Gạo lứt không phải thần dược

AN HÀ |

Cùng với việc ăn kiêng, thời gian gần đây nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang dùng gạo lứt thay cho gạo trắng. Gạo lứt có nhiều loại, trong đó, gạo lứt nảy mầm - không phải gạo mầm, chủ yếu được bán dưới dạng bột. “Sản phẩm này có nhiều nguy cơ gây ngộ độc, vì trong đó có nhiều hạt đã bị mất phôi nên sẽ thối trong quá trình ngâm ủ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (tỉnh An Giang) cảnh báo người tiêu dùng.

Gạo lứt và sản phẩm từ gạo lứt đang được gán nhiều công dụng "quá hớp" - Ảnh: Phùng Huy

Đa dạng sản phẩm

Ăn gạo lứt (GL) giảm cân, ăn GL chống tiêu chảy, táo bón, giúp cắt cơn hen suyễn, chống suy nhược, thậm chí trị ung thư… rất nhiều “công dụng” của GL đã được kháo nhau trên mạng.

Cùng với phong trào “thực dưỡng”, ăn kiêng, thời gian gần đây rất nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang dùng GL thay cho gạo trắng.

Đây là một sự lựa chọn đáng khuyến khích bởi không như gạo trắng, chủ yếu là tinh bột, GL giữ được toàn bộ chất dinh dưỡng gồm protein, chất béo có lợi, chất xơ và vitamin.

Loại lúa nào cũng có thể tạo ra GL. GL vốn là gạo chỉ qua một công đoạn được bóc lớp vỏ trấu, lớp cám và lớp vỏ lụa của gạo vẫn giữ nguyên.

Mỗi ký GL có giá trên dưới 20.000đ; đặc biệt, GL giống huyết rồng giá mỗi ký lên đến hơn 30.000đ. Vì được thổi phồng tính chất dinh dưỡng nên GL được bán với giá cách biệt đáng kể so với gạo trắng.

GL đang được tận dụng để chế biến thành nhiều loại thực phẩm. Chẳng hạn, trà GL được gán khá nhiều công dụng như cải thiện chứng thoái hóa khớp, loãng xương, giảm cân, giảm cholesterol, hỗ trợ bệnh tiểu đường…

Ngoài ra, thị trường còn có cốm nếp lứt, cơm GL/GL huyết rồng sấy giòn có kết hợp rong biển, chà bông; bột ngũ cốc GL, bánh tráng GL, bún - phở GL, được bày bán rất nhiều ở các siêu thị.

Giá mỗi sản phẩm có trọng lượng đóng gói chỉ khoảng 100g nhưng dao động từ 12.000-16.000đ. Như vậy, từ vài chục ngàn đồng mỗi ký, qua công đoạn chế biến không mấy phức tạp, sản phẩm đã được nâng giá ngất ngưởng.

Trong những cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm thực dưỡng còn có bán cả cơm/xôi GL nấu sẵn đóng thành bánh, cháo GL có thể ăn ngay;

Các loại bánh bông lan, bánh quy, bánh giò, bánh chưng làm từ GL có kết hợp thêm một số thành phần như mè, trà xanh, cà phê, sữa…

Gạo lứt nảy mầm “lên hương”

Gần đây, rộ lên một sản phẩm là bột GL mầm, được xay từ hạt GL nảy mầm đã rang. Theo lời quảng cáo của người bán và thông tin ghi trên sản phẩm, bột GL nảy mầm chứa rất nhiều vitamin, chất chống oxy hóa, chất béo có lợi, canxi, sắt, kẽm…

Bột giúp bồi dưỡng cơ thể, nhuận trường, phòng chống loãng xương, viêm khớp, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa; giảm cholesterol, ngăn ngừa hiện tượng đông máu và bệnh tim mạch.

Thậm chí, có thể dùng bột GL nảy mầm thay thế sữa mẹ, bột ăn dặm cho trẻ. Bột GL nảy mầm bán trên thị trường hiện chủ yếu do một số công ty, cơ sở đặt ở phía Bắc thực hiện và phân phối đi các nơi. Giá mỗi gói 1kg bột GL nảy mầm lên đến 145.000đ.

Với những tác dụng như đã quảng bá, rất nhiều người tiêu dùng xem bột GL nảy mầm là sản phẩm thay thế hoàn toàn nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.

