Đây là chỉ dẫn sàng lọc đầy đủ nhất của Hiệp hội Ung thư Mỹ

Lan Dương |

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khám nghiệm sàng lọc ung thư trước khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh là việc làm hết sức cần thiết đối với đa số người trưởng thành.

Việc sàng lọc thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm một số loại ung thư dưới đây khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn di căn và do đó có thể dễ dàng điều trị khỏi bệnh.

Ung thư vú

Phụ nữ trong độ tuổi từ 40-44 tuổi nên tiến hành sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng chụp nhũ ảnh (X-quang vú) giúp phát hiện sớm bệnh ung thư vú.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 45-54 tuổi nên chụp nhũ ảnh mỗi năm 1 lần.

Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên nên chụp X-quang vú 2 năm 1 lần, hoặc có thể tiếp tục sàng lọc ung thư vú hàng năm.

Việc sàng lọc vẫn nên tiếp tục khi người phụ nữ có sức khỏe tốt và dự kiến sẽ sống thêm 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Tất cả phụ nữ nên tìm hiểu về ung thư vú, lợi ích và những hạn chế của việc sàng lọc ung thư vú; các rủi ro sức khỏe liên quan đến căn bệnh nguy hiểm này.

Họ cũng nên biết, hiểu về bộ ngực của mình bằng cách quan sát, kiểm tra và cảm nhận nó – như thế nào là vú bình thường. Khi thấy có bất kỳ sự thay đổi nào trên vú mình, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa ngay lập tức.

Một số phụ nữ - vì tiền sử bệnh tật trong gia đình, có xu hướng di truyền, hoặc một số yếu tố khác nên được tầm soát bằng chụp hình cộng hưởng từ trường (MRI) cùng với chụp nhũ ảnh (Số lượng phụ nữ rơi vào trường hợp này là rất nhỏ).

Bạn cũng nên nói rõ với bác sỹ chuyên khoa về nguy cơ ung thư vú của bản thân để có kế hoạch sàng lọc, phát hiện sớm nhất nguy cơ bị ung thư vú.

Ung thư ruột kết, ung thư trực tràng và các khối u

Từ 50 tuổi trở đi, cả nam giới và nữ giới nên tiến hành một trong các xét nghiệm sau:

Các xét nghiệm phát hiện các khối u và ung thư

Soi đại tràng sigma 5 năm 1 lần

Hoặc nội soi đại tràng 10 năm 1 lần

Chụp cản quang đại trực tràng (double contrast barium enema) 5 năm 1 lần

Hoặc chụp cắt lớp đại trực tràng (CT colonography) 5 năm 1 lần

Các xét nghiệm phát hiện ung thư:

Làm xét nghiệm máu ẩn trong phân hàng năm (gFOBT)

Hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch phân hàng năm (FIT)

Hoặc xét nghiệm DNA trong phân (sDNA) 3 năm 1 lần

Nếu một trong các xét nghiệm trên là dương tính thì cần tiến hành nội soi đại tràng.

Một số người tiền sử gia đình có nguy cơ cao bị polyp hoặc ung thư trực tràng nên được sàng lọc thường xuyên hơn.

Các xét nghiệm có thể giúp phát hiện sớm cả bệnh ung thư trực tràng và các khối u.

Nếu có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư ruột kết dựa trên tiền sử bệnh tật của gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ khác, bạn có thể cần phải kiểm tra, sàng lọc theo một lịch trình khác.

Bạn cũng nên nói rõ với bác sỹ chuyên khoa về nguy cơ mắc ung thư ruột kết của bản thân để có kế hoạch sàng lọc, phát hiện bệnh sớm nhất.

Ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung nên được bắt đầu ở phụ nữ từ 21 tuổi trở đi. Phụ nữ dưới 21 tuổi không nên kiểm tra.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 - 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm 1 lần. Phụ nữ trong nhóm tuổi này không nên làm xét nghiệm HPV, trừ khi kết quả xét nghiệm Pap bất thường.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV 5 năm 1 lần hoặc làm riêng xét nghiệm Pap 3 năm 1 lần.

