Trên các phương tiện truyền thông hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc, nghe những tin tức về chuyện vô số loại lương thực, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại…
Nào là thịt heo siêu nạc nhờ nuôi bằng hóa dược đặc biệt, nào các loại rau củ phát triển nhanh và to lớn bất thường nhờ hóa chất Trung Quốc…
Cà phê pha sẵn, cơm tấm, bánh mì bì…
Trên một trang mạng mới đây, cửa hàng hóa chất Kim Biên post quảng cáo: “Cà phê pha sẵn cho quán: “Siêu tiện lợi, siêu lợi nhuận, thơm ngon nức mũi, giá chỉ 1.300 đồng/ly, quán có thể bán từ 12.000 đồng/ly trở lên.
Có ba mùi hương Robusta, Moka và Brasil. Giá 150.000 đồng/bình 5 lít. Mua 10 bình trở lên có chiết khấu”. Kèm theo đó là ảnh những bình cà phê màu nâu trông rất bắt mắt.
Thử tưởng tượng chất nước màu nâu “gọi là cà phê” giá 1.300 đồng khuấy từ hóa chất và đường hóa học đó độc hại như thế nào nếu được tiếp tay bởi những người kinh doanh thiếu lương tâm, bán cho khách để kiếm siêu lợi nhuận.
Từ những quán cà phê bình dân vỉa hè đến các quán cà phê mang đi mọc khắp nơi trong TP trong vài năm gần đây, cái giá 12.000 đồng/ly theo gợi ý của quảng cáo trên là giá gần như mặc định của các quán loại này ở TP.HCM.
Hàng vạn thanh niên mỗi sáng vẫn ngồi quán cà phê, nếu uống loại “cà phê” pha sẵn này, chuyện gì sẽ xảy ra cho sức khỏe họ mai sau?
Ở đây không nói đến những quán bán cà phê rang xay nghiêm túc. Kể cả những quán cóc bình dân tuy bán cà phê pha bắp, đậu nành rang nhưng dẫu sao mức độ độc hại cũng không đáng gì so với các loại “cà phê pha hóa chất” nói trên.
Tại các quán cơm tấm, món cơm tấm bì chả rất được ưa chuộng nhưng ít người biết rằng món bì - tức da heo xắt sợi mỏng trắng giòn đó có khi được chế biến từ những da heo hôi thối bốc mùi, được ngâm tẩy rửa bằng thứ hóa chất độc hại để trở thành món bì heo khoái khẩu! Nhiều bài phóng sự đã viết về những đầu nậu chuyên thu gom da heo hôi thối về ngâm vào những thùng phuy hóa chất tẩy trắng, xắt sợi rồi chở đi bỏ mối các quán cơm tấm, xe bánh mì khắp TP…
Tuy nhiên, trong đời sống thị dân tất tả cơm áo vẫn có nhiều người không chạy theo lợi nhuận, dù nghèo vẫn quyết giữ lương tâm trong sạch. Như chị bán bánh mì trước cổng trường đầu ngõ nhà tôi.
Chị không mua bì, nem chả có hàn the người ta đem đến bỏ mối, mà chị tự làm hết các nguyên liệu để bán cho bọn trẻ, học sinh. Chị bảo chúng như con mình, nó ăn mấy thứ độc hại mai mốt sinh bệnh tội nghiệp.
“Công nghệ chế biến” siêu đẳng
Chúng ta vẫn thường nghe nói hoặc đọc trên báo chuyện rau muống mỗi ngày lớn lên cả gang tay, giá sống chỉ qua một đêm đã mập ú, dài cả tấc. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy.
Một lần bản thân tôi chứng kiến một chuyện như phép màu: Hôm đó tôi đi xe đêm từ Huế ra Hà Nội, lúc xe mới chạy tôi thấy một chị xách một cái bao tải loại trung bình lên xe. Vì có cái bao nên chị xin phụ xe cho chị ngồi băng sau cùng, bảo đem ít dưa chuột ra Bắc cho bà con.
Xe chạy suốt đêm, gần sáng tôi thấy chị thay cái bao khác lớn hơn, chị đổ đống dưa đó qua. Trời ơi, mới một đêm mà dưa lớn gần gấp đôi. Thấy tôi thắc mắc, chị nói thiệt là có bỏ chút hóa chất cho dưa lớn ra ngoài ấy bán kiếm tiền xe!
Điều rất lạ là sức chịu đựng của người TP giỏi thiệt. Ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, rồi thực phẩm độc hại tràn ngập khắp nơi nhưng người đô thị vẫn bình chân như vại. Một thái độ sống đáng khâm phục.
Hỏi những bà nội trợ về chuyện mua sắm đồ ăn thức uống, câu trả lời thường là “biết sao bây giờ”, vì biết mua nơi nào cho chắc an toàn thực phẩm.
Nhất là những gia đình lao động nghèo, đâu có điều kiện, thời gian tìm mua thực phẩm an toàn nên phải “sống chung với thực phẩm độc hại” thôi!