Chì độc hại đến mức nào?
Chì xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và đường miệng. Khi tiếp xúc với chì, các bộ phận như mắt, mũi, họng có cảm giác đau rát, sau đó là những triệu chứng như đau đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ...
Theo các nhà khoa học, nồng độ chì cho phép trong cơ thể người là dưới 10mcg/dL. Nếu lượng chì trong cơ thể cao hơn mức này sẽ gây ra nhiễm độc chì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ăn không ngon, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn, bị chuột rút, tăng nguy cơ cao huyết áp...là các triệu chứng do nhiễm độc chì gây ra. Về lâu dài sẽ gây ra các bệnh về thận, tổn hại não và thiếu máu, thậm chí gây ra tử vong.
Đối với trẻ em, hậu quả của nhiễm độc chì nặng nề hơn. Ở cấp độ nhiễm độc cao, chì sẽ tấn công hệ thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, trẻ có thể chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi...
Phụ nữ có thai nếu tiếp xúc với chì thường xuyên thì khả năng xảy thai hoặc thai nhi chết sau khi sinh là rất lớn.
Không chỉ những người làm công việc có liên quan đến chì mới có nguy cơ nhiễm độc, nghiêm trọng hơn khi tất cả mọi người đều có khả năng bị nhiễm chì từ những đồ vật tiềm ẩn ngay trong ngôi nhà của mình.
Những vật dụng trong gia đình chứa chì
Sơn
Chì được cho thêm vào sơn vì khiến sơn ít bị rạn nứt và tăng độ đậm đặc. Ngoài ra, chì cũng làm cho màu sơn trở nên bắt mắt và phong phú hơn. Thêm nữa, chì còn có tác dụng làm sơn mau khô và chống rỉ sét.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm lại bắt đầu sau những năm sơn đã khô và bong tróc. Bụi từ những mảnh sơn hoặc bề mặt sơn chà nhám khiến người dân dễ hít phải bụi độc hại.
Tại Mỹ, từ năm 1978, Chính phủ đã cấm thêm sơn có chì để sơn đồ vật trong gia đình, đồ chơi trẻ em và đồ nội thất.
Một báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu môi trường ở Viện Blacksmith New York, Mỹ cho thấy, nhiều trẻ em tiếp xúc với chì trong thời thơ ấu khi lớn lên sẽ có chỉ số thông minh thấp hơn và còn gây hại vĩnh viễn cho não.
Tiếp xúc với chì ở mức độ cao có thể gây hôn mê, co giật, thậm chí là tử vong, ngoài ra đối với những đứa trẻ sống sót vẫn có thể bị chấn thương vĩnh viễn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 600.000 trường hợp trẻ em bị thiểu năng trí tuệ vì tiếp xúc với chì.
Các bậc phụ huynh không nhận ra rằng trẻ em không ăn sơn nhưng vẫn bị nhiễm độc chì. Bởi chúng ngậm hoặc mút tay dính các vẩy hoặc bụi sơn từ tường, cửa và các vật dụng trong gia đình được sơn từ các loại sơn có chì.
Thực phẩm và kẹo đóng hộp
Ở Mỹ, hàn chì bị cấm sử dụng trong sản xuất các hộp đựng thức ăn nhưng ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở Châu Á, thức ăn đóng hộp có mối hàn chì vẫn xuất hiện khắp nơi. Không những thế, chì còn được tìm thấy ở trong giấy gói kẹo.
Đồ chơi
Đồ chơi có thể chứa hàm lượng chì cao và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Chì thường có trong các loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ vì sử dụng thuốc nhuộm chứa chì nhiều. Bọn trẻ trong quá trình chơi có thể cho vào miệng nhai.
Những ngôi nhà, búp bê và hay các món đồ chơi hành động đều được sơn bằng sơn chứa chì. Và những miếng kim loại nhỏ có thể được hàn bằng hàn chì.
Năm 2008, Mỹ đã phải đau đầu vì những vụ trẻ em ngộ độc chì từ đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc. Và ngay tại Trung Quốc, số trẻ em nhiễm độc chì cũng khá cao.
Phương thuốc y học cổ truyền
Đông y sử dụng dược liệu từ 3 nguồn: thảo dược (cây cỏ), động vật và khoáng vật. Trong các dược liệu được dùng trong y học cổ truyền có loại dược liệu có nguồn gốc khoáng vật có chứa chì.
Các chuyên gia ở Bệnh viện Mayo Clinic ở Tây Ban Nha đã cảnh báo người dân không nên sử dụng azacon hoặc san hô biển để chữa bệnh rối loạn dạ dày và các bệnh về đường tiêu hóa.
Bài thuốc ba-baw-san chữa bệnh đau bụng cho trẻ em của Trung Quốc cũng chứa chì. Người dân Thái Lan vẫn tin dùng bài thuốc hỗ trợ tiêu hóa daw tway có chứa hàm lượng chì và asen cao.
Nhiều trẻ em ở Việt Nam đã phải nhập viện vì nhiễm độc chì sau khi được kê thuốc y học cổ truyền mang tên thuốc cam, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng...
Đồ gốm sứ, pha lê
Hiện nay, trên thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam xuất hiện các sản phẩm đồ gốm sứ nhiễm chì. Có thể nhận thấy, những món đồ càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì có hàm lượng chì càng cao.
Sử dụng các sản phẩm như bát, đĩa chứa chì hàng ngày đồng nghĩa với việc chúng ta vô tình đã đưa chì vào cơ thể.
Thịt động vật hoang dã
Mọi người có thể bị nhiễm chì khi ăn thịt động vật hoang dã bị bắn chết bằng đạn chì.
“Nghiên cứu gần đây chỉ ra các mảnh chì nhỏ xuất hiện trong thịt nai được tìm thấy từ những viên đạn chì. Bụi chì có thể nhiễm vào thịt, và bạn ăn chúng mà không hề hay biết”, báo cáo của Sở y tế New York, Mỹ cho biết.
Không chỉ có vậy, chì còn xuất hiện nhiều trong một số vật dụng trong gia đình như đèn pin, máy tính, mỹ phẩm, đất, ống nước...
Nên làm gì để hạn chế nhiễm độc chì?
Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC) đã cung cấp những gợi ý hữu ích để ngăn ngừa tình trạng người dân, đặc biệt là trẻ em bị phơi nhiễm chì.
- Nếu ghi ngờ ngôi nhà của mình được sơn bằng sơn chứa chì, bạn hãy xử lí ngay. Bạn nên chọn các loại sơn trong nhà và ngoài trời không chứa chì.
- Nên cẩn thận khi ăn uống. Tránh sử dụng những thực phẩm và bánh kẹo đóng hộp, thịt động vật hoang dã, trừ phi bạn xác minh được nguồn gốc xuất xứ của chúng, không bị nhiễm chì.
- Nên sử dụng các vật dụng: bát đĩa gốm, pha lê...có nguồn gốc rõ ràng, tránh nhiễm độc chì.
- Với các sản phẩm làm đẹp: kem dưỡng da, son môi... nên cẩn trọng trước khi mua
- Có chế độ ăn thích hợp có nhiều chất sắt, calci, vitamin C để giúp cơ thể chống chì, thường xuyên rửa tay.
* Theo Care2