Là những người đem lại chút hi vọng nhỏ nhoi cho các nạn nhân khi mà 90% số nạn nhân nhiễm Ebola sẽ chết, các bác sĩ địa phương và nước ngoài vẫn đang nỗ lực hết mình để chiến đấu với loại virus nguy hiểm bậc nhất thế giới hiện nay ở Tây Phi.
Đã có nhiều trường hợp bác sĩ tử vong hoặc nhiễm bệnh phải đưa về nước điều trị nhưng các thày thuốc còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu với loại virus nguy hiểm này, để ngăn chặn khả năng bùng phát quy mô lớn của Ebola ra toàn cầu.
Các nhân viên làm nhiệm vụ an táng cho nạn nhân chết vì Ebola
Đánh đổi mạng sống
Daniel Bausch là chuyên gia về Ebola của Đại học Tulane(Mỹ) đã đến Sierra Leone để hỗ trợ cho tiến sĩ Sheik Humarr Khan, người từng cùng với 1 y tá duy nhất chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân Ebola tại đây.
Daniel mô tả: “Sàn nhà tràn ngập máu, chất nôn, phân và nước tiểu. Trong khi đó, các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển. Cần cả một đội để đưa nạn nhân xuống sàn nhà, vệ sinh giường rồi đưa họ trở lại chỗ nằm”.
Ở đây, tất cả các nhân viên y tế tiếp xúc với nạn nhân đều phải mang trên người những bộ quần áo bảo hộ cồng kềnh, nhiệt độ trong khu cách ly được báo cáo có thể tăng lên đến mức nguy hiểm cho cả bệnh nhân và y bác sĩ.
Trong khi đó các y bác sĩ phải làm việc trong môi trường căng thẳng, nguy hiểm lại được trả lương rất ít ỏi. Kể từ khi có dịch, họ phải làm việc lên đến 12 giờ/ngày để kiếm được thêm 30 USD/tuần tiền phụ cấp nguy hiểm, thế nhưng điều đáng nói là chính phủ Sierra Leone đến nay vẫn không chi trả được cho những con người dũng cảm này.
Trong khi đó, Joseph Fair, một chuyên gia khác về Ebola của Mỹ đã đến Kenema, Sierra Leone để giúp đỡ các nạn nhân của đại dịch cũng được chứng kiến những câu chuyện cảm động về các nhân viên y tế tại đây.
Khi Joseph đến nơi, anh làm việc với tiến sĩ Sheik Humarr Khan, y tá trưởng Mbalu Sankoh và y tá cấp cao Alex Moigboi. Chỉ 10 ngày sau khi chuyên gia người Mỹ bắt đầu công việc của mình, Mbalu Sankoh đã chết vì Ebola, tiếp sau đó là Moigboi và cuối cùng, tiến sĩ Khan cũng không thể chiến thắng được thần chết.
Theo Reuters, cái chết của bác sĩ Sheik Umar Khan - người đã điều trị hơn 100 bệnh nhân - cùng với hàng chục nhân viên y tế địa phương, 2 nhân viên y tế Mỹ ở Liberia bị lây nhiễm cho thấy mối nguy hiểm mà các nhân viên y tế phải đối mặt khi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở Tây Phi.
Tiến sĩ Khan 39 tuổi được Bộ Y tế nước này đánh giá là một "anh hùng dân tộc" và được chuyển đến một khu điều trị dịch ở phía bắc của Sierra Leone. Ông tử vong chưa đầy một tuần sau khi chẩn đoán nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Sheik Umar Khan, "anh hùng dân tộc" ở Sierra Leone
Trong nhiều tuần sau đó, Joseph đã đến dự rất nhiều đám tang của những nhân viên y tế tận tâm nhất trong khu vực. Họ đã dũng cảm sát cánh cùng người dân để chiến đấu với dịch bệnh được đánh giá nguy hiểm hơn cả HIV và ra đi, để lại chuyên gia người Mỹ một cảm giác mà Joseph gọi là "một khoảng trống rất lớn".
Monia nói: “Bạn có thể thấy được sự tuyệt vọng và sợ hãi trong ánh mắt của các nạn nhân khi họ nhìn các nhân viên y tế. Họ nắm chặt lấy bàn tay của chúng tôi và không để chúng tôi rời đi”.
Trong cuộc chiến với đợt dịch Ebola hiện nay, còn có một bác sĩ cấp cao ở bệnh viện lớn nhất của Liberia là tiến sĩ Samuel Brisbane cũng qua đời vì nhiễm virus trong quá trình điều trị.
Tiến sĩ Samuel Brisbane từng là cố vấn y tế cho cựu Tổng thống Liberia, Charles Taylor. Ngoài ra, ông còn là nhà tư vấn cho các đơn vị nội khoa của bệnh viện lớn nhất cả nước, Trung tâm Y tế tưởng niệm John F Kennedy, ở thủ đô Monrovia.
"Cảm xúc nặng nề"
Mặc dù có những mất mát nhưng ở những khu vực khác của Tây Phi, hàng trăm chuyên gia y tế đến từ khắp nơi trên thế giới vẫn làm việc liên tục ngày đêm để ngăn chặn sự bùng phát của Ebola.
Ngày 9/8, châu Á đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Ebola đến khu vực này. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi nhiễm đều cho phản ứng âm tính với Ebola.
Ở đây, các bác sĩ làm việc từ 15 - 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. William Fischer, một bác sĩ đến từ North Carolina chỉ kịp gửi một email ngắn gọn về cho gia đình và người thân với nội dung “tôi yêu tất cả mọi người” trước khi di chuyển vào vùng tâm dịch theo chỉ đạo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO.
Vị bác sĩ này cũng tâm sự rằng, những ngày làm việc tại Tây Phi, chiến đấu với đại dịch Ebola đôi lúc tạo cho ông "một cảm xúc nặng nề".
Thế nhưng, đối với họ đó chỉ là những cảm xúc nhất thời vì làm việc dưới áp lực lớn trong thời gian dài, chỉ cần khi có nạn nhân nào đó thoát được lưỡi hái thần chết thì mọi mệt mỏi đều tan biến và thay vào đó là niềm hạnh phúc khó tả.
Monia Sayah, nữ y tá của Tổ chức Bác sĩ không biên giới được điều động tới Guinea để điều trị cho các bệnh nhân Ebola đã kể về những khoảnh khắc hiếm hoi, khi mọi người ăn mừng vì có ai đó hồi phục sau khi nhiễm virus.
Cô nói: “Khi đó những người làm vệ sinh nhà cửa, những người làm nhiệm vụ giặt là, những bác sĩ, những y tá... tất cả, tất cả đều rất hạnh phúc”.
Nhưng bên trong ổ dịch nguy hiểm này, việc sống sót và điều hiếm hoi và những khoảnh khắc hạnh phúc như Monia mô tả cũng không thường xuyên xuất hiện. Các nạn nhân của Ebola đều hiểu khả năng sống sót của mình khi đã bị nhiễm virus.