Trả lời trong buổi họp báo trực tuyến ở về vấn đề vắc xin ngày hôm nay, đại diện của Bộ Y tế, ông Ngô Khánh Hoàng, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Thư ký Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho rằng, tỉ lệ trẻ em Việt Nam tử vong (chưa rõ nguyên nhân) sau khi tiêm vắc xin là rất nhỏ.
Trước tiên, hãy thống kê số lượng trẻ tử vong vì Quinvaxem kể từ khi loại vắc xin này được đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến nay.
Ước tính từ năm 2007 đến tháng 1/2014 có 63 ca tử vong sau khi tiêm Quinvaxem. Năm 2014 có 10 trường hợp và đến cuối tháng 9/2015 có 8 trường hợp.
Như vậy, từ khi Quinvaxem được đưa vào sử dụng tiêm chủng mở rộng đến nay, đã có ít nhất 81 trường hợp tử vong được ghi nhận sau khi tiêm.
Vậy trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 9/2015, đã có bao nhiêu liều Quinvaxem được tiêm cho các em? Bộ Y Tế cho biết, đã có 24,9 triệu liều Quinvaxem được sử dụng.
Nếu chia ra, tỉ lệ tử vong cho trẻ sau khi tiêm Vắc xin Quinvaxem là vào khoảng 307.000 mũi tiêm/ca tử vong.
Đáng chú ý, không có ca tử vong nào xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, những nơi cơ sở y tế tốt và chuẩn bị được cho tình huống bé sốc phản vệ.
Pentaxim – vắc xin dịch vụ được người dân xếp hàng để tiêm chủng từ sáng sớm có số lượng vô cùng khan hiếm, khoảng 250.000 liều trong năm nay. Hexa – Infarix có số lượng còn ít hơn nữa, chỉ 30.000 liều vắc xin trong năm 2015.
Có thể thấy, dù tất cả 250.000 mũi tiêm Pentaxim, cộng với 30.000 mũi tiêm Hexa-Infarix có được dùng hết và không gây ra trường hợp tử vong nào cũng không có nhiều ý nghĩa, đơn giản bởi số mũi tiêm chưa đủ lớn.
Chỉ có 280.000 liều vắc xin dịch vụ được tiêm trong năm nay, trong khi Quinvaxem được tiêm khoảng 4,5 triệu liều mỗi năm.
Pentaxim thì không công bố số liệu về số ca tử vong sau khi tiêm vắc xin. Nhưng Hexa - Infarix, một loại vắc xin dịch vụ khác thì có.
Infanrix Hexa là loại vắc-xin 6-trong-1, có tác dụng ngừa 5 loại bệnh như của Quinvaxem và cộng thêm bệnh bại liệt. Hexa - Infarix do công ty Glaxo Smith Kline (GSK) của Anh sản xuất. Nếu các ông bố bà mẹ đưa con sang Singapore tiêm chủng thì sẽ dùng loại thuốc này.
Trong công bố của mình, GSK cho biết sau 12 năm vắc-xin được dùng ở Ý, có 15 triệu mũi Infanrix Hexa đã được tiêm. Trong đó có 63 ca tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày kể từ khi tiêm.
Con số này tương ứng với khoảng 238.000 mũi tiêm/ca tử vong. Nếu so với con số 307.000 mũi tiêm/ca tử vong thì có thể thấy Quinvaxem còn an toàn hơn.
Cần phải nói thêm là những trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin đa phần không thể khẳng định nguyên nhân là do vắc xin. Hầu hết các ca tử vong đều là không rõ nguyên nhân (SIDS) chứ không phải lỗi của vắc xin.
Sự kiện lớn nhất khiến vắc xin Quinvaxem bị tạm ngừng sử dụng vào năm 2013 sau khi 3 trẻ em tử vong tại Quảng Trị được khẳng định là do tiêm nhầm thuốc co bóp tử cung chứ không phải do vắc xin.
Trong khi người dân đang "phát sốt" lên đi tiêm chủng dịch vụ hay sang tận nước ngoài, những con số thống kê lại đang vẽ cho chúng ta thấy một sự thật trái ngược với những gì chúng ta thường nghĩ. Vậy vấn đề đang nằm ở đâu?