Cô Vân, chủ một cửa hàng chuyên phân phối sản phẩm từ GL (Xóm Chiếu, Q.4, TP.HCM) cho biết: “Mặt hàng này đang bán rất chạy.

Chính tôi cũng đang dùng, mỗi bữa một ly bột GL nảy mầm, vừa đủ chất dinh dưỡng mà lại giúp giảm cân”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường không thấy xuất hiện GL nảy mầm nguyên hạt, chỉ thấy bột.

Các nơi rao bán hàng cũng chỉ bày sản phẩm hoặc vào bao trơn, hoặc có dán nhãn ghi nơi bán, nhưng thành phần chỉ ghi “GL nảy mầm rang”, không thấy chỉ tiêu sản phẩm.

Công nghệ tạo GL mầm vốn xuất phát từ Nhật Bản. Quy trình chuẩn để tạo ra GL mầm là: sau khi thu hoạch, lúa được chở đến nhà máy, đưa vào sấy ở nhiệt độ vừa phải và cho bóc vỏ trấu sao cho còn giữ được phôi và lớp vỏ lụa.

Sau đó, cho gạo hút ẩm trong một môi trường chuẩn vệ sinh, nhiệt độ, bảo đảm sạch để tạo mầm.

Nhiều chất mới có lợi cho sức khỏe con người, như gama amino butyric acid, sẽ được sinh ra trong quá trình nảy mầm. Vì vậy về bản chất, GL mầm rất tốt cho sức khỏe.

“Tuy nhiên, điều kiện Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, quy trình, công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch không được như Nhật Bản.

Cụ thể, lúa không được xử lý ngay sau khi thu hoạch, công nghệ bóc vỏ trấu không đảm bảo vẫn giữ được phôi, môi trường cho hạt gạo nảy mầm khó vệ sinh.

Khi hạt gạo không còn phôi mà vẫn cho nảy mầm thì chúng sẽ bị chết, thối, sinh ra nấm mốc và kèm theo đó là những hoạt chất gây hại cho cơ thể.

Nguy hiểm nhất là amotoxin, một chất thường có trong các loại nấm độc, ăn vào có thể gây hại cho gan và thận, thậm chí là tử vong”, TS Dương Văn Chín phân tích.

Sản phẩm từ gạo lứt và bột gạo lứt nảy mầm được bán rộng rãi trên thị trường

Chỉ tốt khi là gạo sạch

Đặc biệt, các bà mẹ nên lưu ý, “bột GL hay GL nảy mầm đều không thể thay thế sữa mẹ. Thành phần canxi và vitamin D trong GL, GL nảy mầm rất ít nên không thể chống được loãng xương;

Cũng không có tác dụng phòng chống bệnh tim hay viêm khớp”, BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cảnh báo thêm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, vì chứa nhiều chất béo (có lợi) trong lớp cám gạo nên GL rất dễ bị oxy hóa, sinh ra các gốc tự do, các chất không có lợi cho cơ thể nếu ăn phải.

Các chất dinh dưỡng khác như vitamin cũng dễ bị mất nếu không được bảo quản tốt. Vì vậy, chỉ nên ăn GL còn mới, nên chọn loại được bảo quản trong bao bì hút chân không hoặc giấy bạc; tránh để gạo tiếp xúc trực tiếp với nắng, môi trường.

“Cách tốt nhất là nên ăn GL nấu cơm bằng nồi áp suất. Theo cách này, gạo còn giữ được nguyên các chất dinh dưỡng.

Nếu dùng sản phẩm GL rang, sấy, chiên thì vitamin, chất béo trong gạo cũng bị biến chất hoặc mất đi ít nhiều trong quá trình chế biến”, TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lưu ý.

Lương y Đinh Công Bảy cho biết thêm: “GL là lương thực có ích cho cơ thể nhưng với điều kiện đó là GL “sạch” (không chứa tồn dư chất hóa học, chất bảo quản);

Khi ăn phải nhai thật kỹ, nhai cho đến khi ra nước mới nuốt, nếu không sẽ không tốt cho đường ruột, gây ra chứng khó tiêu.

Cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình để ăn kèm thêm các loại thực phẩm khác vì nếu chỉ ăn riêng GL là không đủ. Có thể dùng các loại ngũ cốc lứt chứ không nhất thiết phải là GL”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại