Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Chủ quan và nhầm tưởng với bệnh tiêu chảy nên nhiều người tử vong vì không được điều trị kịp thời.
Nhập viện liên tục
Cách đây một ngày, gia đình bệnh nhân Đ.V.T (32 tuổi; ở huyện Ba Vì, Hà Nội) xin đưa anh T. về nhà chờ giải quyết hậu sự sau hơn 2 tuần điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương.
Tại thời điểm xin về, bệnh nhân vẫn trong tình trạng suy thận, sốc nhiễm trùng, tiên lượng tử vong rất cao.
Trước đó, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch. Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ăn thịt heo sữa nhiễm vi khuẩn liên cầu chưa được nấu chín.
Nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn nhập viện do ăn tiết canh, thịt heo chưa nấu chín
Cách đó ít ngày, BV Bệnh nhiệt đới trung ương cũng tiếp nhận một ca tương tự.
Bệnh nhân là một người đàn ông 47 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Khai tiền sử được biết bệnh nhân làm nghề thợ xây, sống độc thân, thường ăn lòng heo, tiết canh và uống rượu vào mỗi sáng.
Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê và lúc nhập viện sức khỏe đã nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn, các đầu ngón chân và tay tím đen đang trong giai đoạn hoại tử.
Sau hơn 2 ngày điều trị, tiên lượng bệnh khó qua khỏi nên người thân đã xin đưa bệnh nhân về.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết thời gian qua, BV tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, phần nhiều do ăn tiết canh heo, nem chạo sống, thịt tái, hoặc nhiễm từ việc chăn nuôi, giết mổ heo.
Có gia đình cả 4 người nhập viện vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn món thịt heo chưa được nấu chín.
“Với món tiết canh, nhiều người nghĩ cứ uống kèm vài chén rượu là diệt được hết vi khuẩn. Đây là quan niệm sai lầm vì những người có tiền sử nghiện rượu nếu nhiễm liên cầu khuẩn lợn thì bệnh thường trầm trọng hơn” - bác sĩ Cấp nói.
“Heo sạch” vẫn chứa khuẩn liên cầu
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước có 82 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, 10 ca tử vong. Riêng Hà Nội ghi nhận khoảng 17 ca mắc, 2 ca tử vong.
Tỉ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn lên tới 7%; nếu bệnh nhân được cứu sống thì tỉ lệ di chứng (giảm thính lực, điếc vĩnh viễn) cũng rất cao, khoảng 40%.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cảnh báo số ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn gia tăng nhanh trong 3 tháng qua với khoảng 30 người nhập viện, trong đó có 5 người tử vong.
Dự báo bệnh tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới vì thời điểm cuối năm, người dân có phong tục giết mổ heo ăn Tết, lễ hội, cưới hỏi…
Cho rằng bệnh liên cầu khuẩn lợn là mối lo ngại nghiêm trọng nhất trong số các dịch bệnh có diễn biến phức tạp trong thời tiết đông xuân, ông Trương Đình Bắc khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt heo chưa nấu chín; không sử dụng thịt heo có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
“Bệnh liên cầu khuẩn lợn lưu hành ở hầu hết các đàn heo. Kể cả heo nhà tự nuôi mà mọi người thường gọi là “heo sạch” vẫn có nguy cơ mắc bệnh liên cầu nếu sử dụng các món ăn chưa nấu chín như: tiết canh, các món tái, chạo, nội tạng chần…” - ông Bắc nhấn mạnh.
Giới chuyên môn cũng lưu ý ngay cả heo nhà nuôi thấy khỏe mạnh nhưng cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng nên nếu ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì vẫn có thể bị bệnh.
Thậm chí, nhiều người cẩn thận tìm mua heo ở các vùng núi về chế biến tiết canh, nem chạo cũng mắc bệnh chỉ ngay sau vài giờ thưởng thức món khoái khẩu này.
Bệnh diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn có thể vài tiếng nhưng có khi đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.
Vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn tấn công người sẽ gây biểu hiện ban đầu là sốt rất cao (lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt cao, trên 39 độ C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê sau đó sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp.
Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh, suy đa phủ tạng.
Nếu đến muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp. Trong khi đó, các biểu hiện ban đầu thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, tiêu chảy (nhưng không đi nhiều lần) nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như rối loạn tiêu hóa, sốt xuất huyết, sốt virus…