Sự thật kinh hãi
Sáng 9/6, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất bò viên Pháp Việt (xã Vĩnh Lộc A). PV báo cũng có mặt cùng đoàn kiểm tra, ghi nhận thông tin.
Tại đây, “công nghệ” sản xuất bò viên bẩn giá rẻ được phơi bày. Theo ghi nhận của PV, vào thời điểm trên đoàn kiểm tra liên ngành ập vào cơ sở sản xuất Pháp Việt (C2/19E2, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), do ông Nguyễn Văn Bảo (SN 1984, quê ở Quảng Ngãi) làm chủ.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở sản xuất xập xệ, nhiều dụng cụ chứa đựng thực phẩm đã cũ, gỉ sét. Bên cạnh đó, còn có một container có lắp máy lạnh để làm kho chứa hàng.
Có khoảng năm công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất này, nhưng lại không hề có bảo hộ lao động mà cởi trần, mặc quần đùi khi tham gia chế biến.
Theo đó, các nhân viên ở đây cũng không được khám sức khỏe định kỳ, không có giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sự thật khủng khiếp về cơ sở sản xuất này dần được hé mở, khi PV theo chân đoàn liên ngành vào khu vực chứa nguyên liệu.
Tại đây, một lượng lớn thịt gà đông lạnh, bò vụn tạp, thịt heo thối, mỡ heo, bột mì... (tất cả đều không rõ nguồn gốc) được xếp chồng chất lên nhau.
Lượng thịt tươi, đông lạnh và thịt xay đang chờ đưa vào chế biến lên tới 1,1 tấn. Tất cả đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Đáng lo sợ hơn, khi đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở sản xuất Pháp Việt có 6 thùng thịt gà đông lạnh (mỗi thùng khoảng 15kg), xuất xứ Brazil đã quá hạn sử dụng gần ba tháng.
Ông Bảo thừa nhận, số thịt quá đát này mới được một mối quen đưa tới trước đó ba ngày với giá 32.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, ruồi và nhiều côn trùng khác bu đen lên các thành phẩm, nguyên liệu sản xuất khiến những người chứng kiến lạnh người.
Bên cạnh đó, máu của các loại thịt nói trên cùng với nước chảy tràn lan khắp khu vực sản xuất. Thực tế hãi hùng nói trên đã khiến cho toàn bộ khu vực sản xuất của cơ sở bò viên Pháp Việt bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc.
Mặc dù, đã đeo nhiều lớp khẩu trang nhưng nhiều cán bộ trong đoàn kiểm tra gần như ngạt thở khi vừa bước vào “thế giới của bò viên”.
Ngoài ra, các cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ phát hiện cơ sở này đang tồn 100kg bột ngọt Trung Quốc, 70kg đường Thái Lan trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Không chỉ vậy, đoàn cũng ghi nhận có 3,5 bao sodium benzoate (xuất xứ Trung Quốc) không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Được biết, sodium benzoate là một phụ gia cấm dùng đối với nhóm sản phẩm chế biến từ thịt.
Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của ông Bảo lại sử dụng loại phụ gia này vào sản xuất bò viên nhằm giúp cho sản phẩm của mình không bị mốc.
Với việc sử dụng những nguyên liệu quá đát, cùng phụ gia cấm dùng nói trên, nhiều chuyên gia tại TP. HCM cho rằng nếu người tiêu dùng ăn sản phẩm này trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Đường đi của “thực phẩm độc”
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, ông Bảo khai nhận, đã tổ chức sản xuất bò viên được sáu tháng nay. Mỗi ngày, cơ sở cho ra lò khoảng 300 - 400kg thành phẩm bò viên.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra hàng hóa thực tế tại cơ sở này cho thấy có tới 1.202kg bò viên thành phẩm.
Điều đáng nói là không chỉ mình cơ sở sản xuất bò viên Pháp Việt, mà trên địa bàn TP.HCM hiện nay còn rất nhiều cơ sở sản xuất bò viên tương tự.
