Đừng chủ quan với bệnh dị ứng.
Bệnh khá phổ biến
Dị ứng là bệnh khá phổ biến tại Việt Nam, ảnh hưởng đến 20% dân số. Bệnh thường bắt đầu trước 20 tuổi (80%), tuổi khởi phát trung bình từ 8-11 tuổi.
Tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở khoảng 12-15 tuổi. Ở người lớn, tỉ lệ bệnh tương đồng giữa nam và nữ, còn ở trẻ em, tỉ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Bệnh xuất hiện ở thành thị cũng cao hơn nông thôn.
Thực tế, dị ứng là một trong bốn hình thức của chứng quá mẫn cảm, phản ứng không thích hợp của hệ thống miễn dịch với những chất bình thường. Nó kích hoạt quá mức các dưỡng bào (bạch cầu mast) và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến phản ứng viêm nặng, thông thường bao gồm chàm phát ban, tiêu chảy, lên cơn hen. Những chất thúc đẩy dị ứng được gọi là dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, lông thú, côn trùng và một số loại thực phẩm.
Dị ứng nhẹ rất phổ biến, gây ra các triệu chứng như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi.
Ở mức độ trung bình, dị ứng có thể gây ra triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, sung huyết mũi, nhức đầu, giảm khứu giác, khó thở…, khiến giấc ngủ người bệnh bất thường, giảm sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khả năng học tập, làm việc.
Ở một số người, dị ứng nặng với các chất gây dị ứng trong môi trường và thức ăn hoặc một số loại thuốc y dược, có thể gây sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.
Theo thói quen, nhiều người vẫn lầm tưởng các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi là bị cảm, từ đó vội vã sử dụng các loại thuốc cảm giúp giảm đau, hạ sốt.
Thông tin của bệnh nhân về những biểu hiện tương đồng giữa hai căn bệnh này đôi khi khiến các bác sĩ và dược sĩ cũng không thể kê toa điều trị đúng.
Việc sử dụng thuốc không đúng kéo dài có thể làm nặng thêm các triệu chứng dị ứng, ảnh hưởng lớn đến tinh thần và chất lượng sống của người bệnh.
Mặc dù cách phòng tránh tốt cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng là tránh tiếp xúc những tác nhân gây dị ứng, nhưng trên thực tế rất khó tránh tiếp xúc với dị nguyên một cách hoàn toàn. Do đó, kiến thức về xử lí và điều trị viêm mũi dị ứng là vô cùng cần thiết.
Phòng tránh các tác nhân gây dị ứng
Đối với những trường hợp dễ bị dị ứng, cần chủ động đề phòng bệnh bằng cách:
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, yếu tố gây khởi phát hen suyễn ở một số đối tượng. Giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ cơ thể thay đổi hoặc khi chuyển mùa.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày, sạch sẽ. Hạn chế tối đa hút thuốc. Hạn chế tiếp xúc bụi. Tự bảo vệ mình khỏi côn trùng, bụi ẩm, nấm mốc, phấn hoa. Đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc với môi trường lạ, bẩn.
- Giữ môi trường trong sạch, lọc không khí trong phòng thường xuyên, thường xuyên hút bụi bẩn, thay thảm, vải lót sàn, màn cửa… Hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường. Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.
- Tránh xa các loại thực phẩm từng gây dị ứng. Luôn mang theo thuốc dự phòng khi đã từng bị dị ứng nặng như sốc phản vệ.
- Khi phải điều trị bằng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sĩ. Các loại thuốc kháng histamine thế hệ 2 như Fexofenadine có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng và dị ứng về da hiệu quả.
Thông điệp chung mà các chuyên gia, bác sĩ nhấn mạnh tại hội thảo khoa học này là việc nâng cao ý thức phòng tránh bệnh, chủ động kiểm soát môi trường, tránh xa các tác nhân gây dị ứng, đồng thời có hướng xử lý kịp thời khi người dân mắc phải viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng về da.