Từ lâu, Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) đã nổi tiếng khắp thế giới là "thần dược của các loại thần dược" với tác dụng bồi bổ sức khỏe, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ… và đặc biệt là cải thiện đời sống tình dục cho cả nam và nữ.
Ngày xưa chỉ có các vua chúa, giới quý tộc mới được dùng loại đông dược quý hiếm này. Ngày nay, tuy ĐTHT đã được sử dụng rộng rãi hơn nhưng nhiều người chỉ biết rằng đây là vị thuốc quý hiếm và đắt đỏ chứ không nắm rõ nó có đặc điểm như thế nào, chứa các thành phần gì và phải sử dụng thế nào để phát huy triệt để tác dụng.
Đông trùng hạ thảo là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi và một loài sâu non.
Đông trùng hạ thảo là loại đông dược đặc biệt "có một không hai" trên thế giới bởi sinh ra từ sự kết hợp giữa động vật và thực vật. Mùa đông chúng là dạng côn trùng còn mùa hè lại ở dạng thảo mộc. Chính cấu tạo đặc biệt này đã làm nên sự quý hiếm của chúng mà không phải ai cũng được nhìn thấy và thưởng thức. Thời xưa chỉ những người có địa vị, quyền lực trong xã hội mới có cơ hội "mục sở thị" ĐTHT và hầu như đây là vị thuốc không thể thiếu trong hầu hết các bài "xuân dược" tăng cường sinh lý của các vua chúa xưa.
Chất "tam âm, tam dương" tốt cho thận
Đông trùng hạ thảo được phát hiện ở Trung Hoa từ trước thời Hán; dân tộc Tạng (Tây Tạng) là những người đầu tiên tìm ra loại đông dược đặc biệt này. Sở dĩ người ta đặt tên là ĐTHT bởi nó sinh ra từ động vật chết vào mùa đông rồi mọc lên thành thảo dược vào mùa hè. Sau này, các nghiên cứu chỉ ra rằng, ĐTHT thực chất là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn. Một điều đặc biệt nữa là ĐTHT chỉ được phát hiện vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 - 5.000m thuộc các vùng của Trung Quốc như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam...
Ban đầu, những người Tây Tạng mới chỉ biết tới công dụng của ĐTHT trong việc điều trị bệnh phổi. Sau này, khi vua Songzain Gambo, vị vua thứ 33 của vương quốc Thổ Phồn (từng thống trị Tây Tạng, khống chế gần như toàn bộ con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 9) đến kinh thành Trường An thành hôn với công chúa Văn Thành (cháu gái của vua Đường Thái Tông) và mang theo vị thuốc này như một sính lễ thì ĐTHT mới được biết đến rộng rãi. Loại dược phẩm này đã được ghi vào sách "Nguyệt vương dược chẩn" vào thế kỷ thứ VIII và được dân tộc Hán gọi với một tên gọi khác nữa là "Trùng tuyết" theo môi trường sinh sống của nó là ở vùng giá rét. Khi được đưa vào danh sách những vị thuốc quý trong hoàng cung của hoàng đế Trung Hoa, các ngự y đã dày công nghiên cứu và phát hiện ra rằng, ngoài việc điều trị bệnh phổi như người Tây Tạng lưu truyền thì ĐTHT còn rất nhiều công dụng khác nữa, đặc biệt là tăng cường dục năng cho cả nam và nữ.
Y học cổ truyền Trung Hoa rất chú trọng âm dương, cho rằng mùa đông là âm, mùa hè là dương; đất là âm, trời là dương; thực vật là âm, động vật là dương. Như vậy, quá trình sinh trưởng của trùng thảo đã trải qua 3 loại âm và dương này nên nó được cho là một chất "tam âm, tam dương", phù hợp với lý luận cân bằng âm dương Trung y và có thể điều tiết sức khỏe con người rất tốt, nhất là trong chốn phòng the.
Trong cuốn sách dược thảo "Bổn thảo cương mục" của danh y Lý Thời Trân, vị danh y nổi tiếng thời Minh ghi nhận, trùng thảo có tác dụng "bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hoá đàm", tức là xâm nhập vào hai kinh mạch phổi - thận, điều trị các chứng bệnh suy yếu tổn thương, có tác dụng điều trị và bảo vệ sức khỏe toàn diện. Danh y thời Thanh là Ngô Nghĩa Lạc trong sách y học nổi tiếng "Bản thảo Trùng Tân" nêu rằng: Đông trùng hạ thảo "cam bình, bổ phế ích thận, chỉ huyết hóa đờm, trị ho lao". Sách y học nổi tiếng "Dược tính khảm" ở đời Thanh cũng chứng minh: Đông trùng hạ thảo bế tinh ích khí, chuyên bổ mệnh môn"… Như vậy, hầu hết các sách y học cổ truyền Trung Hoa đều cho thấy ĐTHT có tác dụng rất tốt với thận - cơ quan ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh lý của con người.
