Thịt xông khói
Công an đã thẳng tay trấn áp hàng chục nhà máy chế biến thịt ở Trung Quốc sử dụng thịt lợn chết vì dịch bệnh.
Trên 30 nhà máy chế biến thịt phi pháp bị khám xét, hơn 110 đối tượng tình nghi bị bắt giữ, bao gồm cả các nhân viên quản lý chất lượng thực phẩm của chính phủ và nhân viên bảo hiểm, Bộ Công an Trung Quốc báo cáo ngày 11/1 vừa qua.
Một cơ sở chế biến thịt lợn bất hợp pháp tại Quảng Châu bị công an khám xét vào khoảng tháng 5/2014. Ảnh: Guangzhou Daily.
Báo cáo cho biết, cảnh sát đã phát hiện hơn 1000 tấn thịt lợn thối và 48 tấn mỡ thải được làm từ thịt lợn nhiễm bệnh có giá trị trên 100 triệu nhân dân tệ (16 triệu USD).
Đôi khi thịt lợn bệnh nhìn vẫn tươi, nó sẽ được bán như thịt lợn tươi trên thị trường. Một số miếng thối rữa đã không thể bày ra được thường được chế biến thành thịt xông khói, xúc xích, hoặc thịt xay, Xiao Tijun – một người cung cấp thịt bị bắt cho biết.
Số thịt nhiễm bệnh còn sót lại và bì được dùng để làm mỡ ăn, theo báo cáo.
Bản tin của một hãng truyền thông nhà nước đã chiếu một đoạn video được quay bí mật tại một trong những nhà máy chế biến thịt bất hợp pháp, cho thấy có hai nồi lớn bẩn được dùng để làm ra các sản phẩm dầu mỡ, đầy những vật và bọt không rõ là gì.
"Công nghệ" nấu mỡ bẩn, bì lợn thối
Tại các quán ăn vỉa hè, trong các quán cơm bình dân, nhà ăn tập thể, những món chiên, rán nhìn rất bắt mắt, hấp dẫn, nhưng ít ai biết được mỗi ngày hàng triệu thực khách đang bị đầu độc bởi thứ mỡ bẩn dùng để chiên rán những món ăn đó.
Chi cục Thú y huyện Bình Chánh, TP HCM vừa phát hiện, thu giữ gần 500kg mỡ và hàng trăm phụ phẩm từ mỡ không đảm bảo vệ sinh, tại cơ sở xã Vĩnh Lộc B.
Cơ sở này do ông Nguyễn Văn Nghịch (29 tuổi, quê huyện Đông Hòa, Phú Yên) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 4 công nhân nam đi chân đất và không mặc áo đang phân loại da và mỡ lợn để bỏ vào chảo nấu.
Tất cả các công đoạn sản xuất dầu ăn, ép bánh mỡ được làm thủ công. Trong xưởng một hôi thối bốc lên, mỡ lợn được bỏ ngay dưới sàn nhà dơ bẩn.
Theo ông Nghịch, cơ sở này hoạt động đã được bốn tháng, mỗi ngày cơ sở ông hoạt động từ 8 giờ tới 17 giờ. Mỗi ngày sản xuất gần 400 kg mỡ lợn thối ra dầu ăn và tóp mỡ. Cơ sở này không bảng hiệu và không có giấy phép kinh doanh.
Ông Nghịch khai tất cả số mỡ lợn, phụ phẩm thu mua từ chợ Tân Xuân (H.Hóc Môn) với giá 5.000 - 10.000 đồng/kg, mang về nấu làm mỡ ăn, phần tóp mỡ được ép thành bánh lớn, sau đó cung cấp cho một công ty thủy sản ở Đồng Tháp.
Tại đây, đoàn kiểm tra bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất dầu ăn và tóp mỡ từ mỡ lợn.
Tại hiện trường, ngành chức năng đã lập biên bản tạm giữ 486 kg mỡ tươi đã bốc mùi hôi thối đang được chế biến trên nền nhà có lẫn tạp chất, 200 kg da lợn, 200 bánh mỡ dùng làm thức ăn cho thủy cầm và gần 200 kg mỡ nước.
Biến thịt lợn nái chết thành lợn rừng
Đoàn kiểm tra liên ngành TP.Tam Kỳ vừa phát hiện, bắt quả tang tại gia đình ông Nguyễn Mậu Hòe (trú phường Hòa Hương, Tam Kỳ) đang giết mổ 2 con lợn nái đã chết không rõ nguyên nhân, trong đó có 1 con đang được dùng đèn khò đốt lông để giả lợn rừng, 1 con đã giết mổ, cắt đầu, để nguyên lông, bỏ trong tủ lạnh.
Đoàn kiểm tra đã lập bản đề nghị UBND TP Tam Kỳ ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm quy định về việc nghiêm cấm giết mổ lợn trong lúc đang có dịch bệnh tai xanh và tái phạm lần 2 sử dụng lợn nái chết làm giả lợn rừng.
Toàn bộ tang vật gồm 2 con lợn nái với trọng lượng 114kg và 13kg thịt đã qua sơ chế giả thịt lợn rừng bị thu giữ, đưa đi tiêu hủy.
Nem chua làm từ bì lợn thối
Ngày 9/1 vừa qua, Đội 3, Thanh tra Sở NNPTNT Hà Nội kết hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra thu giữ hàng trăm kg lòng lợn, bì lợn không rõ nguồn gốc đang trên đường đi làm... nem chua để phục vụ Tết Nguyên đán 2015.
Thường nem chua được chế biến tại gia thì sẽ đảm bảo vệ sinh hơn tại các cửa hàng, nơi sản xuất bởi sự cẩn thận và tỉ mỉ của người nội trợ, đồng thời với số lượng ít nên rất dễ chế biến.
Còn ở các xưởng sản xuất lớn, nem chua được chế biến qua loa, rất nhanh chóng và mất vệ sinh. Bì lợn được ngâm vào hóa chất để trở nên trắng và giòn.
Ngoài ra, vào mùa nóng, còn phải được ngâm vào hóa chất để chống thối rữa, chất bảo quản nên rất độc hại. Chưa kể, nem chua nếu không được chế biến kĩ còn để lại rất nhiều vi khuẩn, kí sinh trùng gây bệnh cho người.