Theo ghi nhận thực tế của PV cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất này đều không có giấy phép kinh doanh, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nơi sản xuất thường được những người chủ thuê lại mặt bằng ở các quận, huyện ngoại thành để phục vụ sản xuất, thường xuyên đổi địa điểm nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng.
PV trong vai người muốn nhập hàng, liên hệ với một số cơ sở sản xuất bò viên tại xã Bà Điểm, Nhị Bình (huyện Hóc Môn), thì chủ các cơ sở này thường tỏ ra rất cảnh giác với người lạ.
Không chỉ vậy, nhiều cơ sở còn cho người cảnh giới để ngay khi phát hiện bóng dáng của cơ quan chức năng đến kiểm tra, thì thông báo cho những người sản xuất đóng cửa, bỏ đi.
Khi PV tiếp tục liên lạc với đơn vị sản xuất bò viên H.N. (tại xã Nhị Bình), thì chủ cơ sở này cho biết khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng được đáp ứng trong thời gian ngắn nhất.
Theo tìm hiểu tin tức của PV, hàng tấn sản phẩm bò viên được sản xuất ra mỗi ngày, không chỉ được bán cho các chợ mà còn được bỏ mối tại các quán hủ tiếu, phở bò, cá viên chiên dạo bình dân khắp các huyện TP.
HCM. Không chỉ vậy, sản phẩm này còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành lân cận với giá chỉ 50.000 đồng/kg.
Có mặt tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM, PV mới hay biết, sản phẩm bò viên giá rẻ nói trên, sau khi bỏ mối cho các chợ được tiêu thụ rất nhanh chóng và đắt khách hơn cả các sản phẩm tươi sống.
Bà X. (một người bán bò viên tại chợ tạm trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho biết: “Hàng ngày, tôi nhập lại hàng chục kg bò viên của cơ sở sản xuất rồi bán cho người tiêu dùng với giá 65.000 đồng/kg.
Có ngày, tôi không đủ hàng để bán. Nhiều năm nay, người tiêu dùng rất chuộng món ăn này bởi nó không chỉ dễ ăn mà còn rẻ hơn cá thịt.
Mua ở đây, người tiêu dùng hoàn toàn “yên tâm” bởi sản phẩm bò viên của tôi bán được làm hoàn toàn bằng thịt bò”.
Tuy nhiên, khi PV hỏi sản phẩm có được kiểm dịch của cơ quan chức năng không, thì người bán hàng này chỉ cười trừ cho qua chuyện.
Trao đổi với PV, một tiểu thương tại quận Tân Bình cho hay: “Hầu hết người dân đều lầm tưởng về sản phẩm giá rẻ này, mà không hề biết thực hư đằng sau nó.
Họ đều cho rằng sản phẩm bò viên trên thị trường hiện nay không chỉ rẻ, mà còn tiện ích khi được sử dụng “đa năng” trong nhiều món ăn như:
Lẩu, phở, hủ tiếu,... Thế nhưng, nếu họ tỉnh táo một chút thì rất dễ dàng nhận ra, trong khi giá thịt bò hiện nay ít nhất cũng đã 200.000 đồng/kg. Vậy mà, bò viên chỉ có vài chục ngàn đồng, thì làm sao đảm bảo chất lượng được”.
Chủ cơ sở nộp hơn 16 triệu đồng để tiêu hủy hàng tấn bò viên
Sáng 10/6, ông Nguyễn Hồng Triệu, Trưởng trạm thú y huyện Bình Chánh cho biết: “Sau khi kiểm tra, đoàn đã lập biên bản ghi nhận hàng loạt sai phạm của cơ sở sản xuất bò viên Pháp Việt do ông Bảo làm chủ.
Đoàn cũng buộc cơ sở ngưng hoạt động ngay lập tức và giao cho chính quyền địa phương giám sát.
Đồng thời, ông Bảo cũng tự nguyện nộp hơn 16 triệu đồng để tiêu hủy toàn bộ lô hàng có trọng lượng hơn 2,5 tấn mà không cần xét nghiệm.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham mưu đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Bình Chánh để tiến hành xử phạt hành chính đối với cơ sở sản xuất này”.