Nhân sâm trong y học hiện đại
Năm 2014, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Georiga, Mỹ đã phát hiện nhân sâm giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa cảm lạnh, cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV, virus gây bệnh đường hô hấp chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).
Được công bố trên tạp chí Nutrients, nghiên cứu này còn cho thấy nhân sâm đỏ bảo vệ tế bào biểu mô phổi ở người, giảm sự xuất hiện của gene gây viêm.
Ginsenosides, một chất trong nhân sâm đỏ Hàn Quốc có thể giúp cơ thể đối phó với sự căng thẳng, bệnh tật và mệt mỏi.
Trước đó, nghiên cứu của tiến sĩ Sang - Moo Kang và cộng sự cũng đưa ra kết quả tương tự. Nhân sâm có thể chống lại bệnh cúm lợn nguyên nhân xuất phát từ các loại virus cúm H1N1 và H3N2. Những con virus này đã gây ra trận đại dịch năm 2009 tại châu Á.
Những con chuột được cho dùng nhân sâm trong thời gian khoảng 60 ngày cho thấy nhiều tác dụng trên hệ miễn dịch như kích thích sản sinh protein kháng virus sau khi bị nhiễm virus cúm.
Nhân sâm cũng ngăn ngừa sự thâm nhiễm của các tế bào gây viêm phổi trên chuột.
Không thể phát triển loại vắc xin chống lại bệnh do virus gây ra nhưng tiến sĩ Kang đã chứng minh nhân sâm có nhiều tác dụng hữu ích trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus cúm.
"Khi đại dịch xảy ra, hoặc với những người không được tiêm chủng, sử dụng nhân sâm sẽ là một lợi thế. Ngoài ra, đối với những người đã được tiêm phòng, uống nhân sâm sẽ có thêm nhiều sức khỏe bằng cách cải thiện hệ thống miễn dịch”, tiến sĩ Kang cho biết.
Nhân sâm trong Y học cổ truyền
Người Trung Quốc gọi nhân sâm là “cây hình người”, bởi vì rễ cây này giống hình một con người. Loại thảo dược này còn được gọi là “ rễ trường thọ”; “lời hứa của sự bất tử” hay là Panax, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là chữa bách bệnh.
Từ xa xưa, y học Trung Quốc đã coi nhân sâm như một sản phẩm bổ dương hàng đầu, mang lại sự ấm áp và sức mạnh để đối đầu với cảm lạnh và yếu đuối.
Loại thảo dược này còn được xem là khá an toàn, nhưng những người vượng khí dương không được khuyến khích dùng, vì có thể xảy ra các tác dụng phụ như đau đầu, táo bón.
Các thầy thuốc y học cổ truyền ít khi đơn toa thuốc bổ dương cho người bị bệnh nhiễm trùng đang tiến triển vì loại thuốc bổ này cũng có thể làm tăng sức mạnh cho các con virus.
Do đó, các thầy thuốc khuyên nên coi nhân sâm như một biện pháp phòng ngừa chứ không phải một liều thuốc điều trị các triệu chứng cúm.
Tiến sĩ Kang cũng có lời khuyên tương tự rằng nên dùng nhân sâm một cách thường xuyên, vì nhân sâm là để "phòng bệnh chứ không chữa bệnh".
* Theo The Epoch Times