Dầu cá ăn mòn xốp: Đây là câu trả lời của TS Mỹ và PGS Việt Nam

Hoàng Hương - Tiểu Nhã |

Về chuyện dầu cá có ăn mòn xốp hay không, chúng tôi xin cung cấp nhận định của 1 TS dinh dưỡng ở Mỹ và 1 TS Hóa học ở Việt Nam để độc giả có cái nhìn đa chiều.

LTS: Dư luận đang băn khoăn sau khi thông tin về 1 loại thực phẩm chức năng dầu cá Omega-3 Trung Quốc có thể ăn mòn xốp. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang tích cực vào cuộc làm rõ cụ thể về vấn đề này để có phát ngôn chính thức.

Song song đó nhiều chuyên gia uy tín khẳng định chất Omega-3 không thể ăn mòn xốp giống như mẫu thực phẩm chức năng nên trên.

Trong khi chờ cơ quan chức năng kết luận về trường hợp cụ thể này, để quý độc giả có cái nhìn rõ hơn về vấn đề dầu cá có ăn mòn xốp hay không, chúng tôi xin cung cấp nhận định của 1 TS dinh dưỡng ở Mỹ và 1 PGS về hóa học ở Việt Nam.

1) Lời trấn an của Tiến sĩ Dinh dưỡng Mỹ

Năm 2013, tại Mỹ cũng từng xôn xao vì một video thực phẩm chức năng dầu cá “ăn mòn”cốc nhựa xốp - cốc này làm bằng chất liệu polystyrene. Từ đó, dư luận Mỹ xôn xao nghi ngờ về chất lượng cũng như sự an toàn của loại thực phẩm chức năng này.

Ngay sau đó, Tiến sĩ Neil E.Levin, chuyên viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng của Mỹ và Quốc tế đã đưa ra những lời giải thích để trấn an dư luận.

- Tiến sĩ Neil E. Levin là một chuyên gia của Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng của Mỹ và Quốc tế. Đồng thời, ông nằm trong Ban lãnh đạo Tổ chức Y tế Trung Mỹ.

- Năm 2008, ông vinh dự được nhận giải thưởng cao quí của Tổ chức Y tế Trung Mỹ vì những đóng góp to lớn vào các chương trình dinh dưỡng triển khai ở khu vực này.

- Tiến sĩ Niel thường xuyên viết bài cho các tạp chí, báo khoa học. Không những thế, ông cũng là khách mời của nhiều chương trình truyền hình và đài phát thanh.

Theo đó, chiếc cốc nhựa xốp polystyrene có thể bị phân hủy bởi dầu cá nguyên chất. Tất cả các loại dầu cá sẽ có phản ứng tương tự với chất polystyrene.

Ngay cả những chất tự nhiên tốt cho sức khỏe khác như  tinh dầu chanh tươi cũng có thể phân hủy polystyrene.

Thực nghiệm dầu cá ăn mòn xốp polystyrene

Trong đoạn video thí nghiệm với cốc nhựa xốp polystyren, dầu cá được cô đặc ở dạng ethyl-este (EE) có tác dụng phân hủy cốc nhựa xốp nhanh hơn nhiều so với dầu cá được chưng cất ở dạng triglyceride (TG).

Đơn giản bởi số lượng liên kết hóa học trong 2 dạng này khác nhau.

Tính phân cực hóa học tương tự như thế cũng có thể giải thích tại sao tinh dầu chanh tươi cũng nhanh chóng phân hủy cốc nhựa xốp.

May mắn thay, cơ thể con người không chứa chất polystyrene và không bị ảnh hưởng gì từ các loại dầu cá tổng hợp.

PGS.TS Trần Hồng Côn: Người tiêu dùng không cần phải hoang mang

Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ, PGS TS Trần Hồng Côn - khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, khẳng định việc dầu cá làm tan xốp không có gì ghê gớm, người tiêu dùng không nên hoang mang.

Theo giải thích của PGS.TS Trần Hồng Côn, thành phần làm xốp polime được thổi thành dạng hạt trong đó có polime và không khí rất dễ bị xẹp, tan chảy khi gặp các dung môi hữu cơ không phân cực và ít phân cực.

Trong thực phẩm, những dung môi này có thể dùng được.

Các chất hữu cơ được chia ra các loại không cực, ít cực và phân cực và về nguyên lý phân cực tan chảy trong phân cực và không phân cực hòa tan không phân cực.

Ví dụ: Nước phân cực rất mạnh thì rất dễ hòa tan những cái phân cực, không phân cực hòa tan không phân cực. Ví dụ muối rất dễ phân cực nên khi cho dầu cá hay dầu ăn không thể hòa tan được muối.

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết bản thân dầu cá nó là dung môi hỗn hợp các axit béo và ester của axit béo nên nó chứa các thành phần ít phân cực có thể hòa tan bọt xốp.

Dầu cá được làm từ gan cá và mỡ cá, thành phần này chứa chứa nhiều ester ethyl, chứa nhiều chất dầu mỡ khác nên nó có thể làm tan chảy xốp.

Còn những thứ dầu cá nhập lậu từ nơi nào ít, dầu cá chỉ có thành phần 50 -60% còn lại có các dung môi khác thì không rõ thế nào. Còn nếu dầu cá chính hãng thì thì chắc chắn sẽ làm tan xốp.

Tại buổi họp báo của Bộ Y tế vào chiều 7/1/2016, các thông tin và kết quả thực nghiệm hoàn toàn khớp với thông tin mà chúng tôi nêu ra trong bài này.

Mời quý độc giả xem chi tiết buổi họp báo của Bộ Y tế tại đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại