Dưới đây là những hiểu lầm và sự thật về insulin và bệnh tiểu đường loại 2.
1. Bệnh nhân tiểu đường luôn luôn cần insulin
Sự thật: Những người có bệnh tiểu đường loại 1 (chiếm 5-10% bệnh nhân tiểu đường) cần dùng insulin. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường loại 2 (chiếm 90-95% người bị bệnh tiểu đường), bạn có thể không cần insulin.
Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thì trong số những người lớn bị bệnh tiểu đường, chỉ có 14% sử dụng insulin, 13% sử dụng insulin và thuốc uống, 57% chỉ dùng thuốc uống và 16% kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống và tập thể dục, không dùng thuốc hay insulin.
Điều quan trọng là bệnh nhân phải giữ ổn định được lượng đường trong máu để tránh gây ra những vấn đề nghiêm trọng khác.
2. Dùng insulin có nghĩa là bệnh đã rất trầm trọng, không thể cứu vãn
Sự thật: Đây là một hiểu lầm trầm trọng.
Theo Tiến sĩ Jill Crandall, bác sĩ, giáo sư y học lâm sàng và là Giám đốc của đơn vị thử nghiệm lâm sàng bệnh tiểu đường tại Đại học Dược Albert Einstein, Bronx, New York cho biết:
"Nhiều người cố gắng chăm chỉ tuân theo một chế độ ăn uống, tập thể dục và giảm cân lành mạnh trong khi vẫn cần insulin để điều trị tiểu đường".
"Một tỷ lệ lớn những người bị bệnh tiểu đường loại 2 giai đoạn cuối sẽ cần insulin, và chúng tôi không thấy nó có nghĩa là không thể cứu chữa", cô nói.
Thực tế là bệnh tiểu đường loại 2 là một bệnh có quá trình, nghĩa là bạn có thể thay đổi những thói quen, lối sống để đảm bảo lượng đường trong máu ở phạm vi khỏe mạnh.
Ăn uống đúng cách và tập thể dục là những việc rất quan trọng, nhưng nhu cầu dùng thuốc ở mỗi bệnh nhân cũng có thể khác nhau.
3. Insulin có thể gây nguy hiểm tính mạng vì làm giảm lượng đường trong máu
Sự thật: Không hẳn vậy. Những người bị bệnh tiểu đường loại 2 ít có nguy cơ hạ đường huyết (đường trong máu thấp) so với bệnh nhân bị tiểu đường loại 1.
Tình trạng đường trong máu thấp có thể gây mất ý thức hoặc hôn mê. Tuy nhiên, hầu hết mọi người bị bệnh tiểu đường loại 2 có thể dễ dàng nhận ra các triệu chứng, bao gồm lo lắng, run tay, đổ mồ hôi và thèm ăn.
Tiêu thụ một chút nước đường, nước trái cây, hoặc đường viên có thể khắc phục tình trạng này.
4. Nếu phải bổ sung insulin thì cần bổ sung suốt đời
Sự thật: Không nhất thiết, nhu cầu bổ sung insulin tùy thuộc sức khỏe mỗi người.
Một số người bị bệnh tiểu đường loại 2 có thể cần insulin tạm thời, chẳng hạn như ngay sau khi được chẩn đoán hoặc trong khi mang thai, trong khi những người khác có thể cần bổ sung vô thời hạn.
Một số những người bị giảm cân nhanh chóng (một cách tự nhiên hoặc với sự trợ giúp của phẫu thuật giảm béo) có thể thấy rằng họ không còn cần insulin, trong khi những người khác cũng giảm cân nhưng vẫn có thể cần nó.
Mức độ insulin cần bổ sung chủ yếu phụ thuộc vào mức độ bệnh ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy.
5 Uống thuốc tiểu đường tốt hơn so với bổ sung insulin
Sự thật: Không đúng. Thuốc trị tiểu đường dạng uống có thể có tác dụng tuyệt vời trong việc giảm mức độ glucose trong máu, nhhiều người đã sử dụng thuốc hiệu quả trong nhiều năm và rất an toàn.
Tuy nhiên, thuốc này không phải có tác dụng với tất cả mọi người.
"Đối với một số người, sử dụng insulin là dễ và tốt nhất vì nó luôn luôn hiệu quả và nó thích hợp với những người thường bị phản ứng với thuốc", Tiến sĩ Crandall nói.
6. Insulin sẽ làm cho bạn tăng cân
Sự thật: Không hoàn toàn đúng: Một số người bị bệnh tiểu đường loại 2 có thể tăng cân sau khi bắt đầu điều trị insulin. Tuy nhiên, bản thân việc điều trị bằng insulin không gây tăng cân.
Đó là bởi vì nếu điều trị bệnh tiểu đường đang có tác dụng thì tức là cơ thể bắt đầu xử lý để lượng glucose trong máu ở mức bình thường và kết quả có thể tăng cân.
Đây là một lý do tại sao giảm cân không rõ nguyên nhân có thể là một triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường.
(Nguồn: Health)