Liên qua đến bài thuốc chữa bệnh ung thư bằng lá đu đủ của nhà thơ Trần Đăng Khoa đang được dư luận hết sức quan tâm và chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Để tìm hiểu tính thực hư của bài thuốc trên, phóng viên Gia đình Việt Nam đã có những trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.
Không có chuyện lá đu đủ chữa bệnh ung thư
Trao đổi với Gia đình Việt Nam, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - nguyên giám đốc Bệnh viện E Trung ương, Phó chủ tịch Hội ung thư Hà Nội cho biết: “Thông tin dùng lá đu đủ kết hợp với lá sả đun nước uống để chữa khỏi bệnh ung thư là thiếu cơ sở khoa học”.
Theo PGS Nghị, về mặt khoa học, nhựa đu đủ có chất papain thủy phân đạm rất tốt nên nhiều người suy diễn, nhựa đu đủ thủy phân được protein trong động vật thì có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Nhưng điều đó không có cơ sở khoa học, vì khi nhựa đu đủ vào cơ thể sẽ bị phân hủy từ dạ dày và ruột.
Vì thế, cơ thể khó hấp thu được nhựa papain đó vào trong máu để phá hủy khối ung thư. Nên việc đu đủ chữa được ung thu là rất khó tin.
Đồng thời ông Nghị cho biết thêm, thực tế ở Việt Nam có cây thủy tùng (thông đỏ) có một số chất chống ung thư. Chứ chưa thấy loại thuốc chống ung thư nào làm từ thân hoặc lá đu đủ.
PGS.TS Đoàn Hữu Nghị: "Thông tin lá đu đủ chữa bệnh ung thư là thiếu khoa học".
Còn đối với cây sả, thành phần của sả là một hỗn hợp sát khuẩn. Trong y tế thường dùng dầu sả để lau nhà hoặc để tiệt trùng dụng cụ. Sả cũng không được dùng để chiết suất chữa bệnh ung thư.
Đồng quan điểm trên, ThS Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau, Bệnh viện K cho biết, tháng nào khoa cũng tiếp nhận khoảng gần chục bệnh nhân bị tai biến nặng nề, thập tử nhất sinh ở giai đoạn cuối do dùng các loại lá thuốc, thuốc Nam, lá đu đủ, thậm chí cả thực phẩm chức năng để chữa bệnh.
Lúc đến bệnh viện thì khối u sưng to, di căn nhiều nơi, bệnh nhân suy kiệt... nên điều trị chủ yếu là nâng cao chất lượng sống, giảm đau cho người bệnh chứ không còn cơ hội chữa.
Giải thích về nguyên nhân khiến các khối u di căn nặng, ThS. Lực phân tích, sở dĩ người bệnh phải chịu kết cục đáng buồn như vậy là do thiếu hiểu biết. Mặc dù ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng khi phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể khỏi bệnh, ở giai đoạn muộn giúp kéo dài sự sống, cải thiện chất lượng sống rõ rệt.
Nhưng nhiều người khi phát hiện ung thư, lại nghĩ đã bị bệnh là chết hay động dao kéo vào khiến chết nhanh hơn nên không điều trị, về nhà uống nước lá đu đủ, thuốc Nam...
Cần phải xem xét lại thông tin
Còn theo PGS.TS Nghị, việc nghe tin đồn và dùng lá đu đủ chữa bệnh ung thư không phải là hiếm. Thậm chí đã có trường hợp bỏ điều trị khoa học về chữa ung thư theo lời đồn thổi, nhưng vẫn phải quay lại chưa theo khoa học vì chữa theo lời đồn không thể khỏi.
“Thực tế, không ít trường hợp nuốt cóc, uống nọc bọ cạp, mài sừng tê giác … để chữa bệnh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào chữa khỏi bệnh”, PGS Nghị khẳng định.
Về mặt đông y, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Y học cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết, đây là lần đầu tiên ông nghe thông tin lá đu đủ và sả có tác dụng trị ung thư.
Phải xem xét lại thông tin lá đu đủ chữa bệnh ung thư.
Theo ông Khánh, trong y học cổ truyền, có nhiều bài thuốc chữa ung thư nhưng phải phối hợp cả hai phương pháp chẩn đoán và điều trị. Bởi vậy, thông tin lá đu đủ chữa khỏi bệnh ung thư cần phải xem lại.
Trước thông tin trên, PGS.TS Hữu Nghị khuyến cáo, người dân khi bị bệnh ung thư nên đến cơ sở y tế chuyên môn để chuẩn đoán, điều trị theo phương pháp khoa học. Nếu có sự kết hợp, nên kết hợp một số bài thuốc bổ trợ như: đương quy, tam thất …đã được khoa học chứng minh.
“Về mặt khoa học và quy trình nếu có 1 bài thuốc được đưa ra sử dụng thì phải thực nghiệm trên động vật (chuột) sau đó mới đi vào chữa trị trên người, với điều kiện được cơ quan nhà nước cấp phép, chứ người dân không nên nghe theo lời đồn thổi”, ông Nghị khẳng định.