Coi thường 1 cái mụn, trả giá bằng mạng sống

Lệ Nam |

Hầu hết mọi người đều coi việc mọc mụn là chuyện nhỏ có thể xử lý tại nhà mà không biết rằng tự nặn mụn rất nguy hiểm có thể dẫn đến những hậu quả như sốc nhiễm khuẩn, tử vong.

Cấp cứu vì tự ý nặn mụn

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp-  Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết trước đó bệnh viện đã cấp cứu cho một người đàn ông tại Hà Nội tử vong vì sốc nhiễm khuẩn do tự ý nặn nhọt ở mông.

Bệnh nhân tên Nguyễn Văn N. trước đó ông N. có một cái mụn nên đã tự tay nặn. Tuy nhiên, đầu mụn không to lên mà càng ngày càng sưng, loét ra. Bệnh nhân không biết nên bị nhiễm trùng vết mụn và ăn vào nhiễm trùng máu.

Bệnh nhân bị sốt cao, suy hô hấp gia đình đưa vào cấp cứu. Sau nhiều ngày cấp cứu tích cực, bệnh nhân được gia đình xin về vì tiên lượng rất xấu.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp cấp cứu vì tự nặn mụn. Anh Bùi Văn Thao trú tại Hòa Bình cũng phải đi viện vì tự nặn mụn.

Anh Thao cho biết thấy ở mu có một cái mụn. Vì là mụn ở vùng kín anh ngại nên đã tự nặn. Không thấy ngòi, đau không mặc quần được anh mua dao lam về tự trích. Kết quả, vết trích sưng to khiến anh bị sốt. Gia đình anh vội đưa anh vào viện cấp cứu.

May vết thương chỉ nhiễm trùng nên tiêm kháng sinh và uống thuốc tiêu độc là vết thương khô dần. Nếu trừng hợp của anh Thao đi chữa muộn có thể gây sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu.


Nhiều người coi việc nặn mụn tại nhà là rất đơn giản, thực tế việc này cũng cần được xử lý y tế phù hợp.

Nhiều người coi việc nặn mụn tại nhà là rất đơn giản, thực tế việc này cũng cần được xử lý y tế phù hợp.

Nặn mụn hay gây ra nhiễm trùng vì các mụn nhọt thường do tụ cầu gây ra. Bình thường khi sưng nề, cơ thể sẽ tự tạo hàng rào khu trú ổ nhiễm khuẩn lại và tạo thành các ngòi mủ.

Các mụn nhọt khi đang sưng tấy cần được điều trị bằng những kháng sinh phù hợp và chỉ khi hàng rào bảo vệ đã hình thành rõ và đã hình thành ổ mủ mới nên chích nặn.

Việc chích nặn non khi hàng rào bảo vệ chưa chắc chắn có nguy cơ phá vỡ hàng rào này, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùngmáu hoặc tạo các ổ nhiễm trùng di bệnh ở nhiều cơ quan khác

Nặn mụn như thế nào?

Theo PGS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương việc nặn mụn trứng cá nhất là các mụn đinh râu có thể gây nhiễm trùng, sốc nhiễm trùng máu và tử vong nếu người bị mụn trứng cá nặn không đúng cách, khi tay còn bẩn.

Vết thương hở sau khi nặn mụn cũng có thể bội nhiễm thêm các vi khuẩn, vi trùng khác. Nếu không biết điều trị có thể tử vong vì biến chứng sốc nhiễm trùng. Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều.

Theo các bác sĩ da liễu, người bị mụn không nên tự nặn mụn  đặc biệt mụn đinh râu là mụn mọc ở quanh miệng, khu vực có râu.

Mụn đinh râu rất nguy hiểm, nếu tự ý nặn có thể giật méo miệng vì khu vực này có nhiều mạch máu, dây thần kinh. Nếu nặn mụn đinh râu rất dễ nhiễm trùng máu vì máu đi vào hệ tuần hoàn nhanh nhất.

Khi vi khuẩn từ các mụn nhọt ở đây lọt vào hệ thống tĩnh mạch sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng máu - một loại nhiễm trùng toàn thân, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì rất dễ tử vong, ngay cả khi được điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong cũng cao.

Để điều trị các mụn nhọt thông thường, chỉ cần bôi thuốc sát trùng như Betadine, cồn lode 3%, hoặc ngâm tay, ngâm chân vào nước muối đặc. Khi nhọt đã “chín” thì chích mủ, nhưng phải đảm bảo vô trùng, tuyệt đối không được nặn nhọt non.

Trong trường hợp nhọt to có sốt cao hay bị đinh râu, hậu bối có nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện.

Để phòng mụn nhọt, ta phải giữ vệ sinh thân thể như giặt quần áo, thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là về mùa hè, sau khi lao động nơi bụi bẩn.

PGS Thường nhấn mạnh cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Không gãi và nặn mụn nhọt, nhất là đinh râu, vì nặn làm tổn thương hàng rào bảo vệ, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại