Ngứa da mùa đông bệnh không chừa một ai
Vừa thay đổi thời tiết, chị Nguyễn Lan Hương trú tại Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã khốn khổ vì ngứa da.
Đến khám da liễu, chị Hương cho biết da chị mỏng, bình thường chị không dùng các loại sản phẩm chăm sóc da nào bởi nghĩ da đã trắng không cần dưỡng.
Một tuần nay, thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường khiến làn da của chị Hương cũng thay đổi theo.
Mặt chị mẩn đỏ lên vì ngứa. Cả đêm nằm không ngủ nổi chỉ gãi, càng gãi càng thấy ngứa hơn mà không gãi thì không chịu được.
Không chỉ bị ngứa riêng da mặt, da tay và da chân của chị cũng bị ngứa. Chị Hương mua thuốc chống dị ứng về uống không hết. Chị đành phải đi khám bác sĩ.
Tại phòng khám da liễu của bác sĩ CK II Trần Thị Thanh Nho - Nguyên Bác sĩ da liễu Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, chị đã được bác sĩ cho biết da mặt của chị đã bị viêm vì gãi nhiều. Lớp mao mạch bị tổn thương.
Trường hợp của chị Bùi Thùy Dung trú tại Khương Trung, Hà Nội cũng tương tự. Chị Dung cho biết vài ngày nay da chị ngứa ngáy khó chịu.
Chị Dung đã mua kem dưỡng ẩm bôi nhưng càng dùng càng ngứa nên chị Dung phải chuyển sang không dùng gì. Mỗi lần ngứa, chị gãi cho sướng tay, rách cả niêm mạc da nhưng không gãi thì không chịu nổi.
“Ngại nhất là đang ăn cơm, đi làm ngứa cũng không tha. Chị cứ phải lùa tay gãi suốt” - chị Dung tâm sự.
Không chỉ có chị em phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng khốn khổ với ngứa. Anh Nguyễn Trung An trú tại Đông Anh, Hà Nội cũng tương tự.
Anh An cho biết mấy năm nay cứ thời tiết vào đông là da anh mốc lên và ngứa. Ngày đầu, anh còn tưởng là ngứa do dị ứng xi măng nhưng khi không làm gì liên quan với xi măng da anh vẫn không ổn.
Do gãi nhiều quá nên da tay, da chân của anh chằng chịt những vết xước vẩy chưa kịp đóng liền đã bị gãi tung lên.
Vẻ mặt đau khổ, anh An kể “năm ngoái tôi tưởng nấm đi xét nghiệm hết nhưng không đỡ. Làm theo bác sĩ dặn không tắm nước nóng, không sử dụng các chất dễ gây dị ứng nhưng vẫn không hết.
Mới thay đổi thời tiết chưa được 1 tháng mà đêm tôi cứ ngồi gãi như bị ghẻ”.
Bác sĩ chuyên khoa II Thanh Nho cho rằng gần đây bà gặp nhiều bệnh nhân đến khám vì bị viêm da do thời tiết. Thời tiết vào mùa đông hầu như là khắc tinh của da từ trẻ em đến người lớn.
Nguyên nhân khác khiến da bị ngứa là khi tắm phần lớn mọi người đều tắm nước nóng, bật lò sưởi để tạo hơi ấm... Chính nước nóng, lò sưởi lại càng khiến da thêm khô và ngứa.
Khi tắm, chỉ nên dùng nước tan lạnh, dùng các loại sữa tắm dưỡng ẩm cho da. Ở các vùng da hay tiếp xúc như chân, tay sử dụng kem dưỡng ẩm dành riêng cho chân tay.
Thói quen của người bệnh khi bị ngứa, thì ra sức gãi, những chỗ xa quá tầm tay lại dùng bàn tay giả, nhờ người thân gãi...
Có những bệnh nhân vào viện da bị sần lên vì sẹo. Có người còn dùng cả rượu, chanh, lá trầu không, lô hội ... bôi lên da, chà xát, với hi vọng bớt ngứa. Những thói quen đó càng làm cho da bị tổn thương, ngứa không hết mà còn bị bội nhiễm rất khó chữa.
Bác sĩ Nho cho biết hầu hết những người đến khám đều cho rằng họ ngứa như muốn cắt da, xéthịt. Tuy nhiên, ngứa gãi càng làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Bác sĩ Nho chia sẻ để giảm cơn ngứa ngáy và tránh bị ngứa vào mùa đông cần chú ý những việc đơn giản hàng ngày như việc dùng kem dưỡng ẩm.
Tùy từng người có thể dùng kem dưỡng ẩm khác nhau nên dùng loại kem dạng gel thay vì dạng mỡ như trước đây. Không mặc đồ len trực tiếp trên da.
Đồ len chúng sần sùi, chọc chọc vào da, khiến da ngứa thêm
Đặc biệt, tránh tắm, rửa chân tay mặt mũi bằng nước quá nóng vào mùa lạnh. Cảm giác tắm nước ấm làm cho da sạch hơn nhưng nước ấm lại lấy đi các chất ẩm trên da khiến da bị khô, mốc và ngứa.
Chính vì thế, trước khi tắm, cần thử nước tắm sao cho tan giá, không dùng nước ấm và quá nóng.
Khi tắm chỉ xát xà-bông vào những nơi thật cần xà-bông, chỗ phải có xà-bông mới sạch và hết mùi hôi. Ngoài ra, tránh dùng xà-bông trên mặt ngoài như vai, đùi, bụng, lưng, tay chân.
Ngoài ra, cần bổ sung các loại dinh dưỡng giàu vitamin như hoa quả, các thực phẩm có chứa colagen, chất béo để khiến da được bảo vệ và chăm sóc tốt hơn.