Công dụng được cả thế giới biết đến
Đến nay, công dụng của ĐTHT đã được nhiều nước trên thế giới biết đến. Lần đầu tiên các nước phương Tây chú ý tới loại đông dược này là từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, qua những thành công vang dội của các vận động viên Trung Hoa trên các đấu trường quốc tế nhờ trong thực đơn có ĐTHT. Theo đó, khi thấy nhiều VĐV Trung Quốc đạt HCV và phá kỷ lục thế giới, một số chuyên gia y tế Tây phương bắt đầu nghi ngờ các VĐV này sử dụng doping, cụ thể là chất kích tố steroid để tăng thể lực nhất thời cho VĐV. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra rất nhiều lần họ vẫn không tìm thấy dấu vết của sự gian lận. Vậy là họ lân la hỏi chuyện các HLV của đội tuyển Trung Quốc và được họ tiết lộ rằng, ngoài những phương pháp tập luyện khắc nghiệt, họ còn được bồi bổ bởi thứ "thần dược" có tên "Đông trùng hạ thảo".
Từ bật mí của các VĐV Trung Quốc, các chuyên gia y tế Tây phương bắt đầu bắt tay vào khám phá bí ẩn loại nấm mọc ra từ sâu này. Sau nhiều nghiên cứu lâm sàng, Tạp chí Y học của New York (Mỹ) đã đăng tải bài viết cho biết ĐTHT có rất nhiều thành phần tương tự như nhân sâm, có tác dụng cải thiện chức năng gan, giải độc cho thận, nâng cao khả năng miễn dịch, kích thích chức năng tình dục và làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Đứng từ góc độ đông y, ĐTHT có tác dụng tư âm bổ dương, chính là bổ thận dương. Đứng từ góc độ Tây y, các nhà khoa học đã chứng minh dược tính của ĐTHT là do các chất chiết xuất từ nấm Cordyceps sinensis, tức là mọi dược liệu quý đều nằm trong phần hạ thảo chứ không có gì trong phần đông trùng. Cordyceps sinensis chiết xuất từ ĐTHT đã được các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành nghiên cứu trong 3 nghiên cứu riêng rẽ trên tổng số 756 bệnh nhân bị giảm ham muốn tình dục và đều cho thấy tác dụng rõ rệt.
Các bệnh nhân đó được điều trị bằng Cordyceps sinensis 3g/ngày trong vòng 40 ngày. Sau khi hoàn tất nghiên cứu, 64,8% trong số các bệnh nhân cho biết có sự cải thiện về ham muốn tình dục trong họ. Các nhà khoa học cũng tiến hành phân tích hoá học và thấy rằng trong sinh khối (biomass) của ĐTHT có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid và nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...). Một điều đặc biệt nữa là trong số 7 loại hoạt chất chống lão hóa được giới y học công nhận, thì trong ĐTHT có đến 5 thành phần, cụ thể là: polysaccharides, axit amin, peptide (protein), axit nucleic, vitamin; hai loại nữa là flavonoid và saponin.
Những hoạt chất này có tác dụng hoạt huyết, làm nở huyết quản, tăng sự tuần hoàn của máu dưới lớp biểu bì của da, làm tăng tốc lưu lượng máu, giãn nở mạch máu, tăng tuần hoàn máu đến bề mặt da và thúc đẩy sự trao đổi chất… Do đó, nó có tác dụng làm đẹp và chăm sóc da. Đây chính là lý do giải thích tác dụng chống lão hóa, giữ gìn sự tươi trẻ, kéo dài tuổi thọ của ĐTHT mà các "bà hoàng" xưa như Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái hậu… ưa dùng.
"Sản vật" từng bị xa lánh
Nơi được xem là trung tâm cho sự phát triển của ĐTHT chính là miền cao nguyên Tây Tạng, Tứ Xuyên với những ngọn núi cao trên 4.000m. Trong văn hoá bản địa, trùng thảo bị cấm đào vì nó được coi là "linh khí của đất". Người ta thậm chí còn đưa ra một lời nguyền: "Hái một con trùng bằng với sát hại 18 người"; nếu ai đào ĐTHT thì người đó sẽ phải gánh chịu những trận ốm đau hoặc khuynh gia bại sản. Chính vì lời nguyền trên mà trong một thời gian dài, chẳng mấy người bản xứ quan tâm đến thứ thần dược "nhà trồng được" này, thậm chí còn kiềng nể và tránh xa nó… Điều này chỉ thay đổi khi sản vật quê hương họ được cả Đông y và Tây y tung hô như một thứ thần dược và cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ ngày một lớn hơn. Đối với người Tây Tạng giờ đây, ĐTHT không chỉ là vị thuốc quý có mặt trong các bữa ăn, bài thuốc mà còn là mặt hàng đắt đỏ mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người.