Căn bệnh khiến trẻ gắn với xilanh suốt đời

Khánh Ngọc |

Tiểu đường tuýp 1 là bệnh tiểu đường phụ thuộc vào insulin và người bị tiểu đường phải được tiêm insulin hàng ngày, không được tiêm vào ban đêm.

Bệnh tiểu đường tăng mạnh ở trẻ em

Chị Nguyễn Thị Hoài Anh trú tại tập thể E5, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội có con đang bị tiểu đường tuýp 1.

Cháu Vũ Lam Giang 7 tuổi nhìn bề ngoài khỏe mạnh nhưng ít ai biết rằng cháu đang sống phụ thuộc vào những mũi tiêm insulin và suốt đời cháu phải điều trị bệnh này.

Chị Hoài Anh kể, từ khi con bị bệnh, thứ mà hai vợ chồng chị không thể thiếu hàng ngày đó là máy đo đường huyết và xilanh để tiêm insulin cho con.

Từ năm 2013, khi thấy con mệt mỏi, đi tiểu nhiều, háo nước và thích ăn đồ ngọt, chị Hoài Anh đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Kết quả cháu bị tiểu đường tuýp 1.

Sau gần 2 tháng nằm viện điều trị tích cực, sau đó về nhà bé Giang được điều trị tại nhà và công việc hàng ngày của cha mẹ bé là đo đường huyết cho con mỗi buổi sáng và tiêm thuốc insulin.

Những ngày đầu, chị Hoài Anh sợ vì chưa bao giờ tiêm. Anh chị phải nhờ cô cháu làm điều dưỡng ở viện về nhà tiêm cho nhưng lâu dần nên họ tự tiêm cho con. Ngày nào cũng trích máu từ tay con, chị Hoài Anh xót con lắm những biết làm thế nào.

Tại Khoa Nội tiết, di truyền và chuyển hóa của Bệnh viện Nhi trung ương, có nhiều trẻ bị bệnh tiểu đường tuýp 1 đang điều trị tại đây.

Bé Nguyễn Anh Th. trú tại Ân Thi, Hưng Yên 3 tuổi, gần đây đi tiểu nhiều, mệt mỏi, sốt. Gia đình đưa bé đi bệnh viện kiểm tra bác sĩ chẩn đoán bé bị tiểu đường tuýp 1.

Bé phải nằm viện điều trị ổn định đường huyết mới được về nhà. Nhưng mẹ bé Anh Th. cho biết cháu hay bị sốt, đường huyết cao, thấp thất thường nên chưa biết khi nào mới được ra viện.

Trẻ tiểu đường tuýp 1 điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Trẻ tiểu đường tuýp 1 điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Giáo sư Tạ Văn Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương - Chủ tịch Viện Đái tháo đường Việt Nam cho biết khác với tiểu đường tuyp2, tiểu đường tuýp 1 thường xảy ra ở trẻ nhỏ.

Có trẻ chỉ hơn 1 tuổi đã bị căn bệnh này. Hiện nay trẻ bị tiểu đường có các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều nước, tiểu nhiều lần. Khi thấy các triệu chứng đó, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám kịp thời.

Hơn nữa ở những gia đình có di truyền tiểu đường nên cho trẻ kiểm tra thường xuyên sàng lọc bệnh. Nếu cha mẹ không chú ý, trẻ có thể dẫn đến biến chứng hôn mê, tử vong.

Bệnh tiểu đường là kẻ thù giấu mặt

Tiểu đường tuýp 1 có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan lớn trong cơ thể, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận.

Giữ lượng đường trong máu gần mức bình thường hầu hết thời gian có thể làm giảm nguy cơ biến chứng rất nhiều. Các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường tuýp 1 phát triển dần dần, qua nhiều năm.

Phát triển bệnh tiểu đường sớm - và ít kiểm soát lượng đường trong máu - nguy cơ biến chứng cao hơn.

Tiểu đường tuýp 1 gắn chặt với những triệu chứng như tăng sự khát nước và đi tiểu thường xuyên.

Điều này do cơ chế của bệnh, khi dư thừa tích tụ đường trong máu, chất dịch được kéo từ các mô gây khát nước và uống nhiều nước thì đi tiểu nhiều.

Trẻ ăn nhiều, đặc biệt là đồ ngọt, bởi khi bị bệnh tiểu đường tuýp 1, trẻ thiếu insulin, nếu không có đủ insulin để chuyển đường vào tế bào, các cơ quan của cơ trở nên cạn kiệt năng lượng nên lúc nào người bệnh cũng rơi vào trạng thái thèm ăn.

Nghịch lý là ăn nhiều nhưng không bao giờ béo hơn mà còn giảm cân, các tế bào bị tước lượng đường nên cơ thể của người bệnh cũng mệt mỏi.

Nếu thấy các triệu chứng của bệnh tiểu đường, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm nước tiểu tìm glucose và xê-ton và xét nghiệm máu đánh giá lượng đường huyết.

Bình thường nước tiểu không chứa glucose, glucose chỉ có thể tràn vào nước tiểu khi lượng đường trong máu cao. Nếu còn nghi ngờ, có thể làm thêm một xét nghiệm máu nữa gọi là xét nghiệm dung nạp glucose.

Trẻ bị tiểu đường mỗi ngày phải đo đường huyết 5 đến 7 lần.

Việc điều trị và chăm sóc trẻ bị tiểu đường tuýp 1 hết sức quan trọng. Giáo sư Bình đã chứng kiến nhiều trường hợp bị tử vong vì tiêm insulin sau bữa ăn.

Giáo sư Bình cho biết nếu tiêm vào sau bữa ăn thì đêm đường huyết hạ và trẻ hay người lớn đều tử vong vì hạ đường huyết đột ngột.

Giáo sư Bình cho biết có trường hợp cả nhà liên hoan, đến tối người vợ tiêm thuốc insulin cho chồng và quên mất. Khi tỉnh dậy thì chồng đã chết vì hạ đường huyết.

Ở trẻ nhỏ cũng thế. Giáo sư Bình chứng kiến nhiều trẻ tử vong vì tiêm insulin vào ban đêm. Các bác sĩ lúc nào cũng khuyến cáo không được tiêm insulin cho người bệnh vào ban đêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại