Chồng dầm mưa, thức trắng đêm "bắt quả tang" vợ ngoại tình

Sẵn chút men trong người, thấy lời vợ nói chướng tai anh liền “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” khiến chị gãy luôn một tay. Lại có trường hợp ông chồng nghiện rượu hoang tưởng vợ có nhân tình nên dầm mưa cả đêm để theo dõi đôi “gian phu dâm phụ”.

Đại gia say rượu "choảng" vợ gãy tay

Nhà Nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (GĐ Trung tâm tư vấn An Việt Sơn) cho rằng, bia rượu là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình. Ông cho biết, bạo hành thể xác đau một thì bạo hành về tinh thần đau mười.

Nhiều gia đình, chồng bia rượu về đánh đập vợ nhưng cũng có trường hợp, chồng nghiện rượu gây ra ảo giác nghi ngờ, giày vò vợ hành hạ về tinh thần. Điều này còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần.

Theo ông Chất, khi ông chồng uống bia rượu lại bị vợ chỉ trích, trách móc khiến họ rơi vào trạng thái “điên nhất thời” trong khoảnh khắc họ không kiểm soát được hành vi.

Hành động của họ trở thành bản năng, họ muốn thắng, muốn đàn áp đối phương là vợ vì vậy họ dùng đến vũ lực.

Đa số các nạn nhân của tệ nạn bia rượu là nam bởi người phụ nữ ít khi phải tìm đến bia rượu. Họ có nhiều cách giải tỏa áp lực như đi mua sắm, buôn chuyện với bạn bè tìm niềm vui ở con cái.

Ngược lại đàn ông khi gặp áp lực cuộc sống thường tìm đến chất men.

Nghiện rượu thường gặp ở một nhóm nghề nghiệp như: thủ trưởng cơ quan hay phải tiếp khách, người lao động giản đơn, công nhân nhà máy rượu, bia hoặc những người bán hàng giải khát do ảnh hưởng của công việc và nhóm người thất nghiệp.

Ông Chất kể, cách đây 4 năm (năm 2011) chị H. một người phụ nữ với cánh tay băng bó đã đến gặp ông với những lời chì chiết nặng nề dành cho chồng. Chị cho rằng, chồng chị nghiện rượu đã đánh vợ đến nỗi gãy tay, gia đình tan nát.

Theo chị, anh A., chồng chị là người đàn ông rất tốt anh làm kinh tế giỏi, không chơi bời và có trách nhiệm với gia đình.

Tuy nhiên, một thời gian sau khi kết hôn công việc làm ăn gặp khó khăn. Anh mất dần thu nhập và lâm vào nợ nần. Lúc này, do áp lực anh đã tìm đến bia rượu để giải tỏa. Chồng không làm ra tiền lại còn say sưa suốt ngày khiến chị vợ bức xúc, chì chiết.

Anh càng chìm đắm trong men say. Đến một hôm sau khi say về nhà bị vợ buông lời khó nghe anh đã đánh vợ. Trận đòn khiến chị gãy tay.

Anh còn xúc phạm gia đình vợ, đuổi vợ ra khỏi nhà. Lúc này không ai nhận ra con người trước đây của anh.

Chị vợ quá đau khổ đã tìm đến nhà tư vấn tâm lý xin ý kiến có nên bỏ người chồng nghiệp ngập, vũ phu này không. Sau thời gian được tư vấn, chị đã thay đổi thái độ nhẹ nhàng khuyên chồng cai rượu.

Từ khi không còn dùng chất men, anh đã trở lại con người trước kia tìm cơ hội để sửa lỗi lầm.

Ông An Chất nhấn mạnh, bạo lực gia đình không do bia rượu mà bia rượu chính là chất xúc tác, kích động gây nên những hậu quả đau lòng.

Trắng đêm rình vợ ngoại tình

Một trong những tác hại khủng khiếp của bia rượu là khiến người uống có thể bị rối loạn tâm thần. BS Đinh Hữu Uân, BV Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, HN) chia sẻ, triệu chứng chủ yếu của những người này là hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị truy hại.

Nội dung của hoang tưởng liên quan đến các sự vật có thật xung quanh bệnh nhân như: vợ, con, hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè.

Người bệnh rất đa cảm, họ luôn hoảng sợ, hoang tưởng luôn cho phối hành vi và thường tấn công người khác.

Chồng chị L. (45 tuổi, Hà Nam) cũng là một trường hợp như vậy. Nếu như vợ anh A. bị bạo hành về thể xác thì chị L. lại bị bạo hành về tinh thần.

Chị làm nghề bán bún, phở kiêm thêm nấu rượu phục vụ khách. Do vợ khéo léo làm ăn nên chồng chị rất nhàn nhã.

Sẵn nhà có rượu anh cũng làm vài chén cho vui, uống lâu thành nghiện. Bữa cơm nào không có chén rượu nhấp môi là anh khó chịu, thậm chí ăn sáng anh cũng phải có một chén để “súc miệng”.

Từ ngày say men rượu, anh đâm suy nghĩ linh tinh. Anh ngờ vợ có người tình bên ngoài. Mỗi lần say anh lại giày vò, đánh đập chị với lý do: “đòn đau mới nói thật”. Các con can ngăn, anh lại chuyển sang đánh con.

Chán nản chị chuyển hẳn ra quán sống, không về nhà khiến nghi ngờ của anh càng tăng. Anh rình rập để bắt quả tang vợ ngoại tình. Trời mưa, gió rét anh nấp ngoài cửa quán cả đêm để bắt nhân tình nhưng nào có “tóm” được ai.

Anh xé hết quần áo mới của chị mục đích “mẹ mày không ăn diện được để theo trai”. Đàn ông vào quán có lỡ trò chuyện với chị cũng bị anh úp cả bát phở lên đầu. Lâu dần quán chị cũng phải thưa khách.

Không chịu nổi cảnh bị bạo hành, chị gửi đơn ly hôn ra tòa ly hôn.

60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu

Đánh đập vợ con, không thể là nhân lực lao động chính trong gia đình lại còn là gánh nặng về kinh tế là hậu quả của những người nghiện rượu.


60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu (Ảnh minh họa)

60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu (Ảnh minh họa)

Chị Hà (Nghệ An) nói trong nước mắt: “Nhà có buồng chuối định dành cho con gái mới đẻ cũng bị ông ấy chặt mất đem ra chợ bán lấy tiền uống rượu. Gà vừa đẻ trứng chưa kịp xuống ổ ông ấy cũng chộp luôn đem ra quán đổi chén rượu.

Thậm chí chai rượu thắp hương trên bàn thờ chưa cháy hết hương ông ấy cũng vái lấy vái để rồi đưa xuống bật nắp uống luôn”.

Nhà chị dường như không còn vật dụng gì giá trị vì tất cả đã đội nón đi theo con ma men của chồng.

Điều đáng nói nhất là cha nghiện rượu khiến thằng con trai lớn của chị cũng đi theo vết xe đổ của cha. Có hôm vợ đi vắng, hai cha con bày tiệc rượu ra uống.

Uống xong lại cãi nhau, vác dao đuổi nhau chạy khắp làng. Đi làm về nhìn thấy cảnh trên, chị không khỏi ngao ngán.

Tại Việt Nam, 60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu. BS Đinh Công Uân cũng nhấn mạnh, rượu gây suy kiện cơ thể và gây loạn thần (7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu). vì vậy người nghiện rượu cần được cai nghiện để có thể hòa nhập với cộng đồng.

Việc cai nghiện rượu, ông Uân cho biết, gồm 2 bước. Đầu tiên, người bệnh phải được điều trị giải độc thời gian khoảng 2-4 tuần, sau đó cần điều trị duy trì để chống tái phát thời gian khoảng 2 năm.

Trong tất cả quá trình này không thể thiếu sự động viên, hỗ trợ của người thân và gia đình

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại