệu chứng sốt.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ đã soi đờm phát hiện rất nhiều trứng sán trong đờm và màng dịch phổi.
Ông D. cho biết ông không ăn đồ sống, gỏi. Cách đây một thời gian, ông D đi công tác ở Ngổ Luông, Hòa Bình được bà con ở đây mời ăn món cua suối nướng. Khoảng 3 tuần sau, ông bắt đầu bị ho và xuất hiện ho ra máu.
Giun lươn bò lúc nhúc dưới da người
Ngày 15/7 vừa qua, Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng – Trung Ương (Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nghi bị mắc bệnh “giun lươn” với những biểu hiện như nổi đỏ, có ký sinh trùng bò lổm ngổm dưới lớp da bàn tay phải.
Trao đổi với báo chí, Ths.BS Trần Huy Thọ (Trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành, Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung Ương) cho biết:
“Bệnh nhân này nhập viện lúc trong tình trạng xuất hiện những đường ngoằn nghoèo dưới mu bàn tay phải, xung quanh ngón tay út bị nổi mần đỏ.
Với những biểu hiện này, chúng tôi tiến hành xét nghiệm huyết thanh ELISA, dịch phân của bệnh nhân để có phác đồ điều trị phù hợp”.
Bà T. cho biết: "Cách đó khoảng 4 – 5 ngày, tôi có ra đồng nhổ mấy khóm lạc ở ruộng nhưng do chủ quan không đeo gang tay".
Ban đầu, thấy bàn tay mình có những biểu hiện lạ như thế, bà T. cũng chỉ nghĩ là vết nổi mụn bình thường rồi sẽ tự lặn ít ngày nữa nên chỉ ngâm nước muối.
Chỉ đến khi lên Hà Nội thăm con trai và cháu thì các con bà nhìn thấy bàn tay mẹ mình nổi lên những vết đỏ, dưới lớp da có những đường di chuyển lùng bùng, liền lên mạng tìm hiểu là bệnh gì.
Đến khi các con nói bị mắc bệnh giun lươn thì bà mới giật mình “tá hỏa” về loại bệnh mình mắc phải. Ngay sau đó, mấy người con thúc giục bà vào viện để kiểm tra sức khỏe.