Tuy nhiên, khi lựa chọn chế biến các món ăn với cua đồng, các bà nội trợ cũng cần lưu ý một số điều.
Hãy là bà nội trợ thông thái với những hiểu biết cần thiết dưới đây.
1. Chọn cua
Cua có thể cho nhiều thịt cua hoặc gạch cua. Muốn chọn được cua chắc và thịt thì nên chọn cua đực có yếm nhỏ, nhọn. Ngược lại, cua cái có yếm bông sẽ cho nhiều gạch cua.
Chọn cua tươi, càng khỏe, chân còn đầy đủ, bò nhanh nhẹn.
Tránh mua cua vào giữa tháng âm lịch (từ ngày 13-16) vì thời gian này cua bé, ít thịt. Khoảng tiết thu lập đông là thời điểm cua đồng béo nhất. Các bà nội trợ cần lưu ý thời gian để làm giàu thực đơn cho gia đình.
2. Lưu ý quan trọng khi chế biến
Không ăn cua chết
Khi cua đã chết, trong cơ thể cua có nhiều thành phần hóa học mang tên histidine (có công thức phân tử C3H3N2CH2 (NH2)CO2H), khiến người ăn dễ bị ngộ độc, đau bụng, nôn mửa.
Cua càng chết lâu thì lượng histamine càng nhiều, càng dễ ngộ độc hơn.
Không ăn cua chưa nấu chín
Trong thịt cua còn sống có chứa nang trùng “lungfluke” (đỉa phổi). Nếu không qua nấu chín mà ăn như vậy rất dễ bị đỉa phổi xâm nhập vào phổi, lên não dẫn tới ho ra máu, co giật, bại liệt.
Không ăn cua nấu chín để lâu
Cua đã luộc, nấu chín nhưng để lâu rất dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Do đó, cua chế biến đến đâu nên ăn hết tới đó.
Không ăn cua kèm hồng
Chất tannin chứa trong quả hồng sẽ kết hợp với protein trong thịt cua, sẽ gây nên các triệu chứng như lợm giọng, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…Do đó không ăn cua kèm với quả hồng.
3. Những người không nên ăn nhiều cua đồng
Người bị cảm lạnh sốt, đau dạ dày hoặc những người bị tiêu chảy không nên ăn cua vì thịt cua lạnh khiến bệnh càng nặng hơn.
Trong gạch cua có chứa một hàm lượng cholesterol cao, không tốt cho những người mắc bệnh huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh mỡ trong máu cao. Ngoài ra, người bị dị ứng cũng cần hết sức cẩn trọng khi ăn cua.