Phụ nữ trên 65 tuổi đã làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường không nên tiếp tục sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Sau khi đã kết thúc việc sàng lọc thì không nên bắt đầu lại. Phụ nữ có tiền sử tiền ung thư cổ tử cung nên tiếp tục được sàng lọc ít nhất 20 năm sau khi chẩn đoán, thậm chí sàng lọc cả khi đã trên 65 tuổi.

Ở những phụ nữ đã cắt toàn bộ tử cung vì những nguyên nhân không liên quan đến ung thư cổ tử cung và những người không có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư nghiêm trọng thì không nên kiểm tra, tiền hành sàng lọc.

Tất cả phụ nữ đã được tiêm phòng vắc-xin HPV vẫn nên thực hiện các xét nghiệm theo khuyến cáo sàng lọc cho từng lứa tuổi.

Một số phụ nữ vì tiền sử sức khỏe của bản thân (như là nhiễm HIV, ghép tạng…) - có thể cần một lịch trình tầm soát ung thư cổ tử cung riêng. Bạn hãy nói rõ với bác sỹ chuyên khoa về tiền sử bệnh tật của mình để có giải pháp kiểm tra sức khỏe thích hợp cho mình.

Ung thư nội mạc tử cung

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ, ở thời kỳ mãn kinh, tất cả phụ nữ nên tìm hiểu về những nguy cơ và triệu chứng của bệnh ung thư nội mạc tử cung. Nếu xảy ra hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường, bạn nên đến gặp bác sỹ chuyên khoa ngay lập tức.

Một số phụ nữ vì lịch sử bệnh tật của bản thân có thể cần phải làm xét nghiệm sinh thiết nội mạc tử cung hàng năm.

Ung thư phổi

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ, những người ít có nguy cơ và có nguy cơ trung bình (bị ung thư phổi) thì không nên làm các xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra ung thư phổi. Với những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá, việc sàng lọc là cần thiết.

Cụ thể, việc sàng lọc ung thư này cần tiến hành ở những người:

Người trong độ tuổi từ 55 – 74 tuổi

Người có sức khỏe tốt

Người có tiền sử hút thuốc mỗi năm trên 30 bao, người đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm.

Người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi nên đến khám bác sỹ chuyên khoa ung thư để được tư vấn chụp CT liều thấp sàng lọc ung thư phổi hàng năm.

Ung thư tiền liệt tuyến

Nam giới từ 50 tuổi trở lên nên đến tư vấn bác sỹ về những lợi ích và nguy cơ của việc sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến để có những quyết định cần thiết, phù hợp cho mình.

Nếu bạn là người Mỹ gốc Phi hoặc có cha hay anh trai bị bệnh ung thư tiền liệt tuyến trước 65 tuổi, bạn nên nói cho bác sỹ chuyên khoa biết khi bạn 45 tuổi.

Các xét nghiệm sàng lọc phát hiện ung thư tiền liệt tuyến bao gồm định lượng PSA và thăm khám tiền liệt tuyến qua trực tràng.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư

Đối với những người trong độ tuổi từ 20 trở lên, việc khám sức khỏe định kỳ là hết sức cần thiết để phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh và để được nhân viên y tế tư vấn các vấn đề về sức khỏe cho bạn.

Tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của mỗi người để làm các xét nghiệm phù hợp, phát hiện ung thư tuyến giáp, khoang miệng, da, các hạch bạch huyết, tinh hoàn và buồng trứng, cũng như đối với một số bệnh khác ngoài bệnh ung thư.

Khuyến cáo các biện pháp phòng tránh mắc bệnh ung thư:

Tránh xa thuốc lá: hút thuốc và hít phải khói thuốc

Duy trì trọng lượng cơ thể ổn định và phù hợp

Tập luyện, vận động cơ thể thường xuyên

Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả

Hạn chế uống rượu

Bảo vệ làn da của bạn

Hiểu rõ về bản thân, tiền sử bệnh tật của gia đình và những nguy cơ sức khỏe của mình.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư.

* Theo Hướng dẫn sàng lọc phát hiện sớm ung thư của Hiệp hội Ung thư Mỹ, tại website cancer.